Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel: ‘Tôi không thích chiến tranh’

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hành trình tới Lầu Năm Góc của cựu binh chiến tranh Việt Nam - Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel gặp vô vàn khó khăn bởi ông không cổ xúy cho chiến tranh. Đây là điểm hoàn toàn khác biệt với các cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ mang tư tưởng “diều hâu“.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel: ‘Tôi không thích chiến tranh’
Bộ trưởng Quốc phòng - Chuck Hagel có mối quan hệ thân tình lâu năm với Tổng thống Barack Obama

Trước khi chính thức nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, vốn là một người có tư tưởng mềm mỏng, phản đối chiến tranh và thái độ thù địch với Iran, ít ủng hộ Israel, cũng như liên tiếp chỉ trích tính hiếu chiến của chính quyền cựu Tổng thống George W Bush, ông Hagel dường như bị cô lập và vấp phải sự phản đối của các “đồng chí” thuộc Đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, từng bị bỏng nặng trong một trận chiến tại Việt Nam, trải qua đau đớn về mặt thể xác và nỗi ám ảnh về những hình ảnh chết chóc, hơn ai hết, ông Hagel là người hiểu rõ và thấm thía được cái giá của chiến tranh.

Trong một lần tâm sự với người viết tiểu sử Charlyne Berens, ông Hagel đã chia sẻ rằng: "Nếu tôi thoát ra được, nếu tôi trở thành người có tầm ảnh hưởng, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn chiến tranh".

Ông Hagel từng tình nguyện nhập ngũ và phục vụ trong Lục quân Mỹ tại chiến trường Việt Nam một năm (1967 – 1968) với lon trung sỹ và giữ chức tiểu đội trưởng bộ binh, trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu  Thân. Đây được coi là một trong những trận đánh ác liệt trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Trong cuốn tiểu sử viết năm 2006 có tựa đề: “Chuck Hagel: Tiến lên phía trước”, cựu thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã giãi bày tâm sự: "Tôi không phải là người theo chủ nghĩa hòa bình. Tôi là một người thực tế và thẳng thắn. Tôi hiểu bản chất của cuộc sống. Tuy nhiên, chiến tranh là một điều khủng khiếp. Không hề có vinh quang mà chỉ toàn là đau khổ".

Nhiều người cho rằng khoảng thời gian kinh hoàng ông Hagel tại Việt Nam đã định hình suy nghĩ về chiến tranh trong suốt cuộc đời, khiến ông trở nên nổi tiếng ở điện Capitol Hill với những suy nghĩ độc lập, và đôi khi mâu thuẫn với các thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa.

Theo ông Hagel, hành động quân sự chỉ là giải pháp cuối cùng khi tất cả những khả năng ngoại giao khác đều thất bại.

"Không thích chiến tranh cũng có tội"

Cựu binh Hagel tại Việt Năm năm 1968

Trước thời điểm chính thức nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng thay cho ông Leon Panetta, thượng nghị sỹ tiểu bang Nerbraska và là một cựu chiến binh được trao nhiều huân huy chương, đã đối mặt với không ít sóng gió phản đối từ phía dư luận và giới chính trị gia Mỹ bởi ông là một chính khách độc lập và hay nói thẳng.

Những lời chỉ trích cay nghiệt đối với chính quyền của cựu Tổng thống George W Bush trong cuộc chiến Iraq đã khiến một số thành viên Đảng Cộng hòa không bao giờ tha thứ cho ông Hagel.

Thượng nghị sĩ Hagel từng gọi cách Nhà Trắng xử lý hành động quân sự ở Iraq là "nếu nói đáng tiếc vẫn còn chưa đủ".

Tương tự như Tổng thống Barack Obama, ông Hagel cũng phản đối kế hoạch tăng quân ở Iraq hồi năm 2006 khi cho rằng: "Đây là sai lầm ngoại giao nguy hiểm nhất của Mỹ kể từ thời chiến tranh Việt Nam nếu như được thực hiện".

Ông ủng hộ việc rút quân sớm khỏi Iraq và Afghanistan. Ông cho rằng người Mỹ không hiểu nhiều về đất nước, con người và lịch sử của Iraq và vai trò của quốc gia này trong thế giới Ả Rập. Ông Hagel khẳng định cả Iraq và Afghanistan không phải là nơi để người Mỹ giành phần thắng hay thua.

Ông Hagel còn công khai chất vấn ý tưởng về một cuộc không kích chống Iran do Mỹ hoặc Israel đứng đầu.

Đây chính là lý do khiến Thượng nghị sỹ Lindsay Graham cho rằng: "Chuck Hagel có thể là vị Bộ trưởng Quốc phòng có thái độ thù địch nhất đối với nhà nước Israel trong lịch sử nước Mỹ".

Ông Hagel luôn giữ quan điểm mềm mỏng trong các vấn đề liên quan tới Israel và Iran. Theo ông Hagel, thay vì sử dụng vũ lực và trừng phạt, các bên liên quan nên tiến hành đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Ông cho rằng Israel cần linh hoạt hơn trong các cuộc đàm phán hòa bình với người Palestine và thúc giục Tổng thống Obama tìm kiếm đối thoại với phong trào Hamas.

Thậm chí, dù có mối quan hệ thân tình với Tổng thống Obama, ông Hagel vẫn lên tiếng phản đối quyết định tăng quân số tại Afghanistan và kêu gọi cắt giảm chi tiêu của Bộ Quốc phòng.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama lại đánh giá rất cao năng lực của ông Hagel khi gọi ông Hagel là một “người yêu nước” và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ tại Thượng viện Mỹ.

Trong lĩnh vực an ninh quốc gia, ông Hagel đi theo đườn lối ủng hộ việc giảm vũ khí hóa học và sinh học, đồng thời tăng chế tài Hình Sự đối với việc sở hữu 2 loại vũ khí này.

Con đường dẫn tới Lầu Năm Góc

Hai anh em nhà Hagel tại chiến trường Việt Nam

Bộ trưởng Chuck Hagel sinh ngày 4/10/1946 tại North Platte, bang Nerbraska. Tuổi thơ nghèo khó buộc ông Hagel phải làm nhiều công việc mưu sinh ngay từ khi ông mới 9 tuổi.

Ông từng tốt nghiệp viện Brown Phát thanh và Truyền hình năm 1966 và lấy bằng cử nhân ngành Lịch sử của Đại học Nebraska tại Omaha năm 1971.

Sau thời gian phục vụ một năm trong quân ngũ tại chiến trường Việt Nam (1967 – 1968), ông Hagel trở về Mỹ và làm phát thanh viên kiêm người dẫn chương trình từ năm 1969 - 1971.

Năm 1971, ông Hagel làm nhân viên cho Thượng nghị sỹ John Y. McCollister tới năm 1977. Trong 4 năm tiếp theo, ông làm nhà vận động hành lang cho Công ty cao su và lốp xe Firestone. Năm 1980, ông phục vụ cho một tổ chức nằm trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống cho cựu Thống đốc bang California Ronald Reagan.

Từ năm 1982 - 1996, ông lao vào kinh doanh và trở thành triệu phú. Trong giai đoạn này, ông giữ các cương vị lãnh đạo tại nhiều công ty.

Ông Hagel chính thức bước vào chính trường sau khi được bầu vào Thượng viện Mỹ năm 1997. Ông hoạt động tại Thượng viện trong 2 nhiệm kỳ đến hết năm 2009.

Hiện nay, ông Hagel đang đảm nhận vị trí giáo sư tại trường Đối ngoại Edmund A. Walsh thuộc Đại học Georgetown. Ngoài ra, ông còn đồng thời giữ hàng loạt chức vụ khác như Chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương, đồng Chủ tịch Ban Cố vấn Tình báo cho tổng thống, cũng như giám đốc và thành viên Hội đồng quản trị của một số công ty.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật