Đà Nẵng: Âu thuyền ô nhiễm, tàu thuyền “né”

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đứng trên lan can tầng 2 văn phòng BQL, ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng ban quản lý (BQL) âu thuyền Thọ Quang, TP Đà Nẵng nói: thông thường những năm trước, gió khoảng cấp 5-6 là tàu thuyền đã vào neo đậu an toàn để bảo toàn tài sản, tính mạng. Vậy nhưng, giờ này vẫn vắng lặng, trống trải.
Đà Nẵng: Âu thuyền ô nhiễm, tàu thuyền “né”
Một trong 3 cửa xả nước thải trực tiếp ra âu thuyền, gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước, không khí.
Họ “né” đấy, mùi hôi thối thế ai dám vào, có chăng, lúc trời hừng sáng, các phương tiện vào xuất tôm, cá, mực, cua, ghẹ… cho các nhà máy (NM) chế biến thủy sản (CBTS), rồi lo đường ai nấy… “chạy”, chứ không phương tiện nào dám neo lâu.
Âu thuyền hay hố nước thải?

Công trình âu thuyền Thọ Quang được Bộ Thủy sản đầu tư 66 tỷ đồng xây dựng, gồm các hạng mục: Khu đê bao; khu neo trú, bến cầu tàu và khu dịch vụ hậu cần cung ứng vật tư, thiết bị nghề cá. Tác dụng của âu thuyền là nơi trú bão, neo đậu tàu, thuyền cho ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung. Thế nhưng, trên thực tế, công trình đang phải “gánh” thêm một chức năng nữa là: hố chứa nước thải.

Đi dọc khoảng 200m bờ kè, 3 cống nước thải đen ngòm kích thước lớn, đặc sánh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, một lớp đen xám dày cả chục xăngtimét đã bám lấy lớp nền xi măng chứng tỏ “thâm niên” gồng gánh của nó. Nhìn xuống dưới lòng âu thuyền, nước rút để lộ lên lớp bùn xanh đen, ruồi nhặng tha hồ tung tăng bay đậu…

Đi ngược theo các cống dẫn nước, mới thấy nguồn của nó xuất phát từ các NM CBTS, không qua xử lý được đổ thẳng vào âu thuyền. Theo kết quả khảo sát mức độ ô nhiễm môi trường ở khu vực âu thuyền do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP thực hiện, nước thải bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng, nồng độ BOD5 vượt 12,6 lần, COD vượt 10,48 lần, tổng nitơ vượt 2,17 lần… môi trường không khí cũng ô nhiễm không thua gì. Sinh hoạt của người dân, giờ giấc làm việc của một số công sở trong khu dịch vụ thủy sản Thọ Quang xáo trộn.

Do quá bức xúc trước tình trạng ô nhiễm nặng nề, hơn 200 hộ dân tái định cư nơi đây đã phản đối không nhận đất tái định cư mà các BQL dự án của TP bố trí cho họ tại khu vực gần âu thuyền Thọ Quang, cảng cá Thuận Phước. Trưởng BQL ông Huỳnh Văn Phương cho biết, thực trạng đáng lo ngại hơn: khi công trình mới hoàn thành, thường xuyên có từ 600 - 800 tàu neo đậu, nhưng hiện con số đó giảm chỉ còn khoảng 1/3.

Chịu phạt tiền triệu để lời tiền tỷ

Ông Huỳnh Văn Phương làm một phép tính nhỏ: trong trường hợp DN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nhưng 1 ngày nếu vận hành, DN sẽ mất khoảng 3 triệu đồng cho chi phí… 1 tháng vị chi là 90 triệu nhân với 12 tháng, tổng số kinh phí phải chi là 1,8 tỷ đồng. Có lẽ biết rõ 2 mặt lợi hại chênh nhau quá lớn, nên DN cứ vô tư xả và vô tư… nộp phạt khi bị kiểm tra và lập biên bản vi phạm. Ông dẫn chứng thêm, mới đây nhất 5 DN gây ô nhiễm môi trường tại khu vực này đã bị UBNDTP ra quyết định xử phạt. Trong đó, công ty bị buộc cưỡng chế cấm hoạt động sản xuất có nguồn nước thải gây ô nhiễm môi trường và bắt buộc sử dụng các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do các đơn vị này gây ra…

Một tuần sau khi quyết định phạt phát ra, chúng tôi quay lại, nước thải trực tiếp không qua xử lý vẫn chảy, mùi hôi thối vẫn bốc lên, theo gió Đông bao trùm toàn khu dịch vụ và 1/2 khu dân cư phường Thọ Quang. Một vị cán bộ có trách nhiệm của Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng cũng lắc đầu ngao ngán: “Đã nhiều phiên giao ban ở quận, ở BQL âu thuyền, đại diện các DN đều có ý kiến, trao đổi, bàn bạc... Nhưng rồi vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Có lẽ hình thức chế tài xử phạt còn nhẹ quá nên DN “nhờn”.

Một bất cập nữa ngay chính từ các đơn vị quản lý dẫn đến vi phạm của các DN là hiện khu dịch vụ thủy sản Thọ Quang chưa có NM xử lý nước thải tập trung. Chính vì vậy, dù bị xử phạt, một số DN vẫn không đồng tình, cho rằng: “Phạt thì chúng tôi phải chấp hành. Nhưng để giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường, phải xây dựng NM xử lý nước thải, đầu tư xây dựng hệ thống cống…”. Người dân tiếp tục kêu cứu , DN vẫn cứ vi phạm nối tiếp vi phạm, khiếm khuyết của KCN dịch vụ cũng liên tục được chỉ ra, và hơn nữa Đà Nẵng đang hướng đến một thành phố môi trường, thì không thể để ngay bên hông mình, dưới chân cầu Thuận Phước nối ra cảng Tiên Sa điểm cuối của hành lang kinh tế Đông-Tây một khu vực bị ô nhiễm môi trường trầm trọng như vậy.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật