Hậu trường của những bầu show

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không hề có “cây đũa thần“ để người quản lý (manager) có thể biến một người biết hát trở thành ca sĩ ngôi sao nếu họ không chịu đổ công sức, tiền bạc và cả… nước mắt. Được mệnh danh là người nắm trong tay bí quyết công nghệ lăngxê, nhưng lắm lúc các manager cũng trở thành nạn nhân của ca sĩ “gà“ nhà.
Hậu trường của những bầu show
.

Khi những Đan Trường, Ưng Hoàng Phúc, Nguyễn Phi Hùng, Cẩm Ly... trở nên đình đám, công đầu thuộc về các "bầu show" tên tuổi Hoàng Tuấn, Thủy Nguyễn, Hữu Minh... Một ngày làm việc của họ thường bắt đầu từ 8 giờ ngày hôm trước và kết thúc khi đồng hồ điểm 2 giờ sáng hôm sau. Ông Hoàng Tuấn nói: "Việc đầu tiên mà tôi làm trong ngày là đọc gần 20 tờ báo để nắm bắt thông tin, sau đó là hợp đồng biểu diễn, biên tập ca khúc, chọn ca khúc mới, chuẩn bị xe cộ, khách sạn... Chỉ là những việc vụn vặt nhưng nếu không được sắp xếp khoa học thì gặp sự cố là điều không tránh khỏi".

Dù lịch biểu diễn của ca sĩ được xếp trong vòng ít nhất nửa năm nhưng vào mỗi buổi chiều, nhà quản lý đều phải gút lại lần cuối các show diễn trong ngày để tính toán giờ biểu diễn. Thậm chí họ cũng tham gia vào việc dán poster giới thiệu album mới của ca sĩ ở các trạm điện thoại công cộng, tường nhà... Dĩ nhiên, công việc chính của một manager vẫn là tư vấn về giọng hát lẫn phong cách biểu diễn, liên hệ điểm diễn, nhận show cho ca sĩ, ký hợp đồng thu âm, thỏa thuận cát-xê tương xứng, chiến lược sản xuất và phát hành album mới, tiếp thị quảng bá tên tuổi, đại diện trả lời phỏng vấn của báo chí thay cho ca sĩ trong những vấn đề nhạ‌y cả‌m... và cả lên lịch cho ca sĩ gặp bác sĩ để chăm sóc sức khỏe. Ca sĩ chỉ việc tập luyện và diễn. Lợi ích của manager gắn chặt với thành công của ca sĩ nên họ phải dự đoán được tiềm năng, biết rõ thời điểm chín muồi cho sự xuất hiện đúng lúc của ca sĩ và tìm cách duy trì "tuổi thọ" của ca sĩ trên sân khấu. Từ đó, manager xây dựng một chiến lược có lợi nhất cho ca sĩ của họ.

Trước đây, một ca sĩ thường ký thỏa thuận độc quyền với một nhà quản lý trong 5 năm. Ba năm đầu, manager sẽ bỏ công đào tạo cho ca sĩ. Nếu công việc thuận lợi, người quản lý sẽ thu hồi lại vốn, thậm chí lời to trong 2 năm cuối theo tỷ lệ 50-50. Tuy nhiên, hiện nay, ca sĩ và manager chỉ có hợp đồng 3-4 năm nên việc lên kế hoạch hoàn hảo để manager thu hồi vốn càng trở nên… khẩn trương. Việc ăn chia không đều giữa manager và ca sĩ là chuyện thường gặp nhất. Một thành viên ban nhạc GMC đã phải ra đi vì lý do quản lý của họ không sòng phẳng trong việc trả lương. Anh nói: "Làm ca sĩ đi biểu diễn hằng đêm nhưng lương chúng tôi nhận được chỉ bằng lương nhân viên văn phòng. Thậm chí, chúng tôi còn phải nhận lương trễ". Trường hợp ca sĩ bị "tiền mất tật mang" bởi manager là không hiếm. Dù không còn ca hát nhưng mỗi khi nhắc lại, 5 thành viên của một nhóm nhạc mới nổi gần đây vẫn còn ám ảnh về người quản lý của họ. Khi được nhạc sĩ tập trung thành lập nhóm, cả 5 người rất hạnh phúc và mang ơn manager. Bởi ít nhất, ông là người đã giúp họ thực hiện được ước nguyện làm ca sĩ. Đáp lại công ơn của manager, họ tập luyện và biểu diễn mà không quan tâm đến điều khác. Tất nhiên, giá cát-xê của họ được bao nhiêu sau mỗi buổi diễn cũng đã có manager tính. Đến một ngày, căn nhà mà nhóm đang ở bị một đám người lạ mặt đến đập phá. Liên lạc với manager qua điện thoại không được, lúc này họ mới vỡ lẽ là manager của mình đã biến mất vì số nợ kếch sù. Nhìn lại, họ chẳng có gì ngoài vài bộ trang phục diễn.

Người quản lý lo toan là thế nhưng tình trạng ca sĩ khi đã "đủ lông đủ cánh" thì... bay riêng không còn là chuyện hiếm hoi. Nhắc đến ca sĩ độc quyền của mình vốn là một diễn viên mới nổi lên từ một bộ phim nhựa, anh Hữu Minh còn ngao ngán. Anh nói, chuyện ca sĩ này bỏ học đi chơi là thường xuyên. Không ít lần, trong khi mọi người lo lắng cho chương trình biểu diễn của anh thì ca sĩ lại thản nhiên bù khú với bạn bè. Những chuyện này, bầu Minh đã phải chấp nhận vì đã lỡ ký hợp đồng độc quyền. Nhưng đến khi ca sĩ qua mặt, lấy hóa đơn, biên nhận khống ở vài nơi về tính tiền với công ty thì cậu ta bị đánh giá về đạo đức. Đó là chưa kể chuyện Hữu Minh phải đi xin lỗi một ông bầu khác vì những tuyên bố "bạt mạng" của "ngôi sao nhỏ" trên một tạp chí. Đến lúc này, bầu Minh buộc phải cắt ngang hợp đồng. Số tiền bỏ ra đầu tư cho ca sĩ một năm trời xem như mất trắng. Trường hợp ông bầu Tuấn thì lại khác. Ca sĩ ham chơi đỏ đen mà người quản lý lại khá dị ứng với chuyện hát nhép. Một lần chơi đánh bài quên mất giờ diễn, ca sĩ phải hát nhép dù chỉ hát một bài. Bực mình, quản lý Tuấn cắt ngang hợp đồng và… chịu lỗ.

Cái tên "cửa miệng" dành cho manager ca sỹ bây giờ là bầu show. Cứ ngỡ thế giới của bầu show là hào nhoáng, xa hoa… thực ra, hậu trường của họ là vô vàn nỗi lo chồng chất và những nỗi cực nhọc nằm bên ngoài giọng hát của ca sỹ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật