Tổ chức hoạt động cứu trợ tại Philippines hứng bão dư luận

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một tuần sau khi cơn bão Haiyan tàn phá nặng nề Philippines, nhiều người dân ở những vùng bị ảnh hưởng vẫn chưa nhận được sự giúp đỡ mặc dù hàng tiếp tế không thiếu, thậm chí rất nhiều.
Tổ chức hoạt động cứu trợ tại Philippines hứng bão dư luận
Một phụ nữ khóc ròng trước th‌i th‌ể con trai qua đời sau cơn bão Haiyan ở Tacloban - Ảnh: AFP

Tại thành phố Cebu, điểm trung chuyển hàng hóa đến những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau thảm họa, hàng cứu trợ chuyển đến được miêu tả là “tràn ngập” nhưng thực tế, như nhật báo Inquirer của Philippines cho biết, số hàng đến được tay các nạn nhân lại nhỏ giọt.

Theo Reuters, hiện chính phủ của Tổng thống Benigno Aquino đang đứng trước sức ép phải tăng tốc trong việc phân phối đồ cứu trợ, thực phẩm, nước uống và thuốc men.

Thách thức về hậu cần

Nhật báo Inquirer cho biết ngay sau khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philippines một ngày, một nhóm 15 bác sĩ và chuyên gia hậu cần đã sẵn sàng bay đến Tacloban để ra tay giúp đỡ. Nhưng cho đến tận hôm 12-11, tức năm ngày sau thảm họa, họ vẫn chờ đợi để khởi hành.

Tuy nhiên, quy mô của thảm họa và các thách thức về điều phối cứu trợ khiến không mấy người ở thành phố hoang tàn này nhận được sự giúp đỡ. Chẳng hạn một nhóm thuộc Tổ chức Thầy thuốc không biên giới đã chuẩn bị sẵn sàng đồ y khoa và đã đến Cebu để chờ đợi nhưng vẫn chưa bay được.

Trưởng cơ quan hỗ trợ nhân đạo Liên Hiệp Quốc, bà Valerie Amos, hôm 13-11 đã đến Tacloban và hôm qua thừa nhận phản ứng của các cơ quan chức năng đối với thảm họa còn quá chậm. Theo AFP, bà Amos cho biết nhân viên Liên Hiệp Quốc cũng đang tuyệt vọng vì hàng cứu trợ bị kẹt ở Manila. Cơ sở hạ tầng vốn chưa tốt ở Philippines đã bị tàn phá nặng nề sau thảm họa khiến việc lưu thông tắc nghẽn.

AFP cho biết một số tuyến đường đã được thông nhưng hoạt động cứu trợ vẫn gặp khó khăn trước quan ngại về mặt an ninh khi các cuộc tấn công, cướp bóc xe chở hàng và hôi của.

Nhà báo kỳ cựu của kênh truyền hình CNN Anderson Cooper tường thuật rằng tình hình ở Tacloban thuộc hàng “tuyệt vọng” nhất mà ông từng phải đối mặt trong nhiều năm đưa tin về thảm họa. “Chính xác là ai đang phụ trách hoạt động cứu trợ bên phía Chính phủ Philippines, điều này không thật sự rõ ràng” - ông than vãn.

Chính phủ phân trần

Báo Inquirer dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin thừa nhận rằng hàng cứu trợ đến tay các nạn nhân rất nhỏ giọt. Ông Gazmin nói bản thân ông cũng không thể giải thích được “nút cổ chai” đang nằm ở đâu.

“Có điều gì đó sai sót trong hệ thống hậu cần. Tôi không biết phải xác định như thế nào nhưng chúng tôi đã làm hết phần trách nhiệm của mình là đem đồ tiếp tế từ chính phủ xuống cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên ở một số nơi, chính quyền địa phương và người dân không nhận được. Tôi không rõ vì lý do gì” - ông phân trần.

Ông cho rằng những ngày đầu thông tin liên lạc không có nhưng giờ tình hình đã được kiểm soát tốt hơn và hàng viện trợ có thể bắt đầu được vận chuyển. Thị trưởng thành phố Julita ở tỉnh Leyte nói mặc dù chính quyền đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng ngay cả đồ cứu trợ cũng đã bị bão quét sạch.

Người phát ngôn bộ chỉ huy không lực trung ương, đại tá Jim Alagao, thừa nhận nhiều vùng chưa nhận được hàng cứu trợ vì vấn đề hậu cần. “Chúng tôi đang thiết lập các trạm trung chuyển ở Guiuan (Đông Samar) và Tacloban (Leyte). Khi thiết lập xong, từ các điểm này hàng cứu trợ sẽ được vận chuyển đến các đảo vùng xa nhất” - đại tá Alagao giải thích.

Trong khi đó, hai máy bay vận tải C-130 hoạt động liên tục từ sáng sớm đến chiều muộn để vận chuyển hàng cứu trợ đến Tacloban và giúp di tản các nạn nhân ra khỏi vùng thảm họa. Tuy nhiên, do tình trạng mất điện ở Tacloban, máy bay không thể đáp được vào ban đêm. Hàng ngàn người vẫn mệt mỏi chờ đợi ở sân bay nhưng mỗi chuyến chỉ bốc đi được 150 người.

Trước những lời chỉ trích dồn dập, hôm 13-11, Bộ trưởng nội vụ Philippines Manuel Mar Roxas II đã phải lên tiếng đảm bảo với dư luận rằng hoạt động cứu trợ đang được tổ chức quy củ.

Khi bị một phóng viên nước ngoài chất vấn là liệu tình hình có đang được kiểm soát hay không và các nỗ lực cứu trợ hiện nay có hữu hiệu hay không, ông Roxas phân trần: “Trong tình hình này, không thứ gì nhanh chóng được”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật