Tái cơ cấu kinh tế: Luật chơi, người chơi, cách chơi đều chưa thay đổi

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong bối cảnh hiện nay thì khả năng hỗ trợ của ngân sách Nhà nước để giảm nợ của khu vực DNNN sẽ vô cùng khó khăn.

“Kết quả tái cơ cấu kinh tế cho đến nay mới chỉ là bước đầu, vẫn còn ngổn ngang và bộn bề trên nhiều mặt, từ nhận thức, quan điểm tư tưởng cho đến sự lúng túng trong các giải pháp thực hiện” - TS Nguyễn Đình Cung, Quyền viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận xét như vậy tại diễn đàn “Phục hồi tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế: Cơ hội và thách thức” do CIEM phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức tổ chức ngày 22-11.

Theo TS Cung, thể chế là khâu quan trọng nhất quyết định xu hướng, quy mô và tốc độ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, được xác định là “vấn đề của mọi vấn đề”, “đột phá của mọi đột phá” nhưng chất lượng lại đang có vẻ yếu đi. “Luật chơi, cách chơi, người chơi đều chưa thay đổi” - ông Cung nói.

Ông Cung phân tích, “luật chơi” vẫn tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các quyết định điều hành mang tính hành chính của các cấp có thẩm quyền. Chỉ tính riêng Chính phủ, hằng năm có từ 3.000 đến 4.000 văn bản điều hành (gần 14 văn bản/ngày) và khoảng 600-700 thông tư được ban hành. “Như vậy, hiệu lực Pháp Luật đang dựa nhiều vào giải thích và cách thức thực hiện của bộ, ngành và những người có thẩm quyền liên quan” - vẫn theo TS Cung.

Ông Cung cho rằng việc Nhà nước sử dụng DNNN để điều tiết thị trường là không phù hợp với nguyên tắc thị trường. Cạnh đó, hàng loạt các nguyên tắc khác của thị trường vẫn chưa thực sự áp dụng đối với DNNN mà trước tiên là nguyên tắc “lời ăn lỗ chịu”. Hiện nay, DNNN làm ăn thua lỗ, không thanh toán được các khoản nợ đến hạn không bị phá sản, tức là chưa phải chịu sự trừng phạt khắc nghiệt của cạnh tranh thị trường. Nhà nước về cơ bản vẫn đứng ra gánh chịu các khoản nợ cho DNNN dưới hình thức giảm nợ, chuyển nợ hoặc bảo lãnh nợ… “Như vậy, “lời” Nhà nước không lấy, lỗ thì dân chịu, những người có liên quan trực tiếp không gánh chịu trách nhiệm gì” - TS Cung nói.

DNNN nợ xấu là bài toán nan giải

Ngày 22-11, Ủy ban Kinh tế của QH đã công bố báo cáo kinh tế vĩ mô 2013 với tiêu đề “Thách thức còn ở phía trước”. Theo đánh giá của báo cáo, nền kinh tế Việt Nam năm 2012 đang ở giai đoạn suy giảm lần thứ hai kể từ quý I-2008. Đây là lần suy giảm lâu nhất từ năm 2000, kéo dài suốt tám quý. Chỉ trong năm 2011 và 2012, số lượng DN phải đóng cửa hoặc ngừng hoạt động lên tới hơn 100.000. Đi kèm với đó, số lượng DN thua lỗ gia tăng, tỉ lệ lợi nhuận có xu hướng giảm…

Báo cáo cũng trích dẫn số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đến cuối 2012, nợ xấu của DNNN (chưa tính Vinashin) chiếm 11,8% tổng nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng. “Nợ xấu tại khu vực DNNN rất khó giải quyết. Khác với các DN tư nhân, có thể dễ dàng bán tài sản hoặc nhượng cổ phần cho các DN khác để có tiền trả nợ ngân hàng nhằm tránh phá sản, các DNNN rất khó có thể bán tài sản hoặc cổ phần nhà nước theo giá thị trường trong giai đoạn kinh tế suy giảm. Vì vậy, các khoản nợ mà các DNNN vay thường phải trông đợi vào sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước dưới các hình thức xóa nợ, khoanh nợ, chuyển nợ, bổ sung vốn…” - báo cáo nhìn nhận. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá, trong bối cảnh hiện nay thì khả năng hỗ trợ của ngân sách Nhà nước để giảm nợ của khu vực DNNN sẽ vô cùng khó khăn.

TRÀ PHƯƠNG

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật