Linh hồn của Đoàn tàu không số

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đó là cách mà rất nhiều cựu binh nguyên là chiến sĩ Đoàn tàu không số kính trọng gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bởi ông là người trực tiếp chỉ đạo, theo dõi và động viên cổ vũ cán bộ, thủy thủ trong suốt những năm tháng chiến đấu đầy hy sinh gian khổ và vô cùng vẻ vang này.
Linh hồn của Đoàn tàu không số
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các chiến sỹ Tàu không số

Sáng tạo tuyệt vời của trí tuệ thiên tài

Ông Phan Thắng, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn 125 Hải quân (Đoàn tàu không số) cho biết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người ra lệnh mở đường vận tải trên biển từ năm 1959 mà sau này thường gọi "Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Đó là một sáng tạo tuyệt vời của trí tuệ quân sự thiên tài Võ Nguyên Giáp. Sở dĩ Đại tướng Võ Nguyên Giáp sáng tạo mở đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam trên biển vì trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông từng chứng kiến năm 1946, từ cửa sông Hàm Luông, Bến Tre, một chiếc thuyền buồm nhỏ nhổ neo vượt biển ra miền Bắc xin vũ khí cho miền Nam đánh thực dân Pháp. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ đội ta đã từng tổ chức những con thuyền vượt biển để chuyên chở vũ khí từ khu 5, miền Bắc, từ Thái Lan, Căm-pu-chia vào chi viện cho Nam Bộ đánh giặc…

Từ thực tế đó, tháng 7 - 1959, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập đoàn 759  với nhiệm vụ mở con đường biển chiến lược để đưa hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngay sau khi vừa mới thành lập, Đoàn 759 - nòng cốt là Tiểu đoàn 603, núp dưới vỏ bọc của một tập đoàn đánh cá dân sự - “Tập đoàn đánh cá sông Gianh” (Quảng Bình), đóng quân ở thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Ngay khi thành lập, Đại tướng căn dặn: “Việc mở đường không được ai biết... Không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Một mẩu thu‌ốc l‌á cũng có thể tạo nên một tang chứng làm hỏng việc lớn... Phải dốc sức chi viện cho miền Nam, nhất là Nam Bộ và Khu 5 về cán bộ, phương tiện vật chất, chủ yếu là vũ khí, khí tài quân sự, thuốc men, để anh em chiến đấu...”.

Lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngắn gọn nhưng hết sức cần thiết và quý báu. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chỉ một sơ suất nhỏ có thể gây tai họa lớn.

Người đã khóc khi nghe tin

Đầu năm 1960, chuyến tàu đầu tiên chở theo 5 tấn súng đạn, 500 kg vải, 400 kg nilon và một số lượng lớn thuốc men chữa bệnh đã được xuất phát hướng về bến Hố Chuối (Quảng Nam) để giao hàng.Tuy nhiên, con tàu này đã không tới đích đúng như mong đợi. Tàu đã bị địch phát hiện ngay khi vừa tiếp cận vùng biển Quảng Nam.

Sự thất bại của chuyến đi đầu tiên đã đặt ra nhiều vấn đề để rút kinh nghiệm nên đầu năm 1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định triệu tập những chiến sĩ ưu tú vốn xuất thân từ các vùng ven biển miền Nam đưa thuyền ra Bắc để bàn định kế hoạch vận chuyển hàng hóa, vũ khí bằng đường biển. Chấp hành mệnh lệnh của Trung ương, các tỉnh Nam bộ đã gấp rút lựa chọn những người giàu kinh nghiệm đi biển nhất của địa phương mình và lên kế hoạch kỹ càng để đưa tàu vượt biển ra Bắc:

Bến Tre có hai con tàu, một tàu do thuyền trưởng Đặng Bá Tiên chỉ huy và con tàu khác do Lê Công Cẩn chỉ huy; Cà Mau có một tàu do Bông Văn Dĩa chỉ huy; Trà Vinh có tàu do thuyền trưởng Nguyễn Thanh Lồng và Nguyễn Văn In chỉ huy; Bà Rịa có tàu do thuyền trưởng Nguyễn Văn Phe chỉ huy.

Các đại biểu Tàu không số chụp ảnh cùng Đại tướng trong lần gặp mặt

Tất cả các đoàn thủy thủ từ Nam ra đều được các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội bí mật tiếp đón. Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Đảng Lê Duẩn, các tướng lĩnh Quân đội như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Vịnh, Trần Văn Trà đã nhiều lần gặp gỡ các thủy thủ để nắm bắt tình hình làm cơ sở hoạch định kế hoạch tác chiến.

Ngày 11 tháng 10 năm 1962, với hơn 30 tấn vũ khí, con tàu mang tên “Phương Đông 1” do Bông Văn Dĩa làm chính trị viên, Lê Văn Một làm thuyền trưởng cùng 10 thủy thủ đã vinh dự được chọn là con tàu mở đường, bắt đầu một chiến dịch lớn chi viện cho chiến trường miền Nam.

23 giờ đêm ngày 11 tháng 10, tàu được lệnh rời bến Đồ Sơn hướng vào vùng biển phía Nam, mang theo biết bao niềm tin và hy vọng. Về sự kiện này, trong hồi ức của Tướng Đồng Văn Cống, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, kiêm Trưởng phòng B thuộc Quân ủy Trung ương, lúc đó là người được giao theo dõi hành trình của con tàu, đã kể:

“Người đi rất lo lắng. Người ở lại còn lo lắng hơn. Nhưng sáng nào cứ đến giờ giao ban thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng hỏi thế nào rồi? Mới đi 1 ngày, đến ngày thứ 2 ông đã hỏi. Ngày thứ 3, thứ 4, thứ 5, sáng nào ông cũng hỏi. Tôi sốt ruột nhưng chỉ biết lắc đầu. Sau đó cả những ngày thứ 6, thứ 7, thứ 8 cũng không có tin tức gì.

Tôi là người trực tiếp theo dõi hàng ngày, càng bồn chồn lo lắng. Điện đánh đi không có trả lời. Không biết họ sống hay chết? Mãi sáng ngày 19/10/1962, tức 9 ngày sau, mới có tin tức. Sáng hôm đó, Quân ủy Trung ương đang họp giao ban ở nhà khách 28 Cửa Đông. Tôi bước vào, Đại tướng ngẩng đầu lên nhìn tôi đăm đăm. Lần này tôi gật đầu, mặt tươi tỉnh. Đại tướng đứng dậy ôm chầm lấy tôi. Ông khóc”.

Thành công của con tàu “Phương Đông 1” đã chính thức khai mở tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển gắn với những chiến công huyền thoại của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam để góp phần vào chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 thống nhất đất nước.

Đầu năm 1970, nhân Tết Canh Tuất, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và chúc Tết. Đại tướng biểu dương, khen ngợi những thành tích, chiến công mà đoàn giành được và căn dặn cán bộ, chiến sĩ ra sức rèn luyện, đề cao cảnh giác, giữ gìn bí mật, thường xuyên rút kinh nghiệm sau mỗi chuyến công tác và theo dõi nắm tình hình địch để tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong tình hình mới.

Lời dặn dò của Đại tướng trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó.

"25 năm đời quân ngũ, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn ở trong tôi"

Thượng tá Trần Văn Hữu – một  cựu binh nguyên là chiến sĩ Đoàn tàu không số không bao giờ quên giây phút được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2004. Khi ấy, 10 CCB Đoàn tàu không số đã được mời dự gặp mặt, giao lưu với các anh hùng, nhân chứng lịch sử... tại Thủ đô và vinh dự được tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Những cán bộ, chiến sỹ Tàu không số

Hôm ấy, cả đoàn đã được người anh cả của Quân đội dành cho một sự quan tâm đặc biệt. Trong lúc trò chuyện, Đại tướng hỏi: “Những ai là chiến sĩ Đoàn tàu không số?”, 10 CCB đồng loạt giơ tay lên, Đại tướng bảo: “Lát nữa, mời các đồng chí chiến sĩ tàu không số ở lại chụp ảnh kỷ niệm nhé”.

Sự quan tâm của đại tướng đã tiếp thêm sức mạnh cho ông Hữu đảm nhiệm chức tịch Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển,  trở thành “cầu nối” ân tình của những người lính già đầu bạc, dù bản thân tuổi đã cao và phải thường xuyên chăm sóc người vợ đau yếu.

Rưng rưng nước mắt khi nghe tin Đại tướng qua đời, Trung tá Nguyễn Viết Chức, chiến sĩ Đoàn tàu không số hiện đang sinh sống ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ: “25 năm trong đời quân ngũ, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn ở trong tôi. Học ở Đại tướng nhiều điều từ đời thường giản dị đến tính kiên cường trong chỉ huy các trận chiến đấu, những điều ấy đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ của một thuyền trưởng chỉ huy tàu chiến đấu, làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Trở về với cuộc sống đời thường, chúng tôi vẫn không ngừng phát huy phẩm chất thủy thủ Tàu không số năm xưa”.

Tâm sự của Trung tá Nguyễn Viết Chức cũng là tâm sự của các  cựu binh nguyên là chiến sĩ Đoàn tàu không số hiện đang sống ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước sự ra đi của Đại tướng. Ông Nguyễn Sơn, nguyên là thuyền trưởng đầu tiên của Đoàn tàu không số bến Phước Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xúc động:

“Nghe tin Đại tướng từ trần mà bần thần chân tay. Năm 1963, tôi cùng 5 anh em chiến sĩ đơn vị 555 Bình Giã vượt biển ra Bắc chở vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong suốt cuộc hải trình đẫm máu ấy, chúng tôi đã được nghe chuyện kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Con đường Hồ Chí Minh trên biển ngày ấy, có phần công lao to lớn của Đại tướng vì chính từ tư tưởng kiệt xuất của ông đề nghị Bộ Chính trị thành lập Đoàn 559 và vận chuyển vũ khí bằng đường biển bí mật. Là một chiến sĩ Đoàn tàu không số, tôi xin kính cẩn tri ân và vĩnh biệt Người - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đáng kính”.

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 4925
  1. Nhớ Người chỉ huy mở đường kéo pháo Điện Biên Phủ
  2. Ký ức Ngày Giải phóng Thủ đô và hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp
  3. Những quy định khi đi viếng Đại tướng
  4. Đại tướng trăn trở tìm lại 34 đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
  5. Nhiều nước gửi điện chia buồn về Tướng Giáp từ trần
  6. Thời khắc khó khăn nhất của Đại tướng sau hòa bình lập lại
  7. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tấm gương sáng cho lực lượng công an
  8. Thủ đô kháng chiến nhớ Đại tướng…
  9. Bức thư cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi doanh nhân Việt Nam
  10. Dấu ấn Tướng Giáp trong lịch sử quân sự thế giới
  11. Đại tướng ghét nhất trên đời là sự giả dối
  12. “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã theo Bác đường xa...”
  13. Lời hịch của vị Tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp
  14. Nhớ lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Ngành Tư pháp phải “nói đi đôi với làm
  15. Bác Hồ đã chọn vị tướng tài của dân tộc như thế nào?
  16. Lãnh đạo nghẹn ngào chia sẻ về Đại tướng
  17. “Tướng Giáp tử trận B-52”- chuyện bây giờ mới kể
  18. Ngôi nhà đầy kỷ niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
  19. “Tướng Giáp là tấm gương để toàn thế giới noi theo”
  20. Võ Nguyên Giáp - vị Đại tướng luôn hết lòng vì dân
  21. Những quy định nghi thức Quốc tang
Video và Bài nổi bật