Vợ chồng “ai làm nấy hưởng”

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Gặp bất đồng trong việc làm ăn, không ít cặp vợ chồng chọn giải pháp vẫn chung sống bình thường nhưng tìm cách thỏa thuận chia tài sản, làm ăn riêng... để có thể tự do làm ăn, kinh doanh hoặc bảo toàn tài sản hiện có!
Vợ chồng “ai làm nấy hưởng”
Nhiều cặp vợ chồng thỏa thuận chia tài sản để làm ăn riêng theo kiểu "lời ăn, lỗ chịu"

Kết hôn đã 5 năm, vợ chồng H. ở quận Tân Bình-TPHCM có được một số vốn kha khá gởi tiết kiệm ở ngân hàng. Nhận thấy có nhiều bạn bè đầu tư vào nhà đất, chứng khoán và làm giàu nhanh chóng, chồng H. bàn với vợ rút số tiền mà vợ chồng đã tích góp lâu nay để đầu tư vào nhà đất và chơi chứng khoán.

Lời ăn, lỗ chịu

Xét thấy các lĩnh vực này có nhiều rủi ro, vả lại H. không am tường về các hình thức đầu tư này nên không đồng ý. Nguyện vọng của H. là chồng vẫn cứ đi làm công ăn lương như trước nay, còn H. vừa buôn bán tạp hóa tại nhà vừa có thời gian dành cho con và chăm lo cho gia đình. Nhưng chồng H. thì muốn phải làm giàu nhanh chóng...

Được một số bạn bè mách nước nên vợ chồng thỏa thuận chia tài sản và làm riêng. H. đã nhờ luật sư tư vấn, soạn thảo tờ thỏa thuận, trong đó có nội dung: “Kể từ ngày ký thỏa thuận này, vợ chồng có quyền làm ăn riêng, ai làm nấy hưởng theo kiểu “lời ăn, lỗ chịu”, không liên đới trách nhiệm nếu một bên làm ăn thất bại gây nợ nần...”.

Trong thực tế cũng có những trường hợp người vợ năng động muốn kinh doanh, làm ăn lớn, còn người chồng thì bảo thủ, muốn làm theo nghề gia truyền nên cũng phát sinh bất đồng. Trường hợp của chị L. ở Bến Tre là một điển hình. Gia đình chị L. nổi tiếng làm nghề sản xuất kẹo dừa, cha mẹ chị qua đời, chị nối nghiệp và cùng chồng đứng ra thành lập công ty chuyên sản xuất kinh doanh kẹo dừa.

Tuy mang tiếng là phó giám đốc nhưng chồng chỉ đứng tên thành viên công ty cho có mà thôi. Bởi thực tế chồng chị L. làm công việc chuyên về cây kiểng. Công ty của chị L. ngày càng ăn nên làm ra, từ đây công việc của chị L. trở nên bận rộn hơn, chị phải đi tìm thị trường, đi với đối tác... thì chồng chị lại nghi ngờ và có biểu hiện ghen tuông; khi cần vay vốn để mở rộng sản xuất chị bàn với chồng thế chấp nhà đất để vay tiền, chồng chị không đồng ý, từ đó mâu thuẫn vợ chồng phát sinh.

Chỉ là giải pháp tình thế

Thỏa thuận chia tài sản

Theo Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 3-10-2001 của Chính phủ, nội dung văn bản thỏa thuận chia tài sản chung phải ghi rõ: lý do chia tài sản; phần tài sản chia (bao gồm động sản, bất động sản và các quyền tài sản), trong đó cần mô tả rõ những tài sản được chia hoặc giá trị phần tài sản được chia; phần tài sản còn lại không chia, nếu có; thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung; các nội dung khác, nếu có.

Văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập văn bản và phải có chữ ký của cả vợ và chồng; văn bản thỏa thuận có thể có người làm chứng hoặc được công chứng, chứng thực theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, không muốn cảnh vợ chồng lục đục, ra tòa ly hôn sẽ ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của gia đình và thương hiệu của mình..., cuối cùng anh chị đã tìm được lối thoát, đó là lập biên bản thỏa thuận chia tài sản, khoanh vùng tài sản: đất vườn trồng kiểng giao cho chồng sở hữu, xưởng sản xuất kẹo dừa thuộc về người vợ, sang tên phần hùn của chồng trong công ty cho người con lớn, còn căn nhà hiện tại là của chung để ở, không ai được sang bán hoặc thế chấp... Từ đây, ai làm nấy hưởng. Để chặt chẽ về mặt pháp lý, anh chị đã đem văn bản thỏa thuận hỏi ý kiến các luật sư.

Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình có quy định: “Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ, chồng tự kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thỏa thuận được thì nhờ tòa án giải quyết. Việc chia tài sản chung của vợ, chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận”. Trong trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được về việc chia tài sản chung thì cả hai bên hoặc một bên có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.

Như vậy, pháp luật cho phép các cặp vợ chồng có quyền thỏa thuận phân chia tài sản chung khi có lý do chính đáng, kể cả các thỏa thuận làm riêng theo kiểu “lời ăn, lỗ chịu”, không liên đới trách nhiệm nếu việc làm ăn của vợ (hoặc chồng) có thất bại gây nợ nần..., điều ấy không trái với quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng trong thời kỳ hôn nhân mà phải chia tài sản và làm riêng chỉ là một trong những giải pháp tình thế, là biện pháp bất đắc dĩ mà thôi...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật