Địa ngục tù đày 30 năm chiến tranh của cựu binh

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những dụng cụ hành hạ người tù trong nhà lao Phú Quốc trước đây như vồ sầu đời, gậy biệt ly, roi cá đuối... đang được trưng bày tại một bảo tàng ở ngoại thành Hà Nội.
Địa ngục tù đày 30 năm chiến tranh của cựu binh
Ông Lâm Văn Bảng từng bị địch đánh dập đôi chân nhưng vẫn vươn lên cả trong thời chiến lẫn thời bình.

Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km, qua trung tâm huyện Phú Xuyên một đoạn. Điểm đặc biệt nơi đây là từ người dắt xe, quét cổng, đến hướng dẫn viên đều đeo trang trọng trên ngực huy hiệu hình đôi tay bị xiềng xích - huy hiệu dành riêng cho những chiến sĩ bị địch bắt tù đày.

Ở tuổi thất thập cổ lai hy, sức khỏe ông Lâm Văn Bảng, giám đốc bảo tàng, đã yếu nhưng ông vẫn rất nhiệt huyết. Ông dẫn khách tham quan, kể về lai lịch từng hiện vật trong bảo tàng bằng lời lẽ trân trọng. Ông cũng kể về những đồng đội đã sát cánh với mình bao năm qua: "Anh Uỵch bị địch nhốt vào chuồng cọp, anh Phùng bị tuốt móng chân tay, anh Bướng thịt da băm nát vì roi cá đuối, anh Nghĩa lấy máu nhuộm cờ và vẽ chân dung Bác Hồ, anh Nghi tự rạch bụng đấu tranh với địch...".

Ông không nói một câu nào về mình, dù thế tất cả những người đang giúp việc ở bảo tàng ai cũng thầm xem ông là thủ lĩnh. Ông Vũ Hữu Mão (62 tuổi), trung tá công an về hưu, chia sẻ, hai năm trước, ông biết chuyện ông Bảng lập bảo tàng. Chứng kiến những việc làm nặng tình đồng đội của ông Bảng, ông Mão xin được tình nguyện xuống giúp việc bảo tàng.

"Quen thân với anh Bảng, tôi mới biết trước kia anh là bí thư chi bộ nhiều năm trong nhà lao Cây Dừa (Phú Quốc). Trong tù, anh bị xem là dạng tù đặc biệt, đòn roi, mua chuộc không thể khuất phục. Anh Bảng bị tra tấn dập cả đôi chân, phải cố định bằng ống sắt. Nhưng anh đã tự tay cào nát vết thương, kéo dài thời gian lành bệnh để nhét tài liệt trong ống sắt và đi lại tuyên truyền chính trị, vận động anh em tù tin vào cách mạng", ông Mão kể.

Năm 1965, ông Bảng tham gia vào binh đoàn Trung Giã, trong trận chiến ở Tây Ninh, ông được tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ". Trong trận Mậu Thân 1968, ông bị thương, phải vào khám Chí Hòa, rồi ra nhà lao Phú Quốc. Ông đã nếm chịu những đòn tr‌a tấ‌n ghê rợn nhất. Sau Hiệp định Paris, ông được trao trả tù binh, trở về quê với thương tật 1/4.

Sau đó, ông Bảng là Hạt trưởng hạt quản lý Quốc lộ 1A. Một lần thi công đoạn đường Cầu Giẽ - Ninh Bình, đơn vị ông thấy một quả bom tấn của giặc Mỹ, sau khi tháo thuốc nổ ông đã xin vỏ quả bom về. Ngày đêm ngắm nghía quả bom, những ký ức lao tù lại hiện về và ông nảy ra ý định sưu tầm những kỷ vật của thời chiến.

Với một chiếc xe đạp cũ, ông đi khắp các tỉnh lân cận Hà Nội liên lạc lại đồng đội, tìm hiện vật chiến tranh. Mỗi hiện vật là một câu chuyện in sâu vào tâm khảm. Ông Bảng chống gậy dẫn khách tham quan bảo tàng, chỉ vào từng hiện vật. Lúc đi ngang lá cờ đỏ sao vàng chỉ bằng bao diêm, ông dừng lại, bâng khuâng: "Lá cờ này là báu vật của những người cộn‌g sả‌n trong tù, tôi đặt nó ở đây để mọi người đến thăm bảo tàng thấy được ý chí của người lính và cũng để giáo dục các thế hệ trẻ Việt Nam".

Trước đây, người lính Nguyễn Mạnh Dư cùng bạn tù được người nhà đi thăm nuôi lén nhét cho một mẫu vải đỏ. Lâu dần những người tù ghép lại, thêu hình ngôi sao và dùng lá cờ trong những lần sinh hoạt Đảng hay treo lên tường để nhắc nhở mọi người có niềm tin vào ngày mai chiến thắng.

"Những lần bị địch lục soát, anh Dư cuốn lá cờ vào túi nilon, dùng dây chỉ buộc vào răng, nuốt cờ vào bụng. Lúc trao lá cờ cho tôi, anh ấy đã bảo cờ là lý tưởng, Tổ Quốc, là tình sâu nghĩa nặng của đồng bào miền Nam... mà anh ấy đã định 'sống để dạ, chết mang theo', quý hơn cả sinh mệnh. Anh khóc, vợ con khóc, tôi cũng không thể kìm được nước mắt", ông Bảng rơm rớm nói thêm. Để xin được lá cờ này, ông Bảng phải mất một năm ròng đạp xe từ Phú Xuyên sang xã Hồng Dương, Thanh Oai (Hà Nội) thuyết phục ông Nguyễn Mạnh Dư.

Nghe lai lịch lá cờ của ông Dư, một du khách nước ngoài đã xin mua với giá 40.000 USD. Ông Bảng đã từ chối vì đây là báu vật vô giá. Ảnh: Phan Dương.

Lại có lần ông Bảng đi lên bản Lò Than (Yên Thế, Bắc Giang) để xin quyển nhật ký học chính trị của người tù tên Phong. Để vào được nhà anh Phong, ông Bảng và đồng đội phải băng rừng lội suối. Cuối cùng họ đến một ngôi nhà tranh, vách liếp, nhìn thấy cả bầu trời và cách rừng phía sau. Đứa con bị chất độc da cam của anh Phong sợ chạy vào rừng, bỏ dở mâm cơm trưa chỉ có đĩa muối, bát rau.

"Vợ mất sớm để lại cho anh ấy hai đứa con bệnh tật. Căn nhà trống hoác, chỉ có một hòm tôn hoen gỉ, bên trong đó anh ấy để dành tài sản quý nhất cả cuộc đời là cuốn sổ học chính trị ngày còn trong tù. Chúng tôi dốc hết tiền cho anh, người nào có áo khoác cũng cởi cho. Ra về mà thương anh vô hạn, đâu đó trên đất nước này vẫn còn những đồng đội mình khổ thế", ông Bảng chỉ vào cuốn sổ bạc màu đang được trưng bày ở một góc trong bảo tàng nói.

Theo ông Bảng, cuộc chiến của người lính trong tù gian nan, nguy hiểm, kẻ thù tàn bạo hơn. "Một phần của bảo tàng này là để nhớ về ký ức không thể quên ấy, đó là đòn roi, tr‌a tấ‌n của địch, là tấm gương bất khuất của những đồng đội tôi", người cựu tù già chống gậy cất giọng thâm trầm nặng tình nghĩa.

Ông Bảng và những đồng đội chung tâm sức xây dựng Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Bao nhiêu năm qua, những thành viên này đã phục vụ không công cho bảo tàng. Ảnh: Phan Dương.

Ngoài trưng bày hiện vật, Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày còn có khu dâng hương thờ Hồ Chủ Tịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và các liệt sĩ. Để có được chân hương thờ các anh hùng, ông Bảng và đồng đội đã đi cả trăm nghĩa trang lớn trong cả nước, mỗi nơi bốc một ít đất.

Năm 2006, Bảo tàng chính thức được khai trương trên diện tích hơn 2.000m2 của nhà ông Bảng. Bảo tàng gồm các phòng lưu giữ bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ vật trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, phòng trưng bày tội ác chiến tranh và phòng nêu gương kiên trung của các anh hùng liệt sĩ... Có hơn 3.000 hiện vật, trong đó có nhiều món đồ đặc biệt đang được gìn giữ tại bảo tàng tư nhân này.

Ngoài nhiều tình nguyện viên đến đây giúp khi bảo tàng đông khách thì nơi đây có 7 người ngày nào cũng túc trực lo việc của bảo tàng. Những người lính già làm mọi việc từ quét dọn, dẫn khách tham quan, đến rót nước, pha trà, thậm chí dọn nhà vệ sinh sau khi khách ra về. Ngoài bữa cơm trưa và người ở xa được hỗ trợ thêm 7.000 đồng xe cộ thì họ không hưởng chế độ gì khác.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật