Thân phận bọt bèo, tủi hổ của những đứa con thứ 2 ở Trung Quốc

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chính sách một con khắt khe tại Trung Quốc đã cướp đi quyền công dân của cô bé Li Xue (20 tuổi) bởi cô không được chính quyền thừa nhận và không có tên vào trong sổ hộ khẩu của gia đình mình.
Thân phận bọt bèo, tủi hổ của những đứa con thứ 2 ở Trung Quốc
Li Xue và bố mẹ trong ngôi nhà tại thành phố Bắc Kinh

Mặc dù khao khát được tới trường nhưng vì là con gái thứ hai trong gia đình, cách duy nhất để Li tiếp cận với tri thức là mượn thẻ thư viện của cô chị và nàn nỉ người chị chỉ dạy bài vở. Thậm chí, Li cũng không được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế như phần lớn công dân thành thị khác. Cô phải dùng chứng minh thư nhân dân của mẹ và chị gái để đi mua thuốc trong trường hợp không may bị ốm.

"Con bé nhiều lần hỏi tôi vì sao nó không thể tới trường học, vì sao nó không thể làm những việc mà người khác có thể làm. Tôi không còn cách trả lời nào khác mà chỉ có thể nói rằng vì nó là con thứ hai trong nhà", bà Bai Xiuling – mẹ của Li trả lời hãng tin CNN.

Li cho biết cô bé không hề ghen tỵ với người chị gái 28 tuổi của mình và rất biết ơn người chị gái đã dạy học cho Li những lúc rảnh rỗi. "Tôi muốn học cao như chị mình nhưng điều đó là hoàn toàn không thể bởi chị ấy được đi học còn tôi thì không", Li chia sẻ.

Mẹ của Li đã không may mang thai lần thứ hai vào năm 1993. Bất chấp mọi rủi ro, bà đã quyết định sinh con. Chính căn bệnh bại liệt đã ảnh hưởng tới hoạt động một bên chân của bà, do dó, bà mong muốn sinh thêm con để đỡ đần lúc tuổi già.

Tuy nhiên, chính sách kế hoạch hóa gia đình tại Trung Quốc đã quy định chỉ cho phép các cặp vợ chồng thành thị sinh một con. Quy định này tại vùng nông thông được nới lỏng hơn và với những gia đình đủ tiền chi trả khoản phí phạt hành chính.

Thực tế, cha mẹ của Li không đủ khả năng chi trả khoản phí 5.000 Nhân dân tệ (820 USD) nên Li đã bị từ chối và không có tên trong sổ hộ khẩu. Do đó, cô bé Li không được hưởng dịch vụ chăm sóc y tế, nhà ở và giáo dục của chính phủ. 

Cải cách thực sự?

Chính sách một con tại Trung Quốc đã dẫn tới sự sụt giảm dân số quốc gia và khiến nhiều phụ nữ buộc phải nạo phá thai do lo sợ bị phạt hành chính.

Nhiều người cho rằng sự khắt khe của luật pháp Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người già bởi đa phần người cao tuổi dựa vào sự chăm sóc của con cái. Ngoài ra chính sách một con cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới tốc độ phát triển của nền kinh tế do số người trong độ tuổi lao động ngày một ít.

Hồi tháng Tám, Tân Hoa Xã thông báo chính phủ Trung Quốc quyết định nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình cho các cặp vợ chồng. Theo đó, những cặp đôi mà một trong hai người là con một trong gia đình có thể sinh con thứ hai. Trước đó, quy định này chỉ cho phép cả hai vợ chồng là con một mới được sinh con thứ hai. Dự kiến, chính sách hai con của Trung Quốc sẽ được thông qua sau năm 2015.

Tuy nhiên, dù chính sách một con được nới lỏng, cuộc sống của bà Bai và nhiều người khác cũng không dễ chịu hơn. Gia đình bà đã nhiều lần đề nghị đưa tên con gái thứ hai vào sổ hộ khẩu nhằm giúp Li có được cuộc sống bình thường như bao người khác. Mặc dù, gia đình đã gửi đơn đề nghị tới các cấp chính quyền địa phương và quốc gia song trường hợp của Li vẫn không được giải quyết.

Thậm chí, bố mẹ Li cho biết họ còn bị cảnh sát đánh và làm phiền nhiều lần. "Tôi và chồng đã bị đánh thậm tệ hồi năm 2001. Gần hai tháng, tôi không thể ngồi dậy để bước ra khỏi giường", bà Bai nói.

"Không từ bỏ"

Hồi tháng Chín, gia đình Li đã nhận được thông báo về việc Tòa án Tối cao Bắc Kinh chính thức thụ lý đơn khiếu nại nhưng gia đình không mấy khả quan về việc Li sẽ được đưa tên vào sổ hộ khẩu.

Trả lời hãng tin CNN, phát ngôn viên Tòa án Tối cao Bắc Kinh cho biết cơ quan đang tiến hành xem xét vụ việc và sớm thông báo với gia đình Li. "Chúng tôi chỉ mong muốn nhận được lời giải thích tại sao con gái thứ hai không được nhập tên vào sổ hộ khẩu", bố của Li – ông Li Hongyu nói.

Năm 2011, Li đã lập một tài khoản trên trang mạng xã hội Weibo. Cô bé hy vọng câu chuyện của mình sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều người và là bước tiến giúp Li được công nhận là một công dân như bao người khác.

Trả lời câu hỏi nếu có cơ hội tới trường đại học, Li cho biết cô hy vọng mình sẽ trở thành một luật sư. "Tôi thích học luật và mong muốn được giúp đỡ mọi người nhưng bây giờ tôi phải giải quyết trở ngại lớn nhất – trở thành đứa con thứ hai trong gia đình được Pháp Luật công nhận. Đôi khi tôi nghi ngờ liệu mình có thể thay đổi tình hình hay không nhưng tôi quyết không bao giờ từ bỏ", Li viết trên Weibo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật