Lập vùng phòng không, Trung Quốc thách thức cả Thái Bình Dương

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không ngần ngại chỉ trích ngược lại Mỹ và Nhật, Trung Quốc dường như đang thách thức cả Thái Bình Dương khi thiết lập “vùng nhận diện phòng không biển Hoa Đông” bao trùm lên toàn bộ không phận quần đảo tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư.
Lập vùng phòng không, Trung Quốc thách thức cả Thái Bình Dương
Bản đồ vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc trên biển Hoa Đông - Ảnh: THX

Giới quan sát quan ngại động thái này của Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến cho căng thẳng Trung - Nhật tăng cao.
Bước đi logic của Trung Quốc Từ sáng 23.11, vùng nhận diện phòng không biển Hoa Đông do Trung Quốc thiết lập bắt đầu có hiệu lực. Đây được coi là một bước leo thang mới nghiêm trọng trong tranh chấp lãnh thổ tại Hoa Đông.

Tuy nhiên, đây cũng có thể được coi là một bước đi hợp “logic” đối với một đất nước được coi là đại cường khu vực: khi đã giải quyết “êm đẹp” tất cả các vấn đề nội tại ở trong nước thì cường quốc thông thường sẽ chuyển hướng tiếp cận của mình ra bên ngoài.

Hội nghị Trung ương lần thứ 3 của Đảng cộn‌g sả‌n Trung Quốc đầu tháng 11.2013 tại Bắc Kinh vừa qua đã lộ diện ít nhiều một lộ trình cải cách được hy vọng là sẽ thay đổi toàn diện và sâu sắc nền kinh tế Trung Quốc.

Cải cách kinh tế, một trong những cấu thành quan trọng của cái gọi là “giấc mơ Trung Hoa” mà Tập Cận Bình đề cập, sẽ giúp Đảng Công sản duy trì tính chính danh của mình.

Tính chính danh được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp gia tăng cũng như giữ vững quyền lực và uy tín của Đảng.

Một khi đã tạo ra được một môi trường trong nước ổn định và thống nhất, Bắc Kinh sẽ hoàn toàn “rảnh tay” thực hiện các chiến lược đối ngoại và xây dựng hình ảnh siêu cường của mình, đặc biệt tại những khu vực tranh chấp.

Tại sao Senkaku/ Điếu Ngư?

Việc thiết lập “vùng nhận diện phòng không biển Hoa Đông” được xem như một bước đi tiếp theo trong chiến lược khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Tàu tuần duyên Nhật Bản chặn tàu cảnh sát biển Trung Quốc đến gần lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp tháng 9.2013 - Ảnh: AP

Mỹ và Nhật Bản ngay lập tức đã tỏ quan ngại sâu sắc trước động thái này của Bắc Kinh, và Tokyo thậm chí còn triệu hồi đại sứ Trung Quốc tại Tokyo để phản đối. 
>> Nhà Trắng chỉ trích Trung Quốc, phối hợp với Nhật bàn cách đối phó

>> Thủ tướng Nhật Bản: "Vùng phòng không của Trung Quốc vô giá trị”

Trả lời AFP, giáo sư danh dự Tetsuro Kato từ Đại học Hitotsubashi ở Tokyo nhận định Bắc Kinh đang muốn “nhắc nhở” người Nhật rằng khu vực Điếu Ngư/Senkaku vẫn đang là khu vực đang tranh chấp - điều mà Tokyo luôn phủ nhận.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó cũng đã khuyến cáo khoảng 600.000 công dân nước mình ở Nhật nên đăng ký tình huống khẩn cấp đề phòng diễn biến xấu xảy ra. Động thái này như lời cảnh báo “ngầm” tới Nhật?

Không ai có thể biết được chính xác, song nó cho thấy rõ về mức độ căng thẳng trong quan hệ giữa hai bên.

Về thực chất, đây vẫn tiếp tục là một phép thử tiếp theo của Trung Quốc, nhưng là một phép thử có phần khá “cao tay”.

Bắc Kinh sẽ chờ đợi xem Tokyo và Washington rốt cuộc sẽ phản ứng như thế nào đối với bước đi có phần leo thang này.

Nếu một trong các bên liên quan không xử lý thật khéo léo, thì xung đột rất dễ bị dẫn dắt bởi các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

Cũng cần để ý rằng trong một cuộc khảo sát gần đây, 81% số người Nhật được hỏi không có thiện cảm với Trung Quốc.

Căng thẳng dâng cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cả khu vực. Mỹ vốn được coi là cường quốc truyền thống tại khu vực, chưa kể tới mối quan hệ đồng minh thân thiết giữa Mỹ và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, nước Nhật đang trong quá trình chuyển đổi cách tiếp cận của mình đối với các vấn đề an ninh chính trị của khu vực. Nội các Nhật Bản đứng đầu bởi Thủ tướng Shinzo Abe đang có tham vọng rất lớn đưa nước này trở lại là một cường quốc khu vực không chỉ trong vấn đề kinh tế mà còn cả về an ninh - quốc phòng.

Nước Nhật sẽ trở nên đáng sợ như thế nào khi tất cả các ràng buộc về tiềm lực quốc phòng được dỡ bỏ? Khi đó thì không chỉ Trung Quốc mà ngay cả Mỹ cũng cần phải bắt đầu tỏ ra lo ngại.

Bắc Kinh hiển nhiên đã cảm nhận được điều đó. Hội nghị Trung ương 3 chính là dấu hiệu đầu tiên trong chuổi chiến lược nhằm xây dựng “giấc mơ Trung Hoa” của Bí thư Tập. Nước Trung Quốc nếu muốn mạnh mẽ về quốc phòng và đủ sức giữ vững chủ quyền của mình thì trước hết phải mạnh về kinh tế.

So với khu vực biển Đông nơi Trung Quốc dường như đã tỏ ra quá áp đảo ASEAN, thì Hoa Đông rõ ràng là mặt trận quan trọng và chiến lược hơn trên con đường khẳng định sức mạnh cường quốc của nước này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật