3.000 trẻ sơ sinh Tây Ban Nha bị tu sĩ bắt cóc

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thông tin cụ thể về việc những đứa trẻ bị bắt cóc từ những năm 1950-1990 vẫn là một ẩn số cho đến khi hai mẹ con là nạn nhân của vụ án, Luisa Torres và Pilar lên tiếng.
3.000 trẻ sơ sinh Tây Ban Nha bị tu sĩ bắt cóc
Tu sỹ María Gomez Valbuena rời khỏi tòa án sau khi phủ nhận sự liên quan của mình trong vụ đánh cắp trẻ sơ sinh năm xưa.

Dùng thuốc gây mê để mẹ không nhận ra con

Khi Luisa Torres bước vào phòng gây mê, cô không hề hay rằng sắp có một thảm họa đến với mình. Đó là ngày 31/3/1982 và kể từ lúc đó cô không hề hay biết mình đã sinh bé gái như thế nào tại trung tâm y tế Santa Cristina, Madrid, Tây Ban Nha. Và cũng giống như bất cứ bà mẹ nào, cô vô cùng mong ngóng gặp con sau khi sinh.

“Nhưng khi tôi nói đến gặp con ở phòng trẻ sơ sinh thì các y tá ngăn tôi lại”, cô nhớ lại. Dẫu vậy cô vẫn trốn y tá tìm đến phòng con và nhìn thấy một bé mà cô nghĩ là con mình. “Họ nói với tôi rằng hãy quay lại phòng ở đi bởi vì bé gái đó không phải là con của tôi”.

Vì lỡ dan díu và có bầu với người đàn ông khác nên Luisa Torres phải bỏ chồng khi đang bụng mang dạ chửa và rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Cô đến với trung tâm y tế này sinh con cũng là theo quảng cáo trên một cuốn tạp chí rằng có một tu sỹ muốn giúp đỡ các bà bầu đang gặp khó khăn.

Lúc đó, tu sỹ María Gómez Valbuena nói với cô rằng toàn bộ chi phí ăn, ở tại viện khi sinh con sẽ được bà trả, còn đứa trẻ sẽ được gửi ở trường mẫu giáo, vì thế cô hoàn toàn có thể làm công việc phục vụ bàn và thăm con bất cứ khi nào cô thích. Nghe như một giấc mơ nhưng hoá lại thành thảm họa

Sau khi Luisa Torre chuẩn bị thủ tục vào sinh, tu sỹ nọ đã trao cho cô một tờ cam kết dài dằng dặc và bảo cô ký vào. “Tôi có hỏi đó là giấy gì thì được bảo là ký vào giấy không phải trả bất cứ khoản tiền gì”. Nghe vậy, Luisa Torres liền ký. Và sau đó, cô được gây mê một cách bất ngờ. Cô sinh con mà không hề biết gì.

María Gómez Valbuena lại xuất hiện sau khi cô sinh bé, bà đi tới chỗ  Luisa và nói với cô rằng cô không còn con gái nữa. “Tôi nói với bà rằng tôi đã sinh bé và đặt tên là Sheila”,  Luisa Torres  nhớ lại. Nhưng tu sỹ khăng khăng rằng Luisa Torres đã đồng ý cho con gái làm con nuôi người khác và bản cam kết hôm nọ chính là bằng chứng cô đã đồng ý cho con đi. Tu sỹ nhấn mạnh rằng bé gái của cô đã được cho làm con nuôi và hiện đã được cặp vợ chồng người Pháp mang đi xa, tận Pháp và rằng nếu cô làm ầm ĩ thì đứa con sau của cô lại tiếp tục bị cho đi. Và một tuần sau đó, Luisa Torres rời viện mà chưa một lần được ôm con trong nỗi mong nhớ con day dứt.

Cô cũng không phải là trường hợp bà mẹ có con bị bắt cóc từ thuở sơ sinh hiếm hoi ở Tây Ban Nha. Trong những năm từ 1940 đến 1990, hàng nghìn bà mẹ Tây Ban Nha đã rơi vào hoàn cảnh đau khổ tương tự. Kịch bản chung của hầu hết mọi trường hợp là các nữ tu trong vai trò bà đỡ, linh mục, bác sỹ nói với sản phụ nghèo rằng con họ chết trong quá trình sinh nở. Một số khác giống như Luisa Torres thì bị lừa ký giấy tờ cho con.

Luisa Torres cho biết tu sỹ María Valbuena đã dọa cô rằng nếu cô làm ầm ĩ thì bà sẽ tung hô chuyện cô ngoại tình và như vậy toà án sẽ bắt con cô đi. Thực ra, lúc đó ngoại tình không còn được xem là phạm luật ở Tây Ban Nha nữa nhưng  Luisa Torres thì không hề hay biết luật đã thay đổi.

Chuyện bắt cóc trẻ sơ sinh thường diễn ra vào những năm đầu của chế độ độc tài Franco: Các thế lực cánh hữu của chế độ đã cướp đi con của các gia đình đối thủ.

Vì niềm tin của người dân vào chúa và nhà thờ là tuyệt đối nên nhiều bệnh viện Tây Ban Nha đã để cho các tu sỹ vào cuộc bắt cóc trẻ sơ sinh.

Với Luisa Torres, khi tay không bước ra khỏi trung tâm y tế, cô không hề hay rằng cùng lúc đó có cặp vợ chồng ngoại quốc, Juana và Alejandro Alcalde, 30 tuổi đã hoàn thành các thủ tục nhận đứa con mà cô vừa dứt ruột đẻ ra qua kênh chính thức và đã được sự cho phép của chính phủ cũng như tu sỹ María       Valbuena.

Mạng lưới bắt cóc trẻ sơ sinh như mafia

Sau khi bị đánh cắp, những đứa trẻ sẽ được bán cho những cặp vợ chồng giàu có nhưng vô sinh ở các nước lân cận. Mức giá bán mỗi đứa trẻ này có khi còn cao hơn cả một căn hộ ở Tây Ban Nha thời đó. Giấy khai sinh của các bé bị làm giả để biến cha mẹ nuôi của chúng thành cha mẹ đẻ.

Luật sư Enrique Vila, người đang điều tra về vụ án gây rúng động này cho biết: “Đây rõ ràng là một mạng lưới bắt cóc trẻ sơ sinh có tổ chức kiểu như mafia. Nếu không thì làm sao những đứa trẻ sinh ở Valencia lại có thể rơi vào tay các gia đình ở Galicia cách đó cả nghìn km?”.

Bộ trưởng bộ Tư pháp Tây Ban Nha Alberto Ruiz Gallardon mới đây đã thừa nhận xì căng đan bắt cóc trẻ sơ sinh là “một bi kịch khủng khiếp”, và khẳng định Chính phủ sẽ mở cuộc điều tra toàn quốc để giúp các nạn nhân tìm lại người thân.

Hành trình đưa vụ việc ra ánh sáng

Vụ việc xảy ra trong mấy chục năm trời, hàng nghìn cha mẹ đau đớn vì mất con, hàng nghìn đứa trẻ bơ vơ vẫn trong yên lặng. Chỉ mãi đến những năm gần đây vụ việc mới được đưa ra ánh sáng. Đặc biệt là sáu năm trước, tại Barcelona, trước giờ hấp hối, ông Juan Moreno đã tiết lộ cho con trai mình là Juan Luis một bí mật mà ông đã giấu kín bao năm qua. Ông đã mua cậu từ một nữ tu vào năm 1969. Cha mẹ người bạn thân của anh là Antonio Barroso cũng đã mua con mình từ chính nữ tu đó. Sự việc này khiến báo chí quan tâm và gây nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận.

Còn với Luisa Torres, cô chỉ may may gặp lại được con 14 năm sau đó, khi con gái Pilar đã trở thành một cô gái: Xinh đẹp, giàu tình cảm và muốn tìm về người thân sinh ra mình. Cô bé may mắn đã nhận được sự giúp đỡ hết sức từ người cha nuôi Alejandro. Alejandro nhớ lại: “Một ngày, con bé bảo, nó muốn tìm lại cha mẹ đẻ và tôi nói sẽ giúp con mọi cách’”.

Alejandro đến gặp tu sỹ María Valbuena, nhưng bà từ chối cung cấp thông tin về bố mẹ con nuôi. Ông thuê luật sư và thám tử tư nhưng không có kết quả. Ông tra lại số liệu từ bệnh viên và nhờ cảnh sát cũng như bạn bè giúp đỡ.

Và sau đó, anh lại đến gặp nữ tu  María Valbuena, lần này anh đưa Pilar đi cùng với hy vọng sẽ làm trái tim người tu sỹ sắp đặt vụ bán con năm xưa thay đổi. “Bà ấy nói với tôi rằng đừng mất công tìm mẹ nữa vì bà ấy là gái mạ‌ּi dâ‌ּm,” Pilar nói. Nhưng thực tế lúc ấy  Luisa Torres đang giữ chân hầu bàn.

Sau nhiều năm tìm kiếm vô vọng, Pilar đã quyết xuất hiện trên truyền hình để tìm mẹ nhưng mọi thứ vẫn là ẩn số. Sau đó vào năm 2008, cha nuôi Alejandro mắc ung thư. Tin rằng mình sẽ mất nên ông lại tìm gặp María Valbuena lần cuối để cầu xin tu sỹ cho manh mối con nuôi gặp mẹ đẻ nhưng bà vẫn từ chối.

Và may thay thời điểm này truyền hình có phát sóng một chương trình nói về những đứa trẻ đã bị tu sỹ María Valbuena bắt. Qua đây ông Alejandro đã nắm bắt được nhiều thông tin hơn, ông tìm cách liên hệ với những người làm chương trình. Một phóng viên, qua nhiều kênh tìm kiếm từ mạng xã hội đến những mối quen biết đã bắt mối để nối mẹ Luisa Torres với cha con ông. Từ đây manh mối về hai mẹ con hé lộ. Ngày nhận được kết quả ADN, hai mẹ con mừng rơi nước mắt. Họ là một trong vài gia đình may mắn trong số hàng nghìn gia đình lưu lạc người thân tìm lại được nhau sau nhiều năm xa cách.

Sau niềm vui đoàn tụ, hai mẹ con  Luisa Torres quyết đưa kẻ dã tâm gây nên sự chia rẽ này ra ánh sáng. “Tôi muốn công lý phải được thực thi”, Pilar quả quyết vậy. Nhưng người tu sỹ năm xưa một mực từ chối mọi bằng chứng và đột ngột qua đời vào ngày 24/1 vừa qua. Dẫu vậy, việc mẹ con tìm lại được nhau đã là thành quả lớn nhất trong cuộc đời hai người phụ nữ này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật