Lặng lẽ kiếp người ở trại phong Phú Bình

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cứ đi hết con đường quanh co sâu hun hút mới vào được đến khu điều trị bệnh phong Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Trại phong nằm ẩn mình lặng lẽ trong trong sự bao bọc của cây rừng, đồi núi.
Lặng lẽ kiếp người ở trại phong Phú Bình
Những căn phòng đơn sơ thế này đã là nhà của các ông bà trong trại phong nhiều năm nay.

Ở đó là kiếp sống của hàng trăm con người đã gắn bó từ tuổi thanh xuân hay một nửa cuộc đời với căn bệnh bị người xưa hắt hủi. Kiếp sống lặng lẽ chẳng phá nổi sự tĩnh mịch của núi rừng.

Tuổi già neo đơn

Trước kia, đây là khu điều trị bệnh phong. Ngày ấy, bệnh phong là một căn bệnh quái ác, ghê sợ, phải tránh xa nên khu điều trị phải nằm sâu trong rừng núi. Nhưng giờ bệnh phong không còn nữa, đây trở thành nơi an dưỡng tuổi già của các ông bà sống neo đơn với một c‌ơ th‌ể không lành lặn.

Không tránh khỏi cái cảm giác ghê sợ ban đầu, những dãy nhà mang vẻ hoang sơ, hiu quạnh, những con người với sự khiếm khuyết của đôi bàn chân, bàn tay sẽ khiến ai vào cũng phải có ý muốn chùn bước. Chỉ khi thấy được sự khát khao bóng người, tiếng người của nơi ấy lại níu bước chân chẳng nỡ dời đi.

Bất kỳ ai đến đây, dù để thăm hỏi, tặng quà hay chỉ để có thêm trải nghiệm hiểu biết, vốn sống đều được chào đón bằng tấm lòng khẩn khoản, quý người của những người già trại phong.

Trại phong Phú Bình hiện còn gần 100 ông bà sinh sống. Có người đến đây khi đang ở cái tuổi thanh xuân đẹp nhất mười tám, đôi mươi. Có người đã đi hết một nửa cuộc đời trong chiến tranh, bom đạn rồi dừng chân ở chốn u sâu này để chiến đấu với bệnh tật.

Có người vẫn còn họ hàng, con cháu, một vài năm vào thăm hỏi đôi ba lần, ai may mắn thì được đưa về thăm nhà, thăm quê dăm ba bữa. Nhưng có người thì mấy chục năm nay chẳng biết đến tiếng người thân, chiến tranh ai còn ai mất đâu biết. Cái tuổi già nhẫn tâm còn làm người ta chẳng nhớ rõ quê mình nữa.

Không người thân, tuổi già níu bám, nương tựa lẫn nhau chống chọi với bệnh tật và nỗi cô đơn. Một căn phòng nhỏ có vẻ vẫn mênh mông với hai kiếp người. Mấy đồ chăn chiếu đã cũ, quần áo đã rách sờn, vài ba cái chén, cái bát men sứ từ thời nào đã hoen gỉ đôi chỗ, cái bàn, cái ghế gỗ cũ ọp ẹp, cái bếp kiềng với đống củi khô chẳng được bén lửa lâu, cái mảnh vườn rau nhỏ xíu trước cửa phòng thế là đủ cho một cuộc sống.

Cỏ dại bao quanh lúc nào cũng đợi người cắt dọn vì những đôi bàn tay không đủ ngón, những đôi chân nhựa chống nạng, những bệnh tật tuổi già đâu còn đủ sức chống lại sự vươn lên của cỏ dại.

Vật chất thiếu thốn

Dù mắc bệnh khi còn trẻ hay khi đã đi hết được một phần cuộc đời thì ở tuổi xế chiều, họ vẫn sống cô đơn với c‌ơ th‌ể không lành lặn trong trại phong. Mỗi tháng, với số tiền trợ cấp ít ỏi, 450 nghìn, các cụ già hầu như chỉ dám ăn một bữa cơm với chút thức ăn để còn dành tiền thuốc thang đau ốm.

Cửa hàng tạp hóa ở đây chỉ là mấy gói dầu gội, gói bột canh hay chai nước mắm do người nhà gửi vào. Bữa cơm của các ông bà chỉ là một bát cơm, mấy sợi rau, khi được miếng thịt, cái đậu. Cái mảnh đất nhỏ trước cửa phòng, ai còn có thể đi lại được thì đều cố trồng lấy mấy cây rau, vừa để có việc đi lại cho đỡ buồn, vừa để cải thiện bữa ăn, đỡ đồng tiền mua rau.

Có khi, bữa ăn của những người già chỉ là bát cháo hành hay gói mì tôm. “Có 450 nghìn thôi, ăn nhiều đến khi đau lấy tiền đâu mua thuốc. Thi thoảng trái gió, trở trời hay bị đau khớp lắm. Dạo trước còn được trợ cấp có 300 nghìn mà vẫn phải lo đủ tiền ăn lẫn tiền thuốc.” Ông Chính, 70 tuổi, quê Từ Sơn, Bắc Ninh cho biết.

Quần áo, quạt điện, phích nước cũng do Nhà nước trợ cấp. Trước kia mỗi năm mỗi người được phát hai bộ quần áo, mà giờ chỉ được có một bộ. Mùa đông, sương muối buốt lạnh, người già chỉ mặc độc cái quần mỏng manh, vì mặc nhiều lại không giặt được, chỉ chờ các sơ qua giặt giúp. Áo có bao nhiêu cái mặc hết lên, nhiều cái mỏng mặc vào cũng đủ ấm.

Với một chân đã bị cưa bỏ phải di chuyển bằng ghế nhưng bà cụ này vẫn cố gắng tự nấu cơm.

Ngoài kia, người ta đang rộn ràng chuẩn bị Tết nhất. Trong này không một nhánh đào mai. Khi được hỏi Tết mong muốn gì, ai cũng bảo muốn thì muốn nhiều lắm nhưng có để làm gì đâu. Tết sao chỉ mong sao có cái bánh chưng, có miếng thịt là đã có không khí lắm rồi.

Trước kia, trong đêm giao thừa, nhà văn hóa vẫn tổ chức văn nghệ, chúc Tết. Nhưng giờ nhiều người già quá, đi lại khó khăn nên không tổ chức nữa. Ông Phạm Ngọc Hải cũng từng bị bệnh phong và điều trị ở đây nhưng may mắn là còn khỏe mạnh và c‌ơ th‌ể tương đối lành lặn, là quản lý trại phong.

Ông cho biết: “Trên họ cấp cho bốn ngày Tết là 120 nghìn. Trước họ cho 200 nhưng từ năm ngoái, năm nay chỉ có 30 nghìn một ngày. Họ cho thế nào thì biết thế thôi. Mua quà tặng thì trừ đi, còn đưa tiền cho chúng tôi thì chúng tôi mua thực phẩm cho các ông bà ăn.”

Vậy là cái Tết của người già chỉ vẹn vẹn trong ngần ấy tiền. Năm nào cũng có các ban ngành, đoàn thể đến chúc Tết mà cái Tết nghe sao buồn quá!

Tuổi già như ngọn đèn leo lét trước gió, bàn tay nào che chở?....

Mang yêu thương sưởi ấm những kiếp người lặng lẽ

Cuộc sống tuổi già neo đơn thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình thần. Cái bánh chưng hay miếng thịt cũng đủ có cái không khí Tết. Nhưng chẳng biết bao lâu rồi, những người già ở đây không biết đến cái Tết đoàn viên. Ngày Tết, các ông bà sang phòng nhau chúc Tết, mừng tuổi nhau, chúc cho nhau có cơm ăn no, áo mặc ấm, chúc cái bệnh tật không hành hạ tuổi già. Chỉ biết chúc thế thôi…

Mấy năm trở lại đây, trại phong Phú Bình thường xuyên có các đoàn tình nguyện ở nhiều nơi, nhiều trường đại học tới ủng hộ, quần áo, gạo, mì tôm, bánh kẹo… vật chất chẳng là bao nhưng tấm lòng mới là đáng quý, được chia sẻ gánh nặng cơm áo với nỗi buồn cô đơn lúc tuổi già.

Nấu cháo mang đến từng phòng các ông bà rồi cùng ngồi trò chuyện là hoạt động được nhiều đoàn tình nguyện lựa chọn vì nó không chỉ tạo sự gần gũi không chỉ giữa 2 thế hệ mà còn là sự kết nối giữa hai thế giới “trong này – ngoài kia”.  “Không cho gì chúng tôi cũng vui, cứ đến đây là vui rồi.”, một bà lão tuổi đã ngoài 80 nói.

Bát cháo ấm bụng, sự sẻ chia ấm lòng

Chút gạo hay mấy gói mì tôm quyên góp cũng đủ làm cho các ông bà trong trại phong ấm lòng.

Tết năm nay, mỗi ông bà có cái bánh chưng, gói bánh, mấy cân gạo ngon của một đoàn tình nguyện ở Hà Nội và một đoàn ở Thái Nguyên gửi tặng.

Anh Từ Anh Tuấn, đội trưởng đội tình nguyện EveryHeart Thái Nguyên chia sẻ: “Các ông bà giờ tuy không còn bệnh nhưng di chứng vẫn còn nên các hoạt động sinh hoạt hằng ngày rất khó khăn. Hơn nữa cả đời sống vật chất và tinh thần đều thiếu thốn. Đội mình muốn mang lại một chút niềm vui cũng như san sẻ phần nào cuộc sống với các ông bà.”

Thế hệ thứ 3 sinh ra và lớn lên ở trại phong. Trước kia, có những ông bà vào đây từ khi còn trẻ, họ gặp nhau, lấy nhau rồi sinh con đẻ cái. Con cháu họ sinh sống ngay bên ngoài trại phong.

Vì thế mà ở đây cũng bớt cô quạnh hơn. Có thể chỉ một, hai chục năm, nơi đây sẽ ko còn là trại phong nữa, những số phận phải vật lộn với bệnh tật được nghỉ ngơi, những đứa trẻ sẽ lớn lên. Những thế hệ mới, cuộc đời mới sẽ nảy trồi từ đau thương.

Những thế hệ mới, cuộc đời mới sẽ nảy trồi từ đau thương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật