Những người ‘gieo’ con chữ trên vùng đất khó

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hình ảnh các thầy cô giáo trẻ xuống tận nhà để vận động học sinh đến trường đã trở nên quen thuộc ở nhiều vùng khó khăn của Bình Phước

Với chính sách ưu đãi, trong 5 năm trở lại đây, tỉnh Bình Phước đã thu hút được hơn 5.000 giáo viên trẻ tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng về công tác ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Với lòng yêu nghề và nhiệt huyết của tuổi trẻ, đội ngũ này đã góp phần quan trọng vào công tác giáo dục của Bình Phước hôm nay.

Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng, cô Lô Thị Châu, quê ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đã tình nguyện lên công tác ở trường tiểu học xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng. Cô Châu tâm sự, mới đầu đến đây, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, lại buồn vì xa gia đình, có lúc tưởng mình không trụ được ở nơi xa xôi này. Thế rồi, lòng yêu nghề và sự động viên của các thầy cô giáo trong trường, cô đã dần tìm được niềm vui với công việc và cuộc sống ở vùng đất khó.
"Cách đây 6 năm, khi mới vào đây em rất bỡ ngỡ. Em đã cố gắng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đến giờ, em cảm thấy công việc là niềm đam mê của mình"-Cô Lô Thị Châu nói.

Chính tình yêu thương học trò của các thầy cô giáo đã tiếp thêm động lực để các em phấn đấu, vươn lên. Sự nhiệt tình của các thầy cô giáo, nhất là các thầy cô giáo trẻ đã đạt được kết quả đáng phấn khởi là 3 năm liền, trường tiểu học Minh Hưng không có học sinh nào bỏ học giữa chừng. Tỷ lệ học sinh lên lớp năm học vừa qua đạt 99%. Số học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh tăng gấp đôi so với năm học trước với 32 em.

"Với một giáo viên, tôi nghĩ rằng mình sống để cho xứng đáng với vai trò của một người thầy để học sinh mỗi khi cất tiếng gọi cô, thầy là xuất phát từ sự yêu mến, kính trọng từ đáy lòng các em" - Cô La Thị Tuyến, người đã có 10 năm công tác tại trường chia sẻ.

Đến với xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, một xã vùng xa của tỉnh Bình Phước, chúng tôi cảm nhận được những khó khăn, vất vả của các thầy cô giáo và học sinh nơi đây. Hầu hết, học sinh nơi đây là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người S’Tiêng. Do cuộc sống của gia đình con em đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu thốn, sau giờ học, các em phải phụ giúp việc nhà với gia đình. Hàng ngày, học sinh ở đây vẫn đi bộ gần 10 cây số đến trường trên những con đường đất đỏ mưa lầy nắng bụi. Mùa mưa, có khi các em ở những thôn xa như Đăk Khâu, Đăk Son, Cây Da phải nghỉ học vì đường đất đỏ lầy lội.

Người dân xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập có lẽ đã rất quen thuộc với hình ảnh các thầy cô giáo trẻ ở trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt xuống tận nhà để vận động học sinh đến trường và dạy kèm miễn phí cho học sinh. Hơn 20 thầy, cô giáo trẻ đã mang đến một sức sống mới cho vùng đất nghèo khó này. 5 năm trước đây, số học sinh bỏ học ở đây lên đến gần 10% thì đến nay, tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm xuống chỉ còn hơn 2%. Qua vận động của các thầy cô, người dân địa phương đã nhận thức được rằng, cho con em mình đi học, có cái chữ để cuộc sống của các em sau này đỡ vất vả hơn. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, các thầy, cô giáo trẻ ở ngôi trường này vẫn cố gắng từng ngày vì sự nghiệp giáo dục, vì học sinh thân yêu.

Thầy Trình Hữu Dương, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A5, trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước chia sẻ: "Từ khi về trường công tác đến nay, cuộc sống của gia đình  tôi về cơ bản cũng tạm ổn, tuy nhiên cũng còn nhiều khó khăn. Dù thế nào, tâm nguyện của tôi cũng muốn đi dạy. Những lúc tôi khó khăn, ốm đau, nhà trường cũng tạo điều kiệm sắp xếp lịch dạy phù hợp. Còn đồng nghiệp ở đây đều công tác xa nhà nên đoàn kết, giúp đỡ nhau về chuyên môn và cuộc sống".

Năm học này, Bình Phước có hơn 17.000 giáo viên và hơn 260.000 học sinh các cấp. Là tỉnh biên giới và có tới 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, công tác giáo dục của Bình Phước đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tình trạng học sinh bỏ học vẫn diễn ra phổ biến, số xã phường, thị trấn được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi chỉ đạt 76,5%. Để công tác giáo dục mang lại hiệu quả cao hơn, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, bên cạnh việc tận dụng các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, Bình Phước cũng cần có thêm những chính sách ưu đãi để các giáo viên trẻ ổn định cuộc sống, yên tâm công tác. Vì trên thực tế, cuộc sống của các thầy cô giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa ở Bình Phước còn rất nhiều khó khăn.

Nhà giáo ưu tú Huỳnh Công Khanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước cho biết: "So với các tỉnh, chúng tôi tuyển rất nhiều giáo viên trẻ. Họ có khả năng, trình độ và nhiệt tình. Cho nên, chúng tôi đưa về các vùng sâu, vùng xa các giáo viên trẻ phần lớn họ an tâm dạy tại chỗ, ít khi có giáo viên bỏ dạy".

Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước hôm nay đều có những giáo viên trẻ tình nguyện từ miền xuôi lên công tác. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, những giáo viên trẻ ấy không ngại khó khăn, gian khổ để thực hiện mục đích cao đẹp của người  giáo viên là mang chữ đến cho các em ở vùng xa. Họ vẫn từng ngày miệt mài gieo chữ trên vùng đất khó. Những con người ấy thật đáng quý biết bao

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật