Chìa khóa giúp học sinh dân tộc thiểu số vươn lên

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở địa phương miền núi, đa số nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khác nhau cùng sinh sống, cùng với đó là hệ thống giáo dục các cấp học có tính đặc thù riêng, thường xuyên được củng cố, quan tâm và chú trọng.
Chìa khóa giúp học sinh dân tộc thiểu số vươn lên
Học sinh Đồng Văn (Hà Giang) trong giờ tập viết.

Do học sinh chủ yếu là người đồng bào DTTS, vì thế việc tiếp cận các chương trình giáo dục, đào tạo chung đã gặp không ít những khó khăn, thách thức như học lực kém do khả năng nói và viết tiếng Việt hạn chế, gây cho các em có nhiều mặc cảm, thiếu tự tin, ngại đến lớp và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ học của các học sinh DTTS ở miền núi hiện nay.

Học sinh là người đồng bào DTTS có những thiệt thòi hơn so với nhiều em học sinh khác. Từ lúc nhỏ các em sống cùng gia đình nên thường xuyên phải nói tiếng dân tộc mình nhưng đến khi bước vào nhà trường thì buộc các em phải nói và viết thành thạo tiếng Việt mới có thể theo học chương trình giáo dục, đào tạo.

Do vậy, việc dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS cần phải được coi trọng và thực hiện một cách thường xuyên, nghiêm túc nhằm giúp các em tự tin, có khả năng tiếp thu và giao tiếp bằng tiếng Việt một cách thành thạo, nhất là các em chưa trải qua các lớp mẫu giáo, rút ngắn khoảng cách về khả năng học tập của các em học sinh thuộc các thành phần dân tộc khác nhau.

Để thực hiện hiệu quả nhằm nâng cao khả năng nói và viết tiếng Việt trước khi đi học của các em học sinh DTTS, theo tôi cần quan tâm các giải pháp sau:

Một là, hàng năm, các địa phương miền núi cần bố trí nguồn kinh phí ổn định dành cho việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, học hè giúp các em nhận biết và làm quen với tiếng Việt trước khi các em đủ độ tuổi đến trường; thường xuyên thống kê số lượng học sinh là người DTTS đến độ tuổi đi học để tổ chức và phân theo nhóm học sinh khác nhau cùng cư trú tại địa phương như: Nhóm học sinh các dân tộc Êđê; Ba Na, Tày, Nùng hay Chăm...vào các lớp học cùng dân tộc với nhau, đồng thời, bố trí các giáo viên là người DTTS thuộc các dân tộc này là để dạy tiếng Việt cho các em.

Hai là, đề ra các giải pháp nhằm nâng cao việc dạy tiếng Việt cho các em học sinh DTTS như: Cử giáo viên đến tận thôn, làng, đến từng gia đình để vận động các em tham gia các lớp dạy tiếng Việt trước khi các em đi học; tuyên truyền, vận động, thuyết phục gia đình cho các em tham gia học tập để tránh khỏi mặc cảm, thiếu tự tin về sau khi các em đủ tuổi đến trường.

Ba là, tăng cường quan tâm, tạo điều kiện bố trí đầy đủ về cơ sở vật chất và tinh thần cho các giáo viên đứng lớp và trực tiếp giảng dạy tiếng Việt cho các em, đồng thời, hỗ trợ cho học sinh tham gia học tập như ăn, ở, đồ dùng học tập và đi lại từ nhà đến trường. Đa dạng các hình thức giảng dạy tiếng Việt thông qua tranh, hình ảnh sinh động; có biện pháp hạn chế các em sử dụng tiếng mẹ đẻ khi đến lớp; tăng cường nói, viết và thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt. Thời gian dạy cho các em phải tối thiểu là 2 tháng nhằm đảm bảo việc thành thạo tiếng Việt trước khi các em nhập học chính thức...

Trong rất nhiều trường hợp học sinh người DTTS phải bỏ học thời gian qua, thì có nhiều lý do, trong đó, lý do chủ yếu cũng phải kể đến đó là các em có những mặc cảm vì hạn chế khả năng nói và viết tiếng Việt khi các em đi học.

Chính vì vậy, coi trọng dạy tiếng Việt cho các em học sinh người DTTS là hết sức cần thiết, tạo điều kiện và giúp cho các em đủ tự tin khi đến trường, kéo giảm khoảng cách về năng lực, thành tích học tập giữa các em học sinh với nhau, đồng thời nâng cao nhận thức, trình độ cho các em.

Và thông qua học tập, sẽ giúp các em trong tương lai vươn lên làm giàu bằng kiến thức, làm thay đổi cuộc sống của chính gia đình các em nói riêng và đồng bào DTTS cư trú tại địa phương miền núi hiện nay nói chung.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật