Nhà giàu Mỹ bớt vung tay

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Joseph DiRenzo, một cựu giám đốc quỹ đầu tư sống tại Long Island (New York), đang rao bán căn biệt thự sang trọng để tìm một ngôi nhà nhỏ và rẻ hơn.
Nhà giàu Mỹ bớt vung tay
Người giàu Mỹ bắt đầu hạn chế sắm những mặt hàng xa xỉ như quần áo hàng hiệu. Ảnh: AP

Anh cũng tính đến chuyện mua một chiếc xe động cơ "lai" tiết kiệm nhiên liệu thay hai chiếc Mercedes bỏ xó trong gara. Gần đây anh cũng đã ít đi xe hơn trước nhiều.

Theo Hãng tin AP, có nhiều dấu hiệu cho thấy ngay cả những nhà giàu tại Mỹ giờ cũng đang cảm nhận rõ sức ép của sự suy thoái kinh tế. Họ đầu tư một cách cẩn trọng hơn, ít chi tiêu mua sắm các thứ hàng xa xỉ, và tiết kiệm hơn khi sử dụng thẻ tín dụng. Thay vì sẵn sàng vung tay quá trán, giờ khi mua sắm hay đi lại, họ đòi hỏi những dịch vụ có giá cả hợp lý nhất.

"Nền kinh tế đang trì trệ, tất cả mọi người, mọi nơi đều cảm thấy điều đó” - DiRenzo, 38 tuổi, hiện đang hoạt động trong lĩnh vực địa ốc, ca cẩm. So với người bình thường, cuộc sống của gia đình anh cực kỳ phong lưu. Anh sở hữu một căn biệt thự rộng gần 900m2, có sáu phòng ngủ, bảy phòng tắm, cửa gỗ Ý, hệ thống âm thanh và an ninh công nghệ cao. Giá hiện tại của căn nhà rất cao, khoảng 7 triệu USD, dù giá trị của nó đã bị giảm khoảng 2 triệu USD so với năm ngoái do tình trạng kinh tế.

Justin Sullivan, đại diện công ty cung cấp dịch vụ bay cá nhân tại Andover, bang Massachusetts, cho biết hiện tại nhiều khách hàng công ty thay vì mua những suất ăn giá tới 50USD trên máy bay, giờ thường mua đồ ăn ở các cửa hàng trên đường ra sân bay với giá rẻ hơn. Trevor Gilman, phi công các chuyến bay cá nhân, cho biết năm nay các chuyến bay của hãng chỉ bằng nửa quãng đường so với năm ngoái do nhiều khách hàng chọn các chuyến bay thông thường. Công ty đã phải giảm số lượng nhân viên phục vụ các chuyến bay.

Theo khảo sát trên toàn quốc mới đây của Hãng nghiên cứu thị trường Unity Marketing (UM), mức chi tiêu của giới nhà giàu cho hàng hóa xa xỉ đã giảm 20% so với năm ngoái. Phần lớn trong số hơn 1.000 người có thu nhập trên 200.000 USD/năm cho biết họ sẽ chi tiêu cho hàng xa xỉ ít đi so với năm ngoái. Chủ tịch UM Pam Danziger cho biết năm 2007 tỉ lệ sụt giảm chỉ 4%, nhưng năm nay sẽ còn tiếp tục giảm hơn nữa so với mức 20%, đặc biệt đối với những mặt hàng như túi xách và quần áo hàng hiệu. Ông Danziger cũng dự báo thị trường hàng hóa xa xỉ sẽ trầm lắng trong năm năm tới.

Tuy nhiên, dù giới nhà giàu Mỹ cũng đang phải chịu đựng thì hầu hết đều có khả năng tài chính tốt hơn nhiều so với người bình thường để có thể vượt qua thời kỳ khó khăn này. DiRenzo cho biết anh sẵn sàng không bán nhà để chờ đến khi giá nhà tăng lên. Ngược lại, hàng triệu người Mỹ có nhà bị thu hồi do không thể trả nợ thì không có sự lựa chọn dễ dàng như thế.

 

Thích nghi với thời xăng dầu tăng giá

Đối với Mỹ, nước tiêu thụ gần 1/4 sản lượng năng lượng của thế giới, cuộc khủng hoảng giá xăng dầu đang là gánh nặng đè lên cả quốc gia và từng gia đình.

Khi giá xăng lên tới 4 USD/gallon (tương đương 3,78 lít), 16 bang tại Mỹ đã quyết định áp dụng chế độ đi học mỗi tuần bốn ngày tại khoảng 100 trường ở vùng nông thôn để giảm bớt chi phí xe cộ đưa đón học sinh. Người dân Mỹ cũng cắt giảm mạnh việc sử dụng ôtô.

Các nhà quy hoạch đô thị Mỹ cũng tính đến việc xây dựng những khu đô thị mới dọc các xa lộ và các tuyến đường sắt để tiết kiệm chi phí đi lại. Mô hình phát triển của thành phố Sacramento, thủ phủ bang California, đang được coi là "chiến lược tăng trưởng thông minh" của đô thị tương lai. Những năm 1990, Sacramento tràn ngập các dự án phát triển với hàng loạt khu phố mới cùng những biệt thự và nhà liền kề nằm cách xa trung tâm. Hậu quả của tình trạng phát triển dàn trải này là hoạt động giao thông tăng vọt, số lượng xe cộ đi lại tăng 66% từ 1990-2003. Năm 2000, Sacramento bị xếp là thành phố ô nhiễm thứ 11 ở Mỹ, mặc dù về số dân chỉ đứng thứ 24 trên cả nước.

Trước thực trạng này, năm 2004 chính quyền Sacramento đã thông qua "Kế hoạch tăng trưởng đến năm 2050", theo đó tập trung phát triển một số khu vực có mật độ xây dựng cao, nhấn mạnh mục tiêu nhà ở phải gần công sở nhằm giảm bớt khoảng cách đi lại cho cư dân. Những khu chung cư mới xây trong thành phố có đặc điểm gắn kết các dịch vụ, mua sắm, giải trí, y tế và giáo dục, thuận tiện cho người dân tiếp cận phương tiện giao thông công cộng.

Mục tiêu là đến năm 2035, Sacramento sẽ giảm 8% lượng thời gian các gia đình sử dụng xe cộ, và giảm 12% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức năm 2005. Một số nhóm tư vấn ở Mỹ đang vận động để ứng dụng phương pháp trong đề án phát triển đô thị của Sacramento vào luật giao thông liên bang, sẽ được Quốc hội Mỹ bàn thảo trong năm 2009.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật