Mưu sinh 27 năm giữa lòng Hà Nội chỉ với một chiếc cân

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một cụ bà 84 tuổi đã cố gắng bươn chải, tự nuôi sống bản thân giữa Thủ đô đắt đỏ chỉ với một chiếc cân.
Mưu sinh 27 năm giữa lòng Hà Nội chỉ với một chiếc cân
Bà Đinh Thị Thanh

27 năm trôi qua, dù nắng hay mưa, ốm đau hay khỏe mạnh, bà đều kiên trì mang chiếc cân ra khu Bách hóa Thanh Xuân để kiếm 20.000 - 50.000 đồng mỗi ngày mà chưa bao giờ mảy may có ý định đi xin ăn...

Người dân sống gần khu Bách hóa Thanh Xuân (quận Thanh Xuân - Hà Nội) chẳng ai là không biết đến một bà cụ dáng người nhỏ thó, khuôn mặt gầy gò, hốc hác với đôi mắt mờ đục, mái tóc bạc phơ khoác trên mình chiếc áo len màu nâu cũ kỹ. Bà là Đinh Thị Thanh hay còn lại là bà cụ Cân, 84 tuổi, chuyên sống bằng nghề đo cân nặng cùng với sạp hàng trị giá chưa tới 100.000 đồng.
27 năm sống nhờ nghề đo cân nặng
Bà Cân sinh năm 1929, quê gốc ở Thái Bình, ra Hà Nội lập nghiệp từ năm 27 tuổi. Chồng mất, người con trai duy nhất cũng qua đời khi còn khá trẻ. Nhà cửa không có, bà Cân phải tự mưu sinh để nuôi sống bản thân mình.

Toàn bộ gia tài của bà là một chiếc cân trị giá khoảng 1,3 triệu đồng được bà "đầu tư" sau mấy năm tích cóp. Cạnh đó là vài quyển sách tử vi, tướng số được người khác gửi bán hộ và hai hộp kẹo. Đơn sơ, nghèo nàn là vậy nhưng ít ai biết rằng những thứ này đã nuôi sống bà suốt 27 năm qua.

"Tôi ngồi bán ở đây từ năm 1986, khi Bách hóa này còn tồi tàn và nghèo lắm. Bây giờ thì lát gạch, xây to đẹp lắm rồi. Công việc của tôi cũng chẳng có gì, chỉ ngày ngày mang cân ra để những người qua lại thích thì đo cân nặng, rồi ai trả bao nhiêu thì trả thôi...", bà Cân cho biết.
Người nào thương thì đưa cho bà dăm bảy nghìn đồng, mà người nào không trả thì bà cũng chẳng nói gì và luôn cười vui vẻ. Ngày đông khách, bà Cân cũng kiếm được 60.000 - 70.000 đồng, còn ngày vắng khách, bà không đủ tiền ăn.
"Hôm nào đông khách thì vui lắm. 70 nghìn là đủ cho tôi trả tiền nhà và tiền ăn. Nhưng đấy là mấy năm trước thôi, còn năm nay thì chán lắm, mùa đông lại càng chán hơn. Năm ngoái, cả vốn cả lãi tôi còn được 50.000 đồng/ngày, nhưng năm nay thì chỉ được 20.000 đồng một ngày thôi. Nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, với một bà lão gần đất xa trời như tôi thì vậy cũng được rồi", bà Cân vừa cười móm mém vừa tâm sự.

Toàn bộ gian hàng của bà cụ Cân (Ảnh Duyên Duyên)
Cũng bởi vậy mà trước đó, bà Cân còn dám gửi lại cân và "quầy hàng" ở gần đó với giá 300.000 đồng/tháng, để rảnh rang đi về nhà trọ. Nhưng buôn bán khó khăn, giờ bà chỉ dám gửi lại mỗi chiếc cân với giá 200.000 đồng/tháng, còn mấy quyển sách, hộp kẹo bà phải tự mang về.
Đầu năm 2012, bà Cân còn bán thêm thu‌ốc l‌á và bao diêm cho mấy bác chạy xe ôm nhưng vì một chị bán hàng sát bên cạnh than phiền khói thuốc khiến chị đau đầu nên bà Cân lại phải dẹp mặt hàng thu‌ốc l‌á. Vậy là ngoài thu nhập chính từ chiếc cân, khoản thu nhập "đáng kể" thứ hai bà đành dẹp bỏ nên số tiền kiếm được đã ít lại càng ít hơn....
Thu nhập thấp nhưng quyết không xin ăn
Nhiều người thấy hoàn cảnh của bà Cân đã từng cất tiếng khuyên nhủ bà đi ăn xin có khi thu nhập còn cao hơn, lại không mất 1,3 triệu để mua chiếc cân "xịn" nhưng bà Cân nhất quyết không chịu. Bà cho rằng mình chỉ có tuổi, chân tay yếu chứ không tật nguyền mà phải đi ăn xin.
"Người ta bị bệnh tật, không thể lao động được thì mới phải đi xin ăn, còn tôi vẫn khỏe lắm. Từ khi sinh ra đã chẳng bệnh tật gì. Bây giờ có tuổi, chân tay đau nhức thôi nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn, vẫn còn bán hàng tốt. Ai cũng có cuộc sống riêng và họ chỉ giúp được mình một hai lần, còn lại mình phải tự lực chứ lấy đâu mà người ta cho mãi", bà Cân nói.
Khuyên bà không được, có người cho rằng bà gàn dở, nhưng cũng không ít người phải nể phục và yêu quý con người bà.

"Người ta bị bệnh tật, không thể lao động được thì mới phải đi xin ăn, còn tôi vẫn khỏe lắm"

"Bà Cân vốn không được học hành nhiều nhưng bà là người vô cùng hiểu biết và suy nghĩ rất sâu sắc. 27 năm ngồi bán hàng ở đây, tôi chưa từng thấy bà to tiếng với ai bao giờ, lúc nào cũng tươi cười, nhã nhặn", chị Nguyễn Thị Mai, một người bán hàng gần chỗ bà Cân chia sẻ. Theo chị Mai, cuộc sống của bà Cân khó khăn, khổ cực nhưng chưa ai thấy bà than phiền nửa câu. Ngày ngày, bà cặm cụi mang cân và mấy quyển sách ra bán để kiếm tiền nuôi bản thân mình chứ chưa bao giờ ngửa tay xin tiền bất cứ người nào. Thậm chí, có người thương bà, ngỏ ý muốn đưa bà vào viện dưỡng lão rồi hàng tháng họ đóng tiền nuôi bà nhưng bà không nhận. Lúc nào bà cũng tự kiếm tiền nuôi thân, không như nhiều người còn trẻ khỏe, có sức mà chỉ trực đi ăn xin và lợi dụng lòng tốt của mọi người.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật