Anh mù nuôi em liệt tứ chi

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hơn 40 năm nay, người dân ở các xã của huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã quá quen với hình ảnh ông Long Văn Tíu (SN 1959) ngày ngày vẫn lập cập cùng một người anh bị mù đi ăn xin.
Anh mù nuôi em liệt tứ chi
Ông Tíu ngồi trên chiếc giường ọp ẹp như muốn gãy.

Thế nhưng, người anh trai không may bị tai nạn qua đời bỏ lại ông Tíu tật nguyền, bơ vơ một mình không nơi nương tựa...

nghiệt ngã đời người

Chúng tôi tìm đến túp lều của ông Tíu nằm sâu trong xóm nghèo thôn Đoái, làng Yên Thiện, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam trong một buổi chiều muộn. Trong nhà không có đồ đạc gì đáng giá bởi tất cả những đồ đạc mà ông có được đều đã trở thành đồ "quá đát", phần lớn đã mục nát không thể sử dụng. Xoong nồi cũ kỹ nằm lăn lóc, đám quần áo bốc mùi hôi, tro bếp vương vãi khắp sàn nhà… nhiều thứ hỗn độn khác nằm chen lấn lối đi, ruồi nhặng bu đầy. Nhìn cảnh tượng đó khiến ai tiếp xúc cũng phải ngậm ngùi thương xót.

Trên chiếc giường ọp ẹp tưởng như muốn gãy, ông Tíu đang gồng mình lên mặc chiếc áo một cách khó khăn, đôi tay teo nhỏ cứ cố gắng vươn lên từng chút từng chút một, khuôn mặt nhăn nhó vẻ đau đớn, khó chịu. Trên người ông, những bọc mụn nước do không được tắm rửa thường xuyên bắt đầu lở loét. Nhấp một ngụm chè nguội, ông Tíu bắt đầu trải lòng mình về cuộc đời đầy sóng gió. Cách đây gần 60 năm, bố mẹ ông di cư từ huyện Cao Lộc, Lạng Sơn về với xóm nghèo làng Yên Thiện, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang sinh sống.

Năm 1956, bé trai Long Văn Chao ra đời trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của cha mẹ. Thế nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang", chẳng bao lâu tai ương đã dồn dập đổ xuống. Do thiếu sữa mẹ nên ông Chao bị suy dinh dưỡng nặng, đau đớn hơn, ông Chao còn bị mù bẩm sinh. 3 năm sau, bé trai Long Văn Tíu ra đời tưởng rằng sẽ phần nào xoa dịu bớt sự đau đớn của gia đình, ai ngờ cậu bé lại bị bệnh liệt chân tay, không đi lại được. Nỗi đau đè nặng nỗi đau, bao nhiêu của cải chắt bóp được dốc hết vào chữa bệnh cho hai đứa con, kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ. Biết bao lo lắng, vất vả, bệnh tật đổ xuống đầu, 5 năm sau bố mẹ ông Tíu lần lượt qua đời để lại hai đứa con thơ không nơi nương tựa.

Nhắc lại chuyện cũ, ông Tíu bùi ngùi: "Sau khi bố mẹ tôi mất, hai anh em tôi dắt díu nhau đi ăn xin. Anh Chao bị mù không nhìn thấy được, tôi bò lê trên đất chỉ đường để anh ấy dìu tôi đi. Được khoảng hơn một năm mệt mỏi, chân tay tôi yếu dần, không thể bò đi xa được nữa, chúng tôi quay trở về làng ngồi một chỗ xin tiền người đi qua, ai thương tình có gì cho chúng tôi ăn. Những ngày mưa gió, thời tiết thay đổi, bệnh tật tái phát, chúng tôi đau đớn, không có gì ăn, hai anh em chỉ biết ôm nhau khóc, cực khổ lắm cô ạ".

 

Ngôi nhà của ông Tíu dưới gốc cây đề cổ thụ.

Bơ vơ một cõi đường đời

Những năm tháng sau đó, vì không muốn ngồi không ngửa tay xin tiền người dân mãi nên ông Tíu và ông Chao quyết định mượn đất của làng trên dốc đỉnh Vườn Mao mở tiệm sửa xe đạp kiếm chút ít tiền trang trải cuộc sống. Thế nhưng, số phận khắc nghiệt cứ đeo đuổi hai người, làm việc được một thời gian ngắn, ông bị đòi lại mảnh đất, phải chuyển chỗ khác dựng túp lều thì lại bị đám trẻ con trêu chọc đốt lều. Hết lên chùa rồi lại về làng, không biết bao nhiêu lần phải chuyển chỗ ở, nhưng hai anh em ông vẫn cố gắng kiên trì. Đến lần thứ 9 may mắn được một người dân trong làng thương tình cho mượn ngôi nhà bỏ hoang của họ để hai anh em có nơi làm ăn. Đấy cũng là ngôi nhà của ông Tíu đang ở nhờ bây giờ.

Hai anh em tật nguyền cố gắng làm lụng, cũng kiếm được bát cháo, mớ rau qua ngày. Được khoảng 2 năm thì tai ương lại bắt đầu ập xuống với ông, cây đề cổ thụ bên cạnh ngôi nhà đổ ập xuống trong một lần mưa bão, làm hỏng mái nhà, may mắn là hai anh em ông không bị thương. Người dân thôn Đoái thương tình chung tay góp chút tiền cho anh em ông sửa sang lại. Nhưng khó khăn, tai ương vẫn không chịu buông tha hai con người nhỏ bé, yếu ớt này.

Đêm 25/12/2012, tai họa lại giáng xuống đầu, ông Tíu bị sốt, không làm được gì, trong nhà không còn gì ăn, thương em đau ốm, ông Chao chống gậy mò mẫm đi xin ít gạo về nấu cháo cho em ăn. Không ngờ, ông Chao trượt chân ngã xuống ao và chết trong đêm tối, sáng hôm sau người dân đi làm đồng mới phát hiện ra và đưa về mai táng. "Đau đớn lắm cô ạ, chúng tôi có tội tình gì mà ông trời hành hạ nhiều như vậy, anh tôi chưa một ngày được sống sung sướng", ông Tíu nghẹn ngào nói.

Từ đó đến nay, ông Tíu cứ lủi thủi một đèn, một bóng trong căn nhà nhỏ bé dưới gốc cây đề cổ thụ làng Yên Thiện. Một ngày ông chỉ bơm vá được một hai cái xe, cơm cũng không đủ ăn, chân tay đau yếu, đôi lúc còn không làm được việc, đám trẻ con trong xóm rỗi việc lại qua giúp ông. Cứ đến mùa gặt, hiểu và thương cho số phận của ông Tíu, nhiều người dân tốt bụng ở làng đi gặt về lại cho ông một lượm lúa, thêm thắt tạm cho cuộc sống thiếu thốn.

Ông Vũ Văn Thuật (SN 1956) hàng xóm cạnh nhà ông Tíu chia sẻ: "Gia đình chú Tíu là gia đình cách mạng. Bố mẹ không may mất sớm, không để lại tài sản gì. Ngôi nhà này cũng là nhà đi mượn của vợ chồng anh làm xát gạo. Cuộc sống khó khăn, người dân trong xóm tôi thỉnh thoảng vẫn qua giúp đỡ ông tắm giặt, sửa xe giúp. Bộ đồ nghề sửa xe của ông Tíu chẳng có gì đáng kể ngoài cái bơm tay cũ rích, chân tay như vậy thì bơm được cho ai, chẳng qua là thương tình, gọi là thuê bơm của Tíu rồi cho một hai nghìn làm phước".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật