Chiếc áo nàng dâu

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bỏ ra một số tiền không nhỏ để được làm chủ chiếc áo cưới trong vài tiếng đồng hồ, dù chỉ là chiếc áo cũ kỹ, lỗi thời, chuyện áo cưới cô dâu đã trở thành mối bận tâm của nhiều bạn gái sắp lên xe hoa ở những vùng quê khốn khó.
Chiếc áo nàng dâu
Ảnh minh họa

So với thành phố thì chi phí cho một đám cưới ở quê chưa phải là lớn, nhưng quy ra thóc cũng ngốn mất vài ba tấn lúa. Trong đó, giá tiền cho áo cưới có khi tới cả triệu đồng.

 

Thế nhưng, có đến 90% cô dâu nông thôn bây giờ mặc váy cưới về nhà chồng. Mặc váy cưới chẳng có gì là xấu. Tuy nhiên, ở vài khía cạnh nào đó, những chiếc váy cưới đã gây nên nhiều chuyện bi hài.

 

Trước hết phải kể đến giao thông nông thôn, chủ yếu là đường đất, chỉ một trận mưa cũng trở nên lầy lội vô cùng. Nếu trời nắng, những chiếc xe máy chạy tốc độ trung bình, cũng đủ tấp lên trang phục người đi đường vô khối bụi bẩn. Rồi phân trâu, phân bò cùng vô số rác rưởi khác trên đường làng. Thế nên, dù trời mưa hay nắng thì màu sắc của những chiếc váy cưới của cô dâu, cũng khó tránh khỏi sự biến dạng.

 

Thú thật, trong nhiều đám cưới, váy cô dâu có khi chẳng khác chi cái chổi quét nhà, quét ngõ... Chưa kể tới, việc đám cưới quê đi đưa dâu hầu hết bằng xe đạp hoặc xe máy. Những chiếc váy nhiều tầng lớp kia cũng thật khó tránh khỏi có lần vướng vào vòng quay bánh xe, trong suốt quãng đường dài. Thế là chẳng ai còn ngạc nhiên nếu trong lễ vu quy, cô dâu lại mặc váy... rách.

 

Còn rất nhiều người nhà quê không bằng lòng về cách cô dâu ăn bận trong hôn lễ như thế. Đặc biệt là những bậc cao niên. Họ không thích con gái mình bơi lội trong những chiếc váy quá cỡ ấy. Nó chẳng hợp với tác phong của người nông dân, quanh năm chân lấm tay bùn. Và quan trọng hơn, nó không vừa với túi tiền của những ai chỉ sống nhờ ruộng.

 

Có khi bận váy cưới vào còn gây phả‌ּn cả‌ּm, tạo nên hình ảnh mới về sự học đòi, bắt chước, mất dần đi hình ảnh những cô dâu giản dị trong bộ khăn đóng áo dài truyền thống, mà gần gũi với người dân. Cuộc sống ở nhiều vùng nông thôn kham khổ, thậm chí nhiều nhà còn đang ở diện xóa đói nghèo. Vậy mà, nhiều cô dâu vẫn điệu đàng trong chiếc váy cưới diêm dúa, đến "vấn an" các cụ đằng trai trong căn nhà tranh vách đất.

 

Sự tương phản ấy thật rõ nét. Tuy nhiên, các bạn trẻ thường bỏ qua mọi dị nghị, với lại con gà tức nhau tiếng gáy, thấy đám cưới bạn bè được tung hô bởi váy cưới phố thị, chẳng lẽ mình lại kém? Cứ thế, vô hình tạo nên một trào lưu váy cưới gây ra nhiều tốn kém không đáng có, trong cái nghịch cảnh nhà còn khó khăn.

 

Khi bàn đến chuyện tổ chức đám cưới, Hoàng đã nói với Phương rằng, nhà anh rất nghèo, hơn nữa đất lề quê thói, Phương cứ ra mắt họ hàng làng xóm trong bộ khăn đóng áo dài màu đỏ, hoặc áo dài trắng có trùm khăn voan cô dâu là thích hợp nhất. Bố mẹ anh cũng đã có ý kiến như thế. Nhưng Phương nhất quyết không nghe, vì "trăm năm chỉ có một ngày", hơn nữa "thời nay chẳng cô dâu nào là không mặc váy".

 

Tưởng chỉ là chuyện nhỏ, không ngờ hôm đón dâu, Phương xúng xính trong bộ váy cưới diêm dúa cao sang. Nhưng cô không được thái độ chào đón niềm nở, mà còn vấp phải những ánh mắt tò mò, lạnh nhạt, đầy vẻ xa lạ của bà con bên chồng. Thậm chí khi cô ra chào mẹ chồng, bà chỉ đáp lại một câu rất khách khí: "Tôi không dám", khiến cô tủi thân muốn òa khóc.

 

Xong đám cưới của Phương, cái đề tài "cô dâu nhà anh Hoàng thuê áo cưới hết 1 triệu" vẫn còn râm ran đầu làng cuối xóm một thời gian dài. Thỉnh thoảng, mẹ chồng Phương lại tiếng bấc tiếng chì với con trai, cố tình cho cô nghe thấy: "Bảo nhau làm ăn mà trả nợ. Nhà chỉ có mấy sào ruộng, đừng nghĩ tới chuyện xúc thóc của tôi đi bán!". Đến lúc này Phương mới thực sự ân hận, vì đã không nghe lời khuyên của Hoàng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật