Những tiện ích của “Chữ Việt không dấu“ trong Tin học

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một kiểu chữ cải tiến, không dấu, ngắn gọn dành riêng cho Tin học, giúp việc sử dụng những tiện ích mới của CNTT một cách thuận tiện mang tên “Chữ Việt không dấu” của tác giả Nguyễn Ninh (Hà Nội) là một sản phẩm có tiềm năng ứng dụng cao tham gia cuộc thi “Nhân tài đất Việt” năm nay.
Những tiện ích của “Chữ Việt không dấu“ trong Tin học
Tác giả Nguyễn Ninh

Những tiện ích của “Chữ Việt không dấu”

Ra đời trong hoàn cảnh nền tin học nước ta phát triển mạnh mẽ nhưng lại gặp trở ngại do việc sử dụng chữ có nhiều dấu và viết theo cách tách rời từng đơn âm, sản phẩm “Chữ Việt không dấu” của tác giả Nguyễn Ninh (Hà Nội) là giải pháp mạng và tích hợp công nghệ sẽ tạo ra nhiều thuận tiện cho việc sử dụng tiếng Việt trong Tin học.

Với kiểu chữ này, nhiều thao tác trên máy tính được giảm bớt, tiết kiệm được nhiều thời gian, kinh phí nhưng vẫn bảo đảm được độ chính xác của thông tin. Khi cần phải chuyển các thông tin ra đại chúng bằng chữ có dấu, chỉ cần dùng một nhu liệu (phần mềm) đơn giản là có thể thực hiện được.

Như vậy, tiện ích của sản phẩm này sẽ giúp các bạn có thể email, chat, nhắn tin, thậm chí ký các hợp đồng kinh tế quan trọng một cách chính xác, ngay cả khi chúng ta ở bất kì nước nào trên thế giới, với trong tay bất kì chiếc máy tính hoặc điện thoại di động nào, mà không cần phải băn khoăn liệu những thiết bị đó đã được cài đặt nhu liệu (phần mềm) tiếng Việt nào chưa.

Sản phẩm này sẽ giúp loại bỏ dấu và khắc phục những chỗ bất hợp lý của chữ Quốc ngữ trong tin học. Đây là lối chữ không dựa trên phương pháp phiên âm (phonetic transcription) mà dựa trên ký âm pháp (phonetic notation) nghĩa là dùng những ký hiệu (ở đây là những ký tự hay chữ cái) theo những quy ước nhất định, để ghi chép lại các âm vị, âm tiết của tiếng Việt.

Một ý tưởng có tính kết nối

Trải qua hơn 3 thế kỷ, đã có nhiều trào lưu cải cách chữ Quốc ngữ. Người đầu tiên nêu những đề nghị cải cách chữ Quốc ngữ là học giả người Pháp Aymonier (Ay-mô-ni-ê). Trong một công trình nghiên cứu "Những lối chữ phiên âm của chúng ta" (Nos transcriptions-1886) ông đã đề xuất khá nhiều sửa đổi những chỗ bất hợp lý của chữ Quốc ngữ.

Ngay từ năm 1919, Phó Đức Thành cũng đã đề xuất dùng một số phụ âm viết ghép đằng sau âm tiết để thay cho dấu giọng (dấu thanh). Tiếp đó rộ lên một phong trào dùng chữ thay cho dấu thanh và lắng đi vào những năm 1930. Tuy vậy, cách này vẫn được dùng trong bưu điện để đánh điện tín, và đến ngày nay lại được dùng trong các bộ gõ tiếng Việt của ngành điện toán (Tin học).

Đề án “Chữ Việt không dấu” đã tiếp thu một số sửa đổi có giá trị của học giả người Pháp này như: Chỉ dùng một chữ k để biểu thị âm "cờ" thay cho k, c, q, dùng c thay cho ch, d thay cho đ, z thay cho d, j thay cho gi, bỏ h trong gh, ngh ở mọi trường hợp,...

Nhưng bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra được những sáng tạo riêng: dùng q thay cho kh, và đề xuất một số nguyên âm e (ê), w (oa), u (uê), i (i, y), y (uy).

Sáng tạo chính của riêng tác giả là phần xây dựng các vần ngắn gọn (Chỉ với 2 chữ cái) mà vẫn loại bỏ được dấu phụ, bằng cách dùng các phụ âm cuối khác với 8 phụ âm cuối c, t, p, m, n, ng, ch, nh của chữ Quốc ngữ.

Chữ mới dùng đủ 26 chữ cái trên bàn phím của máy tính với 2 quy ước sau: Quy ước đầu tiên là mỗi chữ cái có thể đóng một số vai trò khác nhau tùy thuộc vào vị trí mà nó được đặt trong âm tiết và tùy thuộc vào mối quan hệ của nó với các chữ cái khác; Quy ước thứ hai là hai chữ cái kết hợp chặt chẽ với nhau không thể tách rời (gọi là cặp chữ hợp nhất) để biểu thị cho một âm vị nhất định nào đó.

Hiện nay, đã có khá nhiều độc giả thích ứng với cách sử dụng tiếng Việt không dấu này với sự trở giúp hướng dẫn sử dụng qua địa chỉ email nguyenhainamvn@fpt.vn hoặc ngninh143@yahoo.com.

Đây là một sản phẩm đang tạo ra hy vọng một hướng đi mới cho việc sử dụng tiếng Việt trong Tin học.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật