Cán bộ gây oan cho ông Chấn: Không từ chức mà cũng không xin lỗi

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi còn nhỏ, cha mẹ, thầy cô và những người lớn tuổi thường dạy bảo chúng ta rằng khi mình có lỗi lầm gì với người khác thì mình phải biết nhìn nhận lỗi lầm, biết xin lỗi người mà mình đã mắc lỗi. Những lời dạy thuở ấu thơ ấy cứ đi theo mỗi người chúng ta cho đến khi chúng ta trưởng thành, về già, rồi theo quy luật “sinh - lão - bệnh - tử” của tạo hóa.
Cán bộ gây oan cho ông Chấn: Không từ chức mà cũng không xin lỗi
Ảnh minh họa
Trong thực tế cuộc sống, thông thường khi một người có hành vi trái Pháp Luật hoặc trái đạo đức xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, thì người đó đưa ra lời xin lỗi đối với những hành vi mà mình đã gây ra.
Trong thực tiễn xét xử của tòa án, lời xin lỗi nhau cũng thường xuyên được đưa ra trong nhiều trường hợp: bị cáo xin lỗi người bị hại cùng gia đình của họ, người gây thiệt hại xin lỗi người bị thiệt hại, bị đơn xin lỗi nguyên đơn…
Theo dõi vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang mà cơ quan có thẩm quyền đã thừa nhận (Công an tỉnh Bắc Giang đã chính thức thừa nhận là án oan), chúng ta thấy có một tình tiết thể hiện nhiều tính nhân văn, đó là bị can Lý Nguyễn Chung (bị can về tội giết người, là người đã ra đầu thú sau 10 năm lẩn trốn cơ quan pháp luật) đã thông qua luật sư bào chữa của mình, gửi lời xin lỗi đến ông Chấn cùng gia đình ông.

Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân thường khuyên bị cán, bị cáo: "Sau khi phạm tội, bị can, bị cáo đã xin lỗi người bị hại hoặc gia đình của họ hay chưa?". Thế nhưng khi đã gây oan cho ông Chấn, không có vị nào tự nguyện chủ động xin lỗi ông Chấn cả!

Trong tố tụng Hình Sự, lời xin lỗi của bị can, bị cáo đối với người bị hại cùng gia đình của họ mang nhiều giá trị của nghĩa vụ đạo lý. Đó là việc xin người mà mình đã phạm lỗi hãy tha thứ cho lỗi lầm của mình đã mắc phải, và trong nhiều trường hợp, lời xin lỗi đó được các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá là bị can, bị cáo đã thành khẩn, ăn năn hối cãi rồi áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm Hình Sự cho bị can, bị cáo khi lượng hình.
Hiện tại, về nguyên tắc suy đoán vô tội thì chúng ta chưa đủ cơ sở kết luận bị can Lý Nguyễn Chung có phạm tội hay không vì chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực Pháp Luật của tòa án, nhưng bị can Chung đã “dũng cảm” ra đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội của mình và đưa ra lời xin lỗi là một việc làm đáng khích lệ cả về góc độ pháp lý lẫn đạo lý.
Trong khi đó, nếu ông Chấn được chính thức minh oan thì những người tiến hành tố tụng trực tiếp và gián tiếp làm oan ông Chấn cách đây 10 năm đã được định danh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, qua theo dõi phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta chưa thấy một cá nhân hay cơ quan, tổ chức nào trực tiếp hay gián tiếp làm oan ông Chấn cách đây 10 năm đưa ra lời xin lỗi đối với ông Chấn cùng gia đình của ông là sự “thận trọng” cũng như “tiết kiệm” quá mức cần thiết về lời xin lỗi.
Theo chúng tôi, việc các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trực tiếp điều tra, truy tố, xét xử ông Chấn cách đây 10 năm, hay những người ký kết luận điều tra, cáo trạng hoặc cơ quan của những người đó đưa ra lời xin lỗi ông Chấn cùng gia đình ông lúc này là không bắt buộc, và việc xin lỗi lúc này không có nghĩa là họ đã có sai phạm, có lỗi mà là thể hiện trách nhiệm của mình đối với ông Chấn cùng gia đình ông mà thôi.
Có thể có quan điểm cho rằng ông Chấn chưa được chính thức minh oan thì làm sao chúng ta biết được có lỗi hay không có lỗi của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng mà xin lỗi? Hoặc về lý thuyết, người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng làm oan người vô tội nhưng người tiến hành tố tụng không có lỗi, như vậy có lỗi đâu mà xin lỗi?
Theo Điều 25 Bộ luật Dân sự, khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm xin lỗi, cải chính công khai.
Theo Khoản 2 Điều 42 Bộ luật Hình Sự, trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.
Theo Điều 51 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, người bị oan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu khôi phục danh dự trong thời hạn 3 tháng (kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực), 30 ngày (kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản về việc khôi phục danh dự của người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ), cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý vụ việc phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai.
Việc xin lỗi, cải chính công khai được thực hiện bằng các hình thức trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại, có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú, đại diện của cơ quan nơi người bị thiệt hại làm việc, đại diện của một tổ chức chính trị - xã hội mà người bị thiệt hại là thành viên. Ngoài ra, việc xin lỗi, cải chính công khai còn đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp theo yêu cầu của người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ.

Theo các quy định nêu trên, chủ thể đưa ra lời xin lỗi có thể là cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức, và thông thường việc đưa ra lời xin lỗi mang tính chất bắt buộc khi có phán quyết của tòa án đã có hiệu lực Pháp Luật. Trong các trường hợp này, việc xin lỗi là mang tính chất pháp lý.

Ở đây, chúng tôi muốn bàn luận sâu thêm đến lời xin lỗi mang tính chất đạo lý. Tại sao đến thời điểm này, những người tiến hành tố tụng trong vụ án của ông Chấn bị oan cách đây 10 năm hoặc cơ quan quản lý những cán bộ tố tụng này lại tiết kiệm đưa ra lời xin lỗi ông Chấn cùng gia đình ông đến như vậy?
Hoặc là họ suy nghĩ rằng họ đã làm đúng quy định của Pháp Luật nên họ không có lỗi? Hoặc là họ cho rằng lời xin lỗi chỉ được đưa ra khi có quyết định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền? Nếu họ suy nghĩ như vậy thì quả thật đây là sai lầm, ứng xử không văn minh và thiếu tình người trong một một xã hội dân chủ, nhà nước pháp quyền.
Lý Nguyễn Chung với trình độ học vấn và trình độ học vấn hạn chế nhưng vẫn kịp thời xin lỗi, trong khi những người tiến hành tố tụng hay cơ quan tố tụng đã gây oan cho ông Chấn lại quá “tiết kiệm” lời xin lỗi.
Chúng tôi cho rằng thay vì những người tiến hành tố tụng trong vụ án của ông Chấn cách đây 10 năm cố ra sức biện minh là mình không dùng nhục hình, không bức cung, không làm sai lệch hồ sơ vụ án, không cố ý ra bản án trái Pháp Luật… thì họ nên kịp thời đưa ra lời xin lỗi cũng như tự nguyện thỏa thuận, tích cực bồi thường trước cho ông Chấn là hết sức cần thiết.
Mặc dù lời xin lỗi ông Chấn cùng gia đình ông trong thời điểm này không mang nhiều ý nghĩa pháp lý nhưng có rất nhiều ý nghĩa về mặt đạo lý, làm bớt đi sự căng thẳng của ông Chấn cùng gia đình ông đối với cán bộ tố tụng cùng cơ quan tố tụng đã làm oan ông cách đây 10 năm.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân thường hỏi bị can, bị cáo là: "Sau khi phạm tội, bị can, bị cáo đã xin lỗi người bị hại hoặc gia đình của họ hay chưa?". Hoặc các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân thường giáo dục bị can, bị cáo rằng: "Sau khi phạm tội, bị can, bị cáo nên có lời xin lỗi người bị hại cùng gia đình của họ để nhận được sự cảm thông từ phía gia đình người bị hại…".
Vậy thì tại sao chính người tiến hành tố tụng, cơ quan tố tụng lại không áp dụng những lời giáo dục đó, không thực hiện những lời khuyên đó đối với sự việc sai quấy của chính bản thân mình?
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, tuy nhiên nếu làm phép so sánh một cánh đơn giản, chúng ta thấy bị can Lý Nguyễn Chung với trình độ học vấn và trình độ văn hóa có nhiều hạn chế nhưng vẫn kịp thời xin lỗi, trong khi đó những người tiến hành tố tụng trực tiếp và gián tiếp làm oan ông Chấn, hay cơ quan quản lý những người đó lại quá “tiết kiệm” lời xin lỗi. Họ biết hay không biết hoặc là cố tình không biết về giá trị pháp lý cũng như giá trị đạo lý của lời xin lỗi? Câu trả lời này dành cho độc giả.
Thạc sĩ, luật gia Nguyễn Trương Tín, Trường đại học Luật TP.HCM
Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 4995
  1. Đến bao giờ ông Nguyễn Thanh Chấn được bồi thường?
  2. Sát thủ trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn bị đề nghị 12 năm tù
  3. Ông Nguyễn Thanh Chấn được ‘sạch tội’
  4. Xử sát thủ trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn
  5. Ông Nguyễn Thanh Chấn sắp được ‘sạch tội’
  6. Đề nghị xóa sạch tội cho ông Chấn có quá chậm trễ!?
  7. Đề nghị làm ‘sạch tội’ cho ông Nguyễn Thanh Chấn
  8. Thẩm phán xử oan ông Chấn: ‘Đây là tai nạn nghề nghiệp’
  9. Án oan ông Chấn: 10 năm ân hận của mẹ kế hung thủ giết người
  10. Nỗi ám ảnh của sát thủ vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn
  11. Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn: Điều tra viên đã dùng nhục hình
  12. Ông Chấn đòi bồi thường 9,3 tỷ sau ngồi tù oan 10 năm
  13. Ông Nguyễn Thanh Chấn gửi đơn yêu cầu bồi thường oan sai lần 2
  14. Vụ ông Chấn: Hung thủ từng ra đầu thú nhưng bị ngăn cản
  15. Sáng nay, ông Chấn ‘chốt’ yêu cầu bồi thường gần 10 tỷ
  16. Vợ ông Chấn: “Tòa phúc thẩm đánh đố gia đình tôi”
  17. Vì sao ông Nguyễn Thanh Chấn đòi bồi thường gần 10 tỷ đồng?
  18. Án oan Nguyễn Thanh Chấn: Không bất ngờ việc bắt hai cán bộ
  19. Bắt nguyên phó CA huyện Việt Yên và nguyên trưởng phòng Viện KSND Bắc Giang
  20. Bị án oan, 1 người dân sắp được bồi thường hơn 21 tỉ đồng
  21. Vụ án oan của ông Chấn: Nguyên tắc suy đoán vô tội bị xem nhẹ
Video và Bài nổi bật