Giảm nghèo khá nhanh ở Việt Nam

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những đánh giá nói trên hoàn toàn có cơ sở, bởi trên thực tế thành quả của giảm nghèo bền vững hiện nay mới chỉ dựa trên những đánh giá mang tính chất định lượng, dựa trên báo cáo thành tích từ các địa phương.
Giảm nghèo khá nhanh ở Việt Nam
Đích hướng tới là giảm nghèo phải bền vững
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong vòng 20 năm qua, Việt Nam giảm nghèo khá nhanh, hàng triệu hộ gia đình đã thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo từ chỗ chiếm 58% dân số năm 1993, đến nay chỉ còn khoảng 7,8%. Tuy nhiên, theo kết quả giám sát từ Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, hiện công cuộc giảm nghèo bền vững vẫn còn rất nhiều thách thức. Trong đó, tỷ lệ tái nghèo hiện đang ở mức cao; gần 50% hộ nghèo tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu; số hộ nghèo ở đô thị cũng tăng nhanh trước những cú sốc kinh tế.
Theo Bộ LĐTB&XH, tổng nguồn vốn huy động cho mục tiêu giảm nghèo từ năm 2005 – 2012 là gần 543.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước đã bố trí gần 206.000 tỷ đồng, chiếm 37,93%. Còn lại là từ 6 nguồn khác như vốn ODA, trái phiếu Chính phủ; vốn vay hợp tác quốc tế; vốn tín dụng ưu đãi; huy động hỗ trợ từ doanh nghiệp; Quỹ Vì người nghèo; vốn lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo…Cho dù Chính phủ đã giải ngân không nhỏ cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, nhưng một điều dễ nhận thấy là để có được những kết quả giảm nghèo như thời gian qua phải ghi nhận những đóng góp đáng kể của các tổ chức phi chính phủ ( NGOs) tại Việt Nam. Theo ước tính, hiện có khoảng 800 NGOs đang hoạt động tại Việt Nam, trên tổng số 7000-10.000 NGOs tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chỉ trong vòng hơn mười năm trở lại đây, NGOs đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam gần 2 tỷ  USD,  tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực phát triển kinh tế, y tế, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo…
Nhưng cũng từ mục tiêu giảm nghèo bền vững mà chúng ta đang nỗ lực phấn đấu, cũng cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc hoạt động  giám sát kết quả giảm nghèo. Đây là vấn đề đã được các tổ chức NGOs cảnh báo từ lâu. Những kinh nghiệm và nghiên cứu gần đây của NGOs ở các địa phương khẳng định rằng: sự minh bạch hoá các thủ tục hành chính là điều rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Nếu không minh bạch từ thủ tục hành chính, sẽ nảy sinh một nguy cơ là người nghèo sẽ vấp phải những thủ tục rườm rà và ngày càng khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Cùng với đó, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, mà trung tâm là sự nghiệp giảm nghèo bền vững cần được hoàn thiện bằng một tuyên bố rõ ràng như các nguồn lực của nhà nước sẽ được phân bổ hợp lý tới từng hộ gia đình và từng địa phương nghèo nhất và tất cả mọi người, kể cả người nghèo, đều được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản nhất. Theo đó, để công tác xóa đói giảm nghèo hiệu quả, NGOs cho rằng, điều quan trọng là cần phải xây dựng và thực hiện chính sách tiếp cận người nghèo, phân bổ ngân sách minh bạch và hiệu quả, đồng thời giám sát có hệ thống các chính sách và chương trình xoá đói giảm nghèo ở cấp xã; cụ thể hoá các mục tiêu xoá đói giảm nghèo cho từng đối tượng dân cư (ví dụ như ở khu vực thành thị/nông thôn, nhóm dân tộc thiểu số)…sẽ giúp giải quyết nguy cơ bất bình đẳng, nguy cơ tái nghèo, đồng thời cũng giúp cho việc phân bổ ngân sách và giám sát các kết quả đạt được hiệu quả hơn.
Theo quyết định phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2012- 2015, tổng kinh phí cho Chương trình là  27.509 tỷ đồng. Dự kiến huy động từ các nguồn: ngân sách trung ương là 20.509 tỷ đồng (trong đó 17.972 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 2.537 tỷ đồng vốn sự nghiệp); ngân sách địa phương là 4.000 tỷ đồng; viện trợ nước ngoài và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác là 3.000 tỷ đồng. Đi kèm với đó,  Chương trình 135 giai đoạn III, từ 2012 – 2020 đã được Chính phủ phê duyệt cũng chính là dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Về định mức vốn đầu tư, hỗ trợ của Chương trình 135 giai đoạn III, năm 2012 và 2013 thực hiện theo định mức và vốn đã được phân bổ; năm 2014 và 2015 tăng 1,5 lần so với so với định mức vốn năm 2013; các năm tiếp theo bố trí tăng thêm phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Như vậy, thời gian tới, ngân sách đầu tư cho giảm nghèo sẽ tăng nhiều hơn. Dẫu thế, tính hiệu quả của chương trình vẫn còn ở phía trước.
Tại phiên giải trình mới đây trước Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về việc phân bổ nguồn lực và cơ chế điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo, cùng với việc xác nhận kết quả quá khiêm tốn của công cuộc giảm nghèo thời gian qua, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cũng đã đưa ra những giải pháp mạnh mẽ hơn, với mong muốn đưa  hiệu quả của công tác giảm nghèo đi vào thực chất. Người đứng đầu Bộ LĐTB&XH đề nghị giảm dần chính sách cho không, tăng chính sách cho vay, có thể lãi suất thấp để ngăn bệnh ỷ lại. Bởi trên thực tế, có thực trạng một bộ phận người dân ỷ lại trông chờ vào Nhà nước đã đành, còn có không ít cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các địa phương chưa thực sự giúp dân thoát nghèo bằng cái tâm. Khẳng định những chính sách giảm nghèo thời gian qua đã phát huy tác dụng thiết thực với hộ nghèo, nhưng căn cứ vào những tồn tại kéo dài trên thực tế nhiều năm qua, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, về lâu dài, chính sách hướng tới là hỗ trợ đầu tư hạ tầng, giúp cho con cái trong gia đình nghèo đi học, đào tạo nghề… Hi vọng đây sẽ là những cú hích thật mạnh để công cuộc giảm nghèo thực sự bền vững về chất, chứ không phải coi hoạt động giảm nghèo như một việc làm để các địa phương có thành tích báo cáo thường niên.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật