Sở Công thương Hà Nội: Triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong giai đoạn 2011-2013, nền kinh tế cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng chịu tác động của “cơn bão” suy thoái toàn cầu.
Sở Công thương Hà Nội: Triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu
Đoàn Sở Công thương Hà Nội làm việc với Thị trưởng Sao Paulo - Brazil

Tăng trưởng xuất khẩu giảm dần qua các năm, lần lượt là 27,1%, 5,3% và 0,2%. Các mặt hàng được xếp hàng tốp đầu về xuất khẩu liên tục sụt giảm cả về số lượng và trị giá đơn hàng.

Mặt khác do tình trạng nợ xấu gia tăng nên hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng hạn chế nhằm giảm thiểu rủi ro, tránh bị đối tác chiếm dụng vốn, và phát sinh công nợ.

Giá nhiên liệu, năng lượng có xu hướng tăng dần dẫn đến giá thành sản xuất và giá thu mua sản phẩm tăng khiến cho giá xuất khẩu khó cạnh tranh, trong khi giá xuất khẩu của thị trường thế giới lại giảm nên việc chào hàng gặp nhiều khó khăn...

Theo số liệu thống kê, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội đạt tăng trưởng thấp hoặc giảm qua các năm. Ví dụ khối doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng bình quân khoảng 34% - 41% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố có mức tăng trưởng giảm (khoảng 1-3%) qua các năm. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 39% - 48,6%), những năm trước có mức tăng trưởng rất cao, thường là đầu tàu kéo mức tăng trưởng của Thành phố, nhưng trong 2 năm qua lại có mức tăng trưởng thấp và giảm dần (năm 2012 tăng 9%, năm 2013 dự kiến tăng 1,4%). Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung bị phá sản hoặc phải giải thể cũng ảnh hưởng đến việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Nhằm khắc phục những khó khăn trong thời gian qua, phấn đấu thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế của Thủ đô giai đoạn 2014 – 2015 là tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân 14-15%, Sở Công thương Hà Nội xác định cần sử dụng nhiều giải pháp đồng bộ trong ngắn hạn và dài hạn nhằm phát huy tối đa nguồn nội lực, tận dụng các nguồn lực khác ở trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Đầu tiên là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó chú trọng ứng dụng rộng rãi việc thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng internet, rà soát, sửa đổi các quy định, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai chính sách Hỗ trợ lãi suất tiền vay sau đầu tư cho các doanh nghiệp của Thành phố; nắm bắt và tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp thông qua các hội nghị giao ban với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng và phát triển thương hiệu. Đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin về chính sách Pháp Luật mới, thông tin thị trường nước ngoài cho các doanh nghiệp trong đó tập trung các mảng lĩnh vực như phổ biến các văn bản pháp quy trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, hải quan; tổ chức tập huấn cung cấp thông tin chuyên sâu về từng thị trường, từng nhóm mặt hàng cho các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng khác nhau thông qua việc khai thác nguồn số liệu của Global Trade Information Services Inc (GTI); Các cơ hội, thách thức khi các Hiệp định thương mại được ký kết, các rào cản kỹ thuật...

Thứ hai nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ xuất khẩu nhằm tận dụng cơ hội và khai thác tốt các thị trường đã có và các thị trường Việt Nam đang tiến hành ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA ASEAN – ÚC/New Zealand, FTA Việt Nam – Nhật Bản, FTA Việt Nam – Chile, FTA ASEAN – Hàn Quốc, TPP, FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan Nga – Belarus - Kazakhstan…), Hiệp định song phương (Việt Nam – Hoa Kỳ, Việt Nam – Trung Quốc…), mở rộng thị trường mới bằng các cách thức: Tổ chức chương trình giao thương giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Hà Nội và nhà nhập khẩu các nước; tổ chức tham gia Hội chợ Triển lãm tại các thị trường: Hoa Kỳ, Úc, Nhật, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nam Á, châu Phi, Đông Âu, Trung Đông... tập trung vào các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Hà Nội là dệt may, giày dép, công nghệ thông tin, thủ công mỹ nghệ - sản phẩm làng nghề truyền thống, thực phẩm chế biến, sản phẩm tiêu dùng…

Thứ ba là đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường như thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn phát triển sản phẩm, đào tạo nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm dệt may, giày dép, cặp túi, thủ công mỹ nghệ, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, nhân lực… phục vụ xuất khẩu; triển khai kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trong các khu công nghiệp Hà Nội giai đoạn 2012 – 2016 tầm nhìn đến năm 2020; xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo lao động có tay nghề kỹ thuật theo nhu cầu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động tại các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm của Hà Nội tại Hội chợ Francal - Sao Paulo, Brazil

Thứ tư là thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại cho các sản phẩm làng nghề: tổ chức tham gia Hội chợ, triển lãm OVOP khu vực phía Bắc, tổ chức thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ OVOP phục vụ xuất khẩu; quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm OVOP thông qua thông tin đại chúng, ấn phẩm, trang web; xúc tiến các hoạt động phát triển công nghiệp phụ trợ của các ngành dệt may, da giày, điện - điện tử giúp các doanh nghiệp chủ động về nguyên phụ liệu sản xuất sản phẩm để xuất khẩu.

Thứ năm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa và đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ logistics như triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tạo điều kiện phát triển kinh tế, tăng cường xuất khẩu và kiềm chế nhập khẩu; Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hạ tầng các Khu công nghiệp đã hoạt động; đầu tư xây dựng các khu công nghiệp đã được xác định trong quy hoạch tổng thể phục vụ mục tiêu đầu tư sản xuất sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và đầu tư sản xuất xuất khẩu…

Cuối cùng là phát huy vai trò của Hiệp hội trong việc liên kết các hội viên, đại diện để bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hội viên trong thương mại quốc tế, thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật