1 triệu người đang tham gia bán hàng đa cấp: Lợi nhuận ở đâu ra?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại cuộc tọa đàm “Báo chí - Truyền thông trong ngành bán hàng đa cấp” do Hội Nhà báo Việt Nam vừa tổ chức tại Đà Nẵng ngày 22-11, các cơ quan quản lý cho biết sắp tới sẽ có Nghị định mới với những quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn đối với hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp. Nhưng cho tới hiện tại, với con số 1 triệu người Việt Nam tham gia vào lĩnh vực này đang tồn tại những nguy cơ khó lường.
1 triệu người đang tham gia bán hàng đa cấp: Lợi nhuận ở đâu ra?
Ảnh minh họa
Theo số liệu của Bộ Công thương, cho đến thời điểm này, có tới 1 triệu người Việt Nam tham gia bán hàng đa cấp. Đó là một con số quá lớn so với các lĩnh vực dịch vụ khác. Chỉ cần nhìn vào con số ấy, tỉ lệ ấy đủ khiến chúng ta giật mình khi rõ ràng trong cuộc đời mỗi người đều có mối quan hệ thân quen, họ hàng, bạn bè nhiều hơn con số 90 người. Và vì thế ít nhất mỗi người sẽ có một người quen làm nghề bán hàng đa cấp, nguy cơ bị chào mời là rất rõ ràng. Cứ 90 người dân lại có một người bán hàng đa cấp thì việc thời gian qua nhiều công ty đa cấp ở nước ta bị coi là lừa đảo không có gì là quá khó hiểu.
Điều gì khiến nhiều người Việt Nam tham gia bán hàng đa cấp? Có lẽ là do các công ty đa cấp đã rất giỏi khi đánh vào tâm lý đám đông là dễ kiếm lợi nhuận mà không cần mất công sức. Những buổi diễn thuyết để lôi kéo thêm người của các công ty đa cấp đã làm mờ mắt nhiều người vì lợi nhuận và sự "ngon ăn”.Từ đấy người nọ rủ thêm người kia và tất cả trở thành nạn nhân của nhau. Không nhiều người đủ sáng suốt để hiểu rằng nếu kinh doanh nghiêm túc thì phải đưa chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Trong khi tại các buổi diễn thuyết, các công ty không giới thiệu về sản phẩm mới hay các tính năng ưu việt của sản phẩm mà chú trọng giới thiệu về các tấm gương làm giàu nhanh chóng sau khi mới vào công ty được vài tháng. Không phải ai cũng đủ sáng suốt để đặt câu hỏi lợi nhuận ở đâu ra mà thường tin vào những lời mật ngọt vì loá mắt về lợi nhuận mà họ vẽ ra.
Nguyên tắc của kinh doanh là lợi nhuận phải do sản phẩm mang lại, còn lợi nhuận từ bán hàng đa cấp ở Việt Nam lại đến từ việc càng lôi kéo được nhiều người tham gia càng có nhiều lợi nhuận. Vậy mà với những người đang lao vào họ không hề hay biết chính họ đang trả lương cho họ bằng các khoản tiền ký quỹ và các loại lệ phí tham gia. Đây chính là thu nhập nuôi sống các công ty đa cấp chứ không phải doanh số bán hàng. Và người tham gia được hưởng khoản tiền hoa hồng bằng mọi chính việc lôi kéo được những người khác cùng tham gia với mình. Cho nên, không quá lời khi có người gọi bán hàng đa cấp ở Việt Nam là lừa đảo đa cấp.
Bởi thế vấn đề đặt ra ở Việt Nam hiện nay là làm thế nào để mọi người phân biệt được giữa loại hình bán hàng đa cấp với mô hình kinh doanh kim tự tháp. Theo ông Joseph N.Mariano, Chủ tịch Hiệp hội bán hàng trực tiếp của Mỹ: Khác biệt cơ bản của bán hàng đa cấp chân chính với mô hình kim tự tháp là công ty bán hàng đa cấp chân chính có bộ quy chuẩn đạo đức kinh doanh và triển khai thực hiện, giám sát một cách công khai, minh bạch. Thêm vào đó, các công ty này có chính sách trả hàng với giá cả, điều khoản thanh toán rõ ràng, chính sách hoa hồng cũng rõ ràng, minh bạch và không bán được hàng bằng mọi giá. Trong khi đó, mô hình kim tự tháp chủ yếu xây dựng mạng lưới và khai thác từ chính các thành viên; Thực hiện quảng bá vô tội vạ và không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm được chào bán…
Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, sai phạm của bán hàng đa cấp khiến dư luận bức xúc chủ yếu là nói quá về công dụng sản phẩm, thổi phồng quyền lợi người tham gia, giá bán cao so với giá trị. Sự biến tướng còn ở chỗ nhiều đơn vị không phải công ty bán hàng đa cấp nhưng có kiểu bán hàng mô phỏng. Vì thế, việc sửa đổi Nghị định 110 năm 2005 của Chính phủ về quản lý bán hàng đa cấp đang được Bộ Tư pháp thẩm định và dự kiến thông qua vào đầu năm 2014 sẽ siết chặt bán hàng đa cấp như nâng tiền ký quỹ, khống chế tỷ lệ hoa hồng, công ty bán hàng đa cấp phải chịu trách nhiệm khi người bán hàng vi phạm, không cấp phép trở lại đối với đơn vị vi phạm.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật