Đến hẹn lại lên: chuyện bi hài xung quanh quà mừng cưới

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Bắn“ tiền vào tài khoản điện thoại thay “phong bì“, săn hàng giảm giá, méo mặt khi nhận mừng tiền hộ đám cưới... là một trong số hàng trăm câu chuyện cứ tới mùa cưới lại xuất hiện.
Đến hẹn lại lên: chuyện bi hài xung quanh quà mừng cưới
Phong bì mừng cưới, với không ít người là gánh nặng trong mùa cưới.

Cử đại diện đi ăn, “chạy xô” mừng đám cưới

Thời buổi kinh tế không mấy dư dả, thiệp hồng báo tin của người thân, bạn bè gửi đến mời dự ngày chung đôi của họ được nhiều người hóm hỉnh gọi là “trát đòi nợ”. Không ít người nhận được dăm ba, thậm chí cả chục tấm thiếp mời trong một tháng, cứ gọi là méo mặt vì tiền mừng đám cưới. Chị Minh Hằng (nhân viên văn phòng) chia sẻ: “Mình sợ nhất mấy tháng cuối năm, thiệp hồng bay đến tới tấp. Tháng 11 này, từ đầu tháng đến giờ hai vợ chồng đi đến 8 đám rồi, tài khoản cháy khét lẹt. Toàn bạn bè, anh em, các mối quan hệ công việc, mình cố gắng đến dự nhưng phải cân đối từng li từng tí một, chứ không thì “móm” nặng”.

Cũng cùng tâm trạng với chị Hằng, chị Thu Lan (Kim Mã, Ba Đình) hóm hỉnh cho hay: “Ở cơ quan ông xã mình cũng hay, cả mấy trăm nhân viên, có người còn chưa bao giờ gặp mặt, thế mà cứ đến đám cưới là thiếp mời giao đủ đến các nhân viên trong cơ quan, kiểu như người ta xuống phòng nhân sự xin danh sách để phát thiếp ấy. Có hôm nhận thiệp mời cầm về, ông xã còn ngơ ngác không biết người ta là ai, vậy mà toàn phải móc ví gửi tiền mừng đấy, chóng cả mặt”.

Với những đám cưới tổ chức ở nhà, ở quê, thuê hội trường nấu cỗ hay khách sạn nhỏ, người đi đám còn thở phào nhẹ nhõm, vì “khung” mừng cho những đám này chừng 200.000 – 300.000 đồng là được, đi ăn cũng mừng 300.000 đồng, ai dư dả hoặc thân thiết hơn với cô dâu chú rể thì mừng 500.000 đồng đến 1 triệu đã là sang; nhưng “chẳng may” trên thiếp mời mà ghi địa chỉ một nhà hàng sang trọng thì quả là… ác mộng, vì mừng ít thì sợ gia chủ “lỗ”, mừng nhiều thì mình “lõm”.

Trong mùa cưới, nhiều người chọn cách an toàn là với những đám cưới của người thật thân hoặc quan hệ công việc, nể nang nhau lắm mới đi, còn lại gửi tiền mừng. Với mức lương 3 triệu/tháng, cứ đến cuối năm là Thanh Hương (nhân viên hành chính – văn phòng) lại “sốt xình xịch” vì tiền mừng đám cưới. Hương chia sẻ thật lòng, cô gần như không dám đi đám cưới ai, kể cả bạn bè thân, anh chị em trong cơ quan mà toàn gửi tiền mừng. “Nhiều người trong cơ quan mắng em ky bo, trách em không đến dự đám cưới họ, thậm chí còn rao trước: đến đám cưới mày đừng hòng tao đi, nhưng em tiết kiệm lắm mà một tháng cả tiền ăn, tiền nhà, tiền xăng xe đi lại đã ngót nghét 2 triệu, còn bao nhiêu nữa đâu mà đi đám cưới, chẳng nhẽ lại gọi điện về nhà xin viện trợ?” – Hương ngao ngán. Cô cũng tiết lộ, mỗi đám cô chỉ dám mừng 100.000 đồng, gọi là có tấm lòng.

Mới đây, cơ quan Hương có đám cưới một nữ đồng nghiệp tổ chức ở quê, cách Hà Nội 120 km. Cơ quan Hương, người thì có việc bận, người khó khăn như Hương, người không thân lắm nên vận động lắm cũng chỉ cử được hai người đại diện đi ăn cưới, còn lại gửi tiền mừng. Cơ quan định yêu cầu anh em góp “đồng giá” 300.000 đồng/người, gộp chung vào phong bì, ghi tên từng người mừng và trích thêm 200.000 tiền quỹ hỗ trợ xe cộ cho hai người đi dự. Hương cứ lăn tăn mãi rồi đành “muối mặt” đề xuất mỗi người gửi một phong bì riêng cho… tiện.

Với những trường hợp không thể “trốn” bằng cách mừng phong bì được, nhiều gia đình đành dùng phương án cử đại diện đi dự, vì đi dự cưới hai người đồng nghĩa với việc phải chi “đậm” hơn cho khoản phong bì. Chị Nguyễn Liên, hiện đang làm kinh doanh than thở, cứ đến mùa cưới là cả gia đình lại phải cân đối thu chi. Có những đám cưới là mối quan hệ công việc nên không thể bỏ hay đi mừng không, chưa kể phong bì mừng cưới còn phải dày “tương đối”. Thế là mùa cưới, “kịch bản” của anh chị là đưa con đi gửi nhà ngoại rồi hai vợ chồng phân công nhau mỗi người vài đám.

Riêng tuần vừa rồi, một ngày chủ nhật hai vợ chồng tôi đi ăn “chạy xô” được 7 đám, riêng tôi là 4 đám. Buổi sáng còn đỡ, hai đám cùng tổ chức ở một nhà hàng, cách nhau tầng trên tầng dưới. Chạy lên tầng trên tay bắt mặt mừng với gia chủ, bỏ tiền mừng vào thùng cưới xong, tôi vào ăn dăm ba miếng cho có lệ rồi ra chào, lập tức xuống tầng dưới, lại tay bắt mặt mừng, thả tiền vào thùng cưới, may mà kịp lúc làm lễ. Chiều thì khổ hơn, một đám tổ chức ở Mỹ Đình, một đám ở Đại La, tôi lao như tên bắn mà vẫn hơi muộn, đành lấy cớ tắc đường để người ta thông cảm. Mang tiếng ngày đi 4 đám cưới thế mà tối về vẫn đói lả, vì thực đơn cưới toàn là những món trở thành “bài ca đi cùng năm tháng” như: gà luộc, tôm/mực chiên, cải chíp xào, canh bóng... chỉ nhìn đã thấy ngất ngây, còn tâm trí đâu mà ăn nữa!

Méo mặt vì nhờ “mừng” hộ

Đi ăn đám cưới đã mệt, lắm khi những người dự cưới còn phải “đèo bòng” thêm cả xấp phong bì mừng… hộ nữa. Có không ít trường hợp, sát nút đám cưới, người đi dự nhận được những cú điện thoại, tin nhắn nhờ… mừng hộ. Trên một diễn đàn, một nữ thành viên ấm ức kể: “Cũng vì cả nể mà mình chuyên gia bị nhờ mừng, từ bạn học cũ, đồng nghiệp ở chỗ làm, thậm chí bạn bè sơ sơ, cứ đến đám cưới là lại có dăm bảy người gọi điện viện cớ bận, nài nỉ ứng hộ, người 500.000 đồng, người 300.000 đồng. Mình lại tất tả chạy đi mua phong bì, rồi ghi, rồi bỏ giùm những người “không may bận”, có đám ứng hộ lên đến vài triệu”.



Nhờ gửi "mừng hộ" đám cưới có thể trở thành ác mộng nếu người nhờ... "quên".

Chị kể tiếp: “Mà nhờ xong là họ mất hút luôn, không thấy ý kiến gì. Về sau, mình đến hội ấy, mặt ai cũng tỉnh bơ như sáo diều mới ức chứ, mặc dù đi đám cưới khác cũng thế. Có người nợ nhiều quá, không đòi thì bực, mình hỏi khéo thì người ta bảo: ‘À quên, chưa trả tiền bà, hôm nay tôi quên, để lần khác nhé!’, có người trơ hơn lại còn bảo: ‘Ôi, có mấy trăm bạc, hay thôi coi như bác mừng tuổi cháu’, thế mới lạ! Mà cái hội ấy khoảng 20 người rồi. Từ giờ trở đi, mình cạch luôn, ai nhờ mình phải thẳng thừng từ chối, có giận dỗi cũng kệ!

Anh Đức Minh (quản lý của một công ty truyền thông) cũng hay bị “mừng” hộ. Đội có khoảng 50 anh em thân nhau, mà có đợt cưới 5 - 7 cậu bạn nhờ một lúc, méo cả mặt. Hội này đòi còn dễ, vì họ làm cùng cơ quan, cứ đến lúc lấy lương là tụ tập nhau, họ tự biết ý tự xì tiền ra trả.

Nhưng cũng có khi, chờ cả tháng mà những người nhờ mừng vẫn “mất hút con mẹ hàng lươn”, đợi mãi mà không thấy họ có “ý thức” trả lại tiền. Anh chia sẻ, đám cưới gần nhất của một nữ đồng nghiệp, cô này mời cả những đồng nghiệp cũ (đã nghỉ việc ở cơ quan), biết anh còn liên lạc với họ, cô ấy gửi thiếp nhờ anh chuyển hộ.

Bận rộn, anh không đưa tận nơi mà gọi điện thông báo, thế là tiện thể bị nhờ “anh mừng hộ em”. “Mừng hộ xong, tôi đã thông báo lại với các bạn ấy, nhưng đã nửa tháng rồi chẳng thấy ai có ý kiến gì. Có vài trăm nghìn thôi, mở miệng đi đòi cũng ngại, vì người vừa sinh con, người nhà xa, ít khi gặp gỡ, nhưng không đòi thì cũng bực mình” – anh cho hay.

Rút kinh nghiệm những lần “mừng hộ” như thế, anh Minh chia sẻ, sắp tới có vài đám cưới anh định đi dự, anh thông báo luôn số tài khoản ngân hàng trên Facebook và giao hẹn, anh em nào muốn nhờ “mừng hộ” thì chuyển khoản trước hoặc gặp trực tiếp anh để đưa tiền, còn không thì xin kiếu!     

Săn hàng giảm giá, tặng card điện thoại để mừng cưới

Không đi ăn đám cưới, không mừng tiền nhưng cũng không thể lờ đi đám cưới bạn bè, có người còn nghĩ ra “sáng kiến” tặng card điện thoại làm quà mừng. Muốn chung vui với bạn nhưng không thích làm phiền người đến dự, hỏi tài khoản ngân hàng thì chưa chắc bạn đã cung cấp, họ mua một cái thẻ điện thoại với số tiền mình định mừng, nạp mã thẻ và gửi vào máy điện thoại của bạn kèm theo một tin nhắn chúc mừng và thông báo về quà cưới. Hình thức này thường áp dụng cho những đám cưới tổ chức ở xa, người được mời không có điều kiện về chung vui.

Chị Mai Hương (giáo viên) quê ở miền Trung nhưng lấy chồng Hà Nội. Năm nay, bạn thân của chị kết hôn ở quê. Tính toán một hồi, nếu về tận quê dự cưới thì bạn thì tiền tàu xe có khi gấp mấy lần tiền mừng, chưa kể phải mất ít nhất 2 – 3 ngày nghỉ phép. Chị đành mua thẻ nạp 500.000 đồng “bắn” vào điện thoại bạn để mừng cưới vì suy nghĩ, mừng bằng thẻ điện thoại hay mừng bằng tiền mặt cũng chẳng khác nhau bao nhiêu, đằng nào bạn mình cũng phải dùng và trả cước phí điện thoại.


Thẻ nạp điện thoại cũng trở thành quà mừng đám cưới.

Chị Hương có lẽ không phải trường hợp duy nhất mừng cưới theo cách độc đáo này. Trên một diễn đàn, một thành viên nữ chia sẻ, sau đám cưới, tài khoản điện thoại của chị tăng vùn vụt vì được… mừng bằng card. “Nhận được một hoặc hai cái thẻ mừng thì không sao, nhưng đằng này, hàng chục người gửi mừng kiểu đó, mình muốn vui cũng không được. Mình mời họ đến đám cưới để vui chứ có quan trọng gì chuyện tiền nong đâu!” – thành viên tâm sự.

Cũng có những người tiết kiệm tiền mừng cưới bằng cách “săn” quần áo, túi xách, giày dép giảm giá để làm quà tặng cho cô dâu. Cuối năm – mùa cưới cũng là thời điểm các cửa hàng xả hàng ồ ạt, đặc biệt là đồ ngủ nên việc tìm quà cưới cũng không mấy vất vả.  “Bình thường, một bộ đồ ngủ tươm tất có giá từ 350.000 – 550.000 đồng/bộ, nhưng đến mùa giảm giá, có khi chỉ chưa đến 200.000 đồng thôi. Tính ra, so với mừng 200.000 đồng tiền mặt thì còn lịch sự và thân tình hơn. Nếu mua túi xách, giày giảm giá thì còn rẻ nữa.” – Thu Thảo, một người thường tặng hiện vật cho đám cưới bạn bè cho biết.

Thảo nói thêm, nếu may mắn, cô có thể mua được 2 bộ quần áo ngủ cho cả cô dâu và chú rể với khoảng gần 400.000 đồng. Cô cũng chia sẻ, cô chỉ tặng quà kiểu này cho những người bạn thật thân và biết dáng người của người được tặng. Nếu người mời cưới là cô dâu thì rất dễ, cứ tặng quần áo, giày dép là được, còn người mời cưới là chú rể, Thảo sẽ tìm cách gặp mặt cô dâu trước ngày cưới để tiện mua đồ. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật