Có an tâm với bún, mỳ tươi?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bên cạnh một số cơ sở sản xuất bún tươi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ý thức trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), thì vẫn còn nhiều cơ sở tỏ ra lơ là. Cơ quan chức năng đã có kết luận về mức an toàn của bún, mỳ tươi… song người dân thì vẫn tỏ ra lo lắng.
Có an tâm với bún, mỳ tươi?
Bên trong một cơ sở sản xuất bún theo phương pháp thủ công truyền thống ở quận Hải Châu.

Nơi sản xuất chưa đảm bảo vệ sinh

Có mặt ở một lò bún nhỏ nằm phía sau chợ An Cư 3 (phường An Hải  Đông, quận Sơn Trà), theo quan sát của chúng tôi, khu vực sản xuất bún tại đây khá nhếch nhác và mất vệ sinh. Xung quanh lò bún này được lợp ván ép đã xỉn màu cùng với những tấm nilon lớn để trải và phủ những thùng đựng bột trông rất mất vệ sinh. Máy móc cáu bẩn, ruồi nhặng bu đầy. Nguyên liệu làm bún được cơ sở này đựng trong những chiếc thùng nhựa khá cũ và bẩn. Đứng ngoài cửa trông vào, mùi chua của bún bốc lên nồng nặc.

Tình trạng cơ sở sản xuất bún mất vệ sinh, máy móc làm bún cáu bẩn, nhếch nhác... cũng dễ dàng quan sát bằng mắt thường khi đi ngang qua lò bún trên đường Lê Độ (quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Lò bún này cũng khá nhỏ hẹp, chật chội, nằm sát mặt tiền đường Lê Độ và lọt giữa hai bên là cơ sở sửa chữa xe máy. Khu vực chứa các bao bột đang được ủ lên men khá nhếch nhác. Những bao nilon dùng để đậy và ủ bột được phơi khắp bên ngoài vỉa hè. Người đi đường chỉ đi ngang qua, không cần biết chính xác số nhà đã phải bịt mũi vì có mùi chua nồng đặc trưng của bún bốc lên rất khó chịu.

Nhờ sự giúp đỡ của Cảnh sát khu vực và Tổ trưởng tổ dân phố 96, phường An Hải Đông (quận Sơn Trà), chúng tôi có mặt tại nhà anh Cường (chủ lò bún phía sau Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, quận Sơn Trà). Vẫn là những hình ảnh khá nhếch nhác mà chúng tôi chứng kiến được tại cơ sở sản xuất này. Anh Cường cho biết, trước đây, các lò bỏ bún cho quán nếu quán bán không hết, các chủ lò đôi khi tiếc bún nên có giữ lại bún cũ để trộn lẫn với bún mới, rồi bỏ cho hàng quán vào ngày hôm sau.

“Ví như bỏ cho quán A khoảng 20kg bún, thì họ sẽ trộn 4-5kg bún cũ vào. Nếu chủ quán phát hiện thì mình năn nỉ họ một tiếng. Bạn hàng giúp đỡ cho nhau. Tuy nhiên, việc đó chỉ diễn ra trước đây, vì hàng quán ai cũng muốn giữ khách nên chính họ cũng không “tiếp tay” cho chuyện đó, bây giờ thì hầu như việc làm đó bị xóa sổ rồi”, anh Cường cho biết.

Lý giải về mùi chua nồng nặc ở các lò bún, anh Cường chia sẻ, sở dĩ có mùi chua khó chịu như vậy là do một số lò họ ngâm bột quá nhiều nhưng sản xuất không hết nên để lưu quá lâu. “Bột ngâm chuẩn nhất là 3 ngày nhưng nhiều lò ngâm dư bột vì sợ cúp điện không có bột làm, thành ra để tới 7 hoặc 8 ngày mới làm được hết số bột đã ngâm nên có mùi chua ở lò cũng như sợi bún bị chua. Nhưng cũng chưa có trường hợp nào người dân bị ngộ độc do ăn bún chua cả”, ông chủ lò này giải thích.

Theo bà Huỳnh Thị Thu, chủ cơ sở sản xuất bún tươi ở quận Hải Châu, cho biết gia đình bà làm bún từ đời ông bà rồi sau đó bà tiếp nối. Chính vì quy trình làm bún của gia đình theo phương pháp thủ công truyền thống nên các quy trình sản xuất hay tác hại của việc sử dụng các loại phụ gia bà đều nắm rõ. “Vì bún là thức ăn trực tiếp thay cơm mà không qua chế biến nên phải làm cho tốt. Mình sống còn phải tích đức cho con cháu sau này chứ không vì tí lợi nhuận mà làm ẩu. Một số người họ muốn có nhiều lợi nhuận nên có thể họ sẽ trộn thêm các loại bột vào gạo. Mà khi pha trộn, bún sẽ không dai, ngon, không có màu đặc trưng nên họ phải sử dụng các loại chất phụ gia này nọ là tất nhiên thôi”, bà chủ này cho hay.

Cách phân biệt bún tươi bằng mắt thường:

- Bún đảm bảo chất lượng thường có màu ngà, đục, chứ không trắng sáng.
- Khi dùng tay miết sợi bún đảm bảo chất lượng sẽ bị nát và có độ dính hơn so với bún có độ trong.
- Khi đổ nước sôi vào, sợi bún đảm bảo chất lượng sẽ nở phồng.

Theo bà Thu, gạo cũng phải là loại ngon mới làm được bún ngon. Mà bún thật của cơ sở bà có màu ngà, đục, giá bán tại lò của bà cũng ở mức 8.500đồng/kg bún tươi (cao hơn một số lò khác 700-1000đồng/kg) nên thường không cạnh tranh được với các lò khác. Vì vậy, mỗi ngày cơ sở của bà chỉ sản xuất 400-500kg bán tại chỗ và bỏ cho một số mối ruột. Nhờ cách làm đảm bảo này, thời gian qua, khi báo chí thông tin bún nhiễm chất cấm, người tiêu dùng hoang mang nhưng cơ sở của gia đình bà ít bị giảm sút số lượng.

“Chính vì thế, tôi rất ủng hộ việc cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xét nghiệm. Nhất là làm rõ những lò bún nào làm ăn kém chất lượng, đăng lên báo để người dân biết mà tẩy chay, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở làm ăn chân chính”, bà Thu nói.

Tăng cường kiểm tra, xét nghiệm

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP thành phố Đà Nẵng, cho biết sau khi phát hiện chất tẩy trắng trong bún, Chi cục đã lấy ngẫu nhiên 84 mẫu bún tươi, bánh canh… tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn để phân tích, kết quả 100% số mẫu cho thấy đều âm tính với các hó‌a chấ‌t, phụ gia được phép và không được phép sử dụng trong thực phẩm.

Người tiêu dùng hãy tự trở thành "người tiêu dùng thông thái" trước khi chọn lựa thực phẩm.

Khi PV đặt câu hỏi với ông Nguyễn Minh Tiến, hiện nay, đa số người dân vẫn chưa thực sự tin tưởng vào kết quả kiểm nghiệm “sạch sẽ” này, ông Tiến cho biết, đây mới chỉ là kết quả xét nghiệm ban đầu và các mẫu này cũng được lấy hết sức ngẫu nhiên nên nó không thể nói lên tính “đại diện” cho tất cả mẫu bún, bánh canh… trên toàn thành phố. "Còn hiện nay, nhiệm vụ quản lý, kiểm tra và lấy mẫu đối với mặt hàng bún tươi, bánh canh… thuộc Sở Công thương và họ cũng đang có kế hoạch kiểm tra, lấy mẫu làm xét nghiệm", ông Tiến cho hay.

Ông Nguyễn Văn Trừ, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và Môi trường (Sở Công thương thành phố Đà Nẵng), cho hay, từ ngày 4 đến hết ngày 30-9, lực lượng chức năng của Đà Nẵng gồm các Đội kiểm tra liên ngành của Sở Công thương phối hợp cùng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) và thanh tra Chi cục ATVSTP cũng tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra tại các cơ sở sản xuất bún tươi, bánh canh… trên địa bàn thành phố và cũng lấy mẫu ngẫu nhiên một số cơ sở để tiến hành xét nghiệm.

“Tuy nhiên, việc quản lý và cấp phép cho các cơ sở sản xuất bún, mỳ và các loại thực phẩm cùng nhóm trước kia của ngành Y tế nhưng giờ theo quy định mới thì chuyển giao cho ngành Công thương. Nhiệm vụ thì đã giao nhưng lại chưa chuyển biên chế khiến việc làm xét nghiệm, nhất là xét nghiệm labo sẽ gặp nhiều khó khăn bởi lực lượng này của Sở Công thương khá mỏng, lại chưa chuyên nghiệp”, ông Trừ cho biết.

Hiện Sở Công thương đang kiến nghị UBND thành phố về việc sắp tới sẽ tiến đến việc phân cấp quản lý và cấp giấy chứng nhận của các loại hình sản xuất này cho các UBND quận, huyện. Sau khi có sự phân bổ lực lượng thêm cho ngành Công thương - dự kiến năm 2014 -  thì sẽ triển khai cụ thể. Trước mắt, nhiệm vụ chính vẫn phải phụ thuộc vào lực lượng QLTT vì lực lượng liên ngành này khi tiến hành kiểm tra đều có cán bộ của Sở Y tế đi cùng nên việc lấy mẫu và xét nghiệm sẽ đảm bảo chuyên môn tốt hơn.

Đà Nẵng, 100% bún tươi, lá âm tính với tẩy trắng

Bún, bánh ướt: Không chỉ chất tẩy trắng!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật