Trí thức đua nhau làm công nhân ở Đài Loan

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở châu Á, định nghĩa thành công là có bằng đại học và có chân trong giới “cổ cồn trắng“. Nhưng ở Đài Loan, ngày càng nhiều tiến sĩ và kỹ sư bỏ văn phòng đi làm công nhân để kiếm nhiều tiên hơn, hoặc sống thoải mái hơn.
Trí thức đua nhau làm công nhân ở Đài Loan
Làm bánh là một trong những kỹ năng phổ biến mà dân văn phòng muốn học. Ảnh: BBC

Tại Đài Loan, nhiều người đang bỏ đời sống văn phòng, tức là đi ngược với quan điểm truyền thống Á Đông về thành công.

Mặc dù Văn phòng các Vấn đề Lao động của Đài Loan không có thống kê về số người làm nghề văn phòng hoặc có bằng cấp cao chọn nghề tay chân, các trung tâm đào tạo nghề trên hòn đảo này cho biết ngày càng đông người có học vấn cao, thậm chí có cả bằng tiến sĩ, tới theo học.

"Cuộc sống hạnh phúc"

"Chúng tôi đang nhận thấy xu hướng này, có thể vì có quá nhiều người có bằng đại học trên thị trường lao động. Nhưng mọi người cũng không quá quan trọng bằng cấp nữa", Florence Kao, Chủ tịch viện Phát triển Việc làm Đài Bắc, nói. "Họ nghĩ rằng nếu có mọt cái nghề, họ cũng có thể sống hạnh phúc".

Hơn 77% dân văn phòng trả lời cuộc thăm dò trên mạng mới đây của ngân hàng địa phương Yes123 cho biết, họ sẽ sẵn sàng chuyển sang một nghề "áo xanh", ám chỉ lao động chân tay. Lý do chính là tìm việc "cổ cồn trắng" mà lại có lương cao rất khó.

Mức lương trung bình cho người mới tốt nghiệp đại học ở Đài Loan chỉ là khoảng 850 USD/tháng, tương đương mức khởi điểm của nhiều nghề tay chân, bà Kao nói. Tuy nhiên, trong khi lương cho dân văn phòng chỉ tăng lên tới nhiều nhất là 1.000 USD sau hai năm, một số công nhân "áo xanh", đặc biệt là thợ sửa ống nước và thợ điện, có thể kiếm tới 2.000 USD cũng sau bằng ấy thời gian.

Tính cả lạm phát, mức lương thực tế của người Đài Loan hiện nay thấp hơn mức họ có được cách đây 16 năm. Điều này đặc biệt gây thất vọng cho những người dành tiền và thời gian để học cao hơn. Trong khi đó, nhiều người "cổ cồn trắng" không được trả lương theo giờ, họ phải làm xong việc dù nó có lâu đến bao nhiêu đi nữa, mà không được trả thêm tiền.

Các yếu tố này đang dẫn đến việc nhiều thanh niên phớt lờ kỳ vọng của cha mẹ họ về một nghề êm ái trong văn phòng máy lạnh, để đánh giá lại ý nghĩa thực sự của hạnh phúc nghề nghiệp.

Truyền thông địa phương mới đây đưa tin về những người học cao làm nghề tay chân, ví dụ như một tiến sĩ bán gà rán kiếm sống. Có một làn sóng thanh niên Đài Loan đến Australia để nhận lương cao khi làm việc trong các trại chăn cừu và vườn cây ăn quả. Một số người khác gom góp tiền tích cóp được và vay tiền cha mẹ để mở tiệm ăn bên bờ biển, chọn mặc quần bơi thay vì complê và cravat.

Từ bỏ ảo vọng

Đeo găng tay đầy dầu xe máy, Sam Wei, 28 tuổi, trông hoàn toàn khác với chính anh cách đây một năm. Anh bỏ nghề kỹ sư tại một công ty công nghệ cao để làm việc cho tiệm sửa xe máy của cha. Wei không hối tiếc về quyết định này, dù anh có bằng thạc sĩ ngành kỹ thuật.

"Tôi có rất nhiều kỳ vọng khi tham gia lực lượng lao động sau khi tốt nghiệp; tôi muốn học nhiều thứ, nhưng thời gian làm việc dài và mức thu nhập lại thấp hơn so với những thứ tôi đầu tư vào công việc", Wei nói. "Đó là lúc tôi quyết định bỏ việc công nghệ cao và trở về làm việc trong tiệm sửa xe máy của cha. Và cha tôi lúc đó đang gần đến tuổi nghỉ hưu".

Thuyết phục cha không khó, nhưng mẹ anh phản đối kịch liệt. "Mẹ tôi nghĩ đó thật là một sự phí phạm lớn vì tôi có bằng thạc sĩ kia mà", Wei nói.

Bạn bè đại học của anh cũng bị sốc. "Hầu hết mọi người nghĩ loại nghề này là bẩn thỉu và chỉ do những người không học hành làm. Nhưng tôi nghĩ điều đó không đúng, nó cần rất nhiều kỹ năng và tôi đang học được rất nhiều", Wei nói và cho biết anh dự định tiếp quản cơ nghiệp của cha.

Ông Chen từng có 40 nhân viên dưới quyền khi làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ảnh:BBC

Nicky Chen, 50 tuổi, từng là lãnh đạo cơ quan công nghệ thông tin của một quận, với 40 người làm việc dưới quyền. Ông hiện là thợ điện kiêm sửa ống nước, và kiếm được số tiền bằng một phần ba tiền lương của ông trước đây. Khi quận đổi lãnh đạo, ông bỗng thất nghiệp và không thể tìm được việc cùng lĩnh vực do tuổi đã cao. Không mở được doanh nghiệp, ông quyết định học lấy một nghề.

Vì chưa có kinh nghiệm, ông Chen học để kiếm ba chứng chỉ trong vòng 4 tháng về ngành điện, sửa ống nước và gas. Công việc còn bao gồm cả sửa toilet.

"Tôi xấu hổ đến nỗi ban đầu không dám để bạn bè và người thân biết. Trước đây, tôi là người ra lệnh cho người khác làm, còn bây giờ tôi phải tự làm và xử lý từng nhiệm vụ nhỏ một", ông Chen nói.

"Tôi từng đau khổ, nghĩ mình đạt được thật nhiều thứ, giành rất nhiều giải thưởng, và học vấn cao, vậy vì sao mình lại đang làm việc này? Giờ thì tôi nghĩ đó là công việc tốt.

Tại sao tôi không thể làm chỉ vì tôi có bằng thạc sĩ chứ? Tôi có cảm giác thỏ‌a mã‌n khi giúp đỡ mọi người sửa chữa đồ. Họ vui, tôi vui, thế là đủ với tôi", ông nói.

Làm việc chân tay thấy hạnh phúc

Nướng bánh và nấu ăn là một trong những kỹ năng nghề phổ biến hơn đối với dân văn phòng. Ngoài ra còn có sửa chữa đồ viễn thông, mà theo bà Kao là một sự chuyển tiếp tự nhiên, vì họ thân quen với máy tính và các dụng cụ văn phòng.

Chính quyền bị chỉ trích công khai vì không làm đủ mạnh để thúc đẩy kinh tế và tạo ra những công việc tốt, đặc biệt là cho những người mới tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên bà Kao coi xu hướng khám phá công việc chân tay là một điều tốt.

"Quan điểm của người Hoa rất coi trọng việc học, nhưng nếu nghĩ cho kỹ, bạn sẽ thấy rằng mọi thứ chúng ta cần hàng ngày đều do các công nhân "áo xanh" làm ra, khi bạn đi làm, con đường bạn đi, phương tiện giao thông bạn lái, tất cả đều do công nhân cung cấp. Vì vậy quan điểm của mọi người đang dần thay đổi, chúng ta bắt đầu thấy có nhiều ông bố bà mẹ sẵn sàng cho con học nghề hơn", bà Kao nói.

Tsai, từng là chuyên gia tài chính, giờ thích công việc mátxa. Ảnh: BBC

Tim Tsai, 29 tuổi, từng mặc complê tới công sở mỗi ngày, với tư cách cố vấn đầu tư tại một ngân hàng. Bây giờ, anh mặc đồng phục của nhân viên mátxa. Anh thích giúp mọi người giải tỏa căng thẳng. Anh cho rằng điều này ý nghĩa hơn việc cố gắng thuyết phục khách hàng của ngân hàng đầu tư vào một nền kinh tế toàn cầu không chắc chắn, để anh có thể kiếm hoa hồng và làm nhà băng vui.

Anh làm khối lượng công việc tương đương trước đây, nhưng trong nhiều giờ hơn. Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của gia đình, anh tin rằng mình đã có quyết định đúng.

"Tôi không cảm thấy có đam mê đối với công việc trước. Tôi luôn nghĩ đến chuyện bỏ việc", Tsai nói. "Kể từ khi tôi bắt đầu mátxa cho mọi người, tôi thấy đây là một nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng, nó có thể giúp rất nhiều người, thậm chí chữa một số bệnh".

Nếu môi trường dành cho nhân viên văn phòng ở Đài Loan không cải thiện, nhiều người có thể sẽ nối gót Tsai và tìm những lựa chọn khác, thậm chí cả những nghề ít ai nghĩ đến.

Cha mẹ anh, người yêu và bạn bè giờ thấy vui vì Tsai tìm được công việc anh thích. "Nhờ có trải nghiệm này, tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là làm điều bạn thích và bạn đam mê nó", Tsai nói. "Như thế, bạn sẽ không thấy mệt mỏi và lúc tỉnh dậy mỗi ngày, nghĩ về việc đi làm, bạn thấy hạnh phúc".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật