Gặp lại trùm giang hồ nổi tiếng một thời

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từng là một trùm xã hội đen đất Đà Nẵng những năm 70, Nguyễn Ngọc Bửu (phường Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) là nỗi khiếp sợ của dân lành và niềm tự hào của giới giang hồ thời đó. Thế rồi hơn 10 năm sau khi ra tù lần cuối, Nguyễn Ngọc Bửu lột xác hoàn toàn, trở thành người đội trưởng đội dân phòng cơ động được nhân dân hết mực tin yêu.
Gặp lại trùm giang hồ nổi tiếng một thời
Đội trưởng đội dân phòng cơ động Nguyễn Ngọc Bửu (bên trái) đang trao đổi công việc với đồng nghiệp.
Từ Bửu “liều”
Nguyễn Ngọc Bửu sinh năm 1956, dáng người chắc khỏe, chân chất và cực kỳ hiền hòa. Nếu không nói trước, chúng tôi khó mà tin được ông từng là tay trùm giang hồ Hải Vân có tiếng một thời.
Mang trên mình bộ quân phục màu nâu đậm của dân phòng cơ động, ít ai biết Nguyễn Ngọc Bửu từng có một quá khứ "chọc trời phá nước". Tay diều hâu một thưở sinh ra trong gia đình lao động có tới 10 người con. Nhà khó khăn, lại là con đầu nên Bửu sớm phải bước chân ra đời mưu sinh. Từ nhỏ, Bửu đã được mọi người chú ý bởi sự khôn ngoan, khéo léo, và đặc biệt nhanh nhẹn, thông minh.
20 tuổi, Bửu đã tạo dựng cho mình một vị thế vững chắc trong giới giang hồ Đà Nẵng lúc bấy giờ. Bảng chiến tích lừng lẫu càng dày thêm khi Bửu lần lượt hạ gục các đàn anh khác để độc chiếm địa bàn làm ăn vô cùng màu mỗ ở khu vực chân đèo Hải Vân.
Với bản tính gan lỳ, liều lĩnh, không ngại va chạm với bất kì tay anh chị nào, Bửu “liều” được đám đàn em tôn sùng như một vị “tướng” và biệt danh Bửu “liều” cũng xuất hiện từ đó. Hàng chục tay giang hồ không đọ nổi sự liều lĩnh, gan lì đều về thuần phục dưới chân đại ca xin làm đàn em chuyên dùng đao kiếm để nói chuyện với thiện hạ Thời đó, trong giới giang hồ, ra đường chỉ cần nói là đàn em của Bửu "liều" thì ai cũng phải dè chừng, kính nể.
22 tuổi, trong một cuộc giao tranh giữa các băng nhóm với nhau nhằm tranh giành địa bàn, Bửu hạ gục được đối thủ của mình nhưng chẳng thoát được sự truy quét của cơ quan công an. Bửu bị tòa án huyện Hòa Vang khởi tố với tội danh “Cố ý gây thương tích”. Vào tù, nhờ cải tạo tốt, Bửu được ra tù trước thời hạn. Trở về cuộc sống bình thường chẳng được bao lâu, với bản chất ham chơi hơn ham làm, lại không có công ăn việc làm, bị mọi người xa lánh, Bửu “liều” lại như đắm chìm trong cơn mê tội lỗi.
Nhìn cảnh “kẻ ăn không hết, người làm chẳng ra”, cho rằng xã hội thật bất công, năm 1980, một lần băng nhóm của Bửu “liều” tổ chức trộm cắp tài sản quy mô lớn ở kho Lào thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Hòa Vang cũ. Vụ đó, Bửu phải bóc lịch một lần nữa. Vào tù lần này đồng thời cũng là một ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời Bửu.
Nhờ rèn luyện và cải tạo tốt, Bửu được bầu làm đội trưởng đội trật tự trong tù và ý chí quyết tâm hoàn lương cũng bắt đầu từ đó. Nỗi khát khao được sống, được cống hiến, làm người lương thiện chưa bao giờ lại trỗi dậy trong con người anh đến như lúc này. Trút bỏ “tấm áo” giang hồ ngày nào, anh bắt đầu tu chí làm lại cuộc đời khi tuổi đã gần 40.
“Khi mới ra tù, nhìn ánh mắt của mọi người xa lánh, không ai muốn trò chuyện hay thân thiện với mình. Thú thực khi đó, tôi cảm thấy rất mặc cảm, tự ti. Khi được đọc những bài báo nói về những tấm gương của những con người từng lỗi lầm nay đã thành công, trong tôi lại có thêm nghị lực để hoàn lương” – anh nhớ lại.
Đến Bửu cơ động
Những năm tháng tuổi trẻ hoài phí trong tù, Bửu đã nuôi ý nghĩ sau này ra tù phải làm một cái gì đó để bù đắp lại những mất mát mà mẹ anh và người thân phải hứng chịu. Trở về địa phương, anh xung phong xin vào đội lực lượng dân phòng cơ động của phường, quyết tâm làm lại cuộc đời.
Tuy nhiên, con đường hoàn lương của anh không hề dễ dàng. Những ngày đầu Bửu làm dân quân, các anh công an ở phường luôn phải dè chừng và cảnh giác một con người từng nổi tiếng với những vụ đâm chém không ghê tay. Sau này, đồng nghiệp Mai Tấn Sinh mới nói: “Nói thật, ban đầu anh Bửu mới vô anh em ở đây ai cũng e ngại, dè chừng. Tuy nhiên, qua thời gian, anh càng chứng tỏ mình là người đáng tin cậy, không còn dây dưa với giới giang hồ, giờ anh em đã tin tưởng hoàn toàn”.
Vào những năm 1995 - 1996, trên địa bàn Hòa Hiệp Nam luôn xảy ra tình trạng trộm cắp bu lông, ốc vít, đường ray, gây nguy hiểm cho những chuyến tàu. Thấy bọn trộm cắp rất liều lĩnh, hoạt động vào những đêm khuya, sau nhiều lần ăn dầm nằm dề, mai phục vào những đêm lạnh buốt đến tê người, Bửu “liều” đã tóm gọn được đối tượng đang thực hiện hành vi cùng tang vật. Lấy lại được niềm tin của đội dân phòng cơ động, công an phường và chính quyền địa phương, cũng đồng nghĩa với việc anh đã lấy lại được niềm vui sống.
Tin tưởng anh đã thực sự thành tâm trên con đường hoàn lương, chị Phạm Thị Thu Hà người con gái gốc Huế đã đem lòng yêu thương anh. Bước đầu, gia đình chị phản đối kịch liệt. Tuy nhiên, sức mạnh tình yêu và niềm tin đã chiến thắng. Một mối lương duyên như truyện cổ tích, đưa họ đến cuộc sống vợ chồng. Hạnh phúc như trở lại với anh khi chị sinh ra được đứa con ngoan, học giỏi.
Chị Hà nhớ lại: “Ngày tôi quyết định lấy ổng gia đình phản đối dữ lắm, vừa chê ổng già vừa sợ ổng giang hồ … nhưng mình nghĩ con người ai mà chẳng lỗi lầm, mình yêu ổng nên mình chấp nhận hết và niềm tin của mình đã đúng”.
Tham gia vào lực lượng cơ động cũng đã được 17 năm, với cương vị của một người đội trưởng, Bửu “liều” đã tham mưu, cùng với cán bộ công an địa phường phá được rất nhiều vụ án nổi tiếng. Có những đối tượng tội phạm đang bị lệnh truy nã toàn quốc ẩn nấp ở địa phương cũng bị anh phát hiện và bắt gọn. Một trong những vụ nổi bật là vụ đối tượng Đoàn Văn Sơn (ngụ tỉnh Bình Phước), là đối tượng truy nã đặc biệt của công an tỉnh Bình Phước về tội cố ý gây thương tích làm chết người.
Khi đối tượng về phường đã thay tên đổi họ, sống với người vợ lẽ, im hơi lặng tiếng. Với kinh nghiệm bắt bài giang hồ, nhiều đêm tuần tra, thấy Sơn có những biểu hiện lạ, luôn sợ sệt khi tiếp xúc với anh, qua công tác đấu tranh, khi đối tượng đang chuẩn bị hành trình lẩn trốn, đã bị anh cùng phối hợp với công an phường tóm gọn, bàn giao cho công an tỉnh Bình Phước xử lý.
Chiến công nối tiếp chiến công, Bửu “liều” một thời giờ luôn là tấm gương sáng về những thành tích hoạt động tích cực trên địa bàn. Nhờ vậy, các cấp chính quyền cùng nhân dân tin tưởng bầu anh giữ nhiều chức vụ quan trọng ở địa phương. Thiếu úy Nguyễn Đức Tuấn, hồ hởi khoe: “Anh Bửu giờ làm rất nhiều chức, ngoài đội trưởng đội dân phòng của phường, anh còn là phó ban bảo vệ dân phố, chi hội trưởng hội nông dân chi bộ 14, tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố khu dân cứ 7 tầng ở Hòa Hiệp Nam”.
Mẹ của anh, bà Võ Thị Thu đã ngoài 80 tuổi tâm sự: “Cũng may từ khi nó (Bửu – PV) mãn hạn tù, được chính quyền địa phương quan tâm, nhất là mấy anh công an phường, cùng sự yêu thương của vợ con. Tôi hoàn toàn yên tâm nhắm mắt nơi chín suối rồi”.  Đến nay, sau những năm tháng hoàn lương lột xác thành con người mới có ích cho xã hội, ít ai nhớ tới Bửu “liều” một thời. Thay vào đó người dân trong vùng ai cũng gọi anh một cái tên thân thiện và gần gũi "Bửu cơ động". Vì ờ đâu có việc gì, tranh chấp hay đánh lộn anh đều có mặt kịp thời giải quyết thấu tình đạt lý.
Khi được hỏi về Bửu cơ động, anh Mai Xuân Minh, hàng xóm cùng khu phố cho hay: “Thi thoảng xuống Đà Nẵng, dân bụi đời vẫn quen gọi là đại ca. Tuy nhiên, dường như anh không còn muốn nhớ về quá khứ đó nữa. Đi theo công an hơn chục năm nay, anh đã thay đổi hoàn toàn, trở thành một hàng xóm tốt, sống rất đàng hoàng, không làm mích lòng ai”.
Cũng cùng nhận xét như anh Minh, chị Mai Thị Trâm, chủ quán tạp hóa gần nhà cho biết thêm: “Hồi xưa nghe nói anh Bửu là đại ca giang hồ, giang hồ đâu không thấy chứ từ ngày làm cơ động ở phường này, anh rất chăm chỉ, làm việc nhiệt tình hoạt bát. Địa phương có việc gì anh luôn là người xông xáo có mặt giải quyết đầu tiên”.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật