Trung Quốc: Vụ án đảng viên bị đánh đến chết

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 17-9, Tòa án TP Cù Châu, tỉnh Triết Giang (Trung Quốc) đưa ra xét xử vụ án tr‌a tấ‌n đảng viên đến chết. Vụ án gây chấn động Trung Quốc thời gian qua.
Trung Quốc: Vụ án đảng viên bị đánh đến chết
Ông Ư Kỳ Nhất lúc còn sống. Ảnh: ASIA ONE

Năm trong sáu bị cáo là cán bộ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng, bị cáo còn lại là cán bộ cơ quan công tố địa phương. Sáu người này bị truy tố tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, hình phạt tối đa cho tội danh này là t‌ử hìn‌h.

Ông Ư Kỳ Nhất, 42 tuổi, là một kỹ sư trưởng làm việc tại Công ty Đầu tư Công nghiệp Ôn Châu thuộc sở hữu nhà nước, vào Đảng cộn‌g sả‌n Trung Quốc từ năm 1998. Ngày 1-3, ông Ư Kỳ Nhất bị các cán bộ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ập đến đưa đi chịu “song quy” khi vừa từ Bắc Kinh trở về Ôn Châu, chỉ kịp gọi điện thoại tiếng được tiếng mất cho vợ. “Song quy” là quá trình đảng viên nghi ngờ có vi phạm kỷ luật đảng bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng giam giữ điều tra kỷ luật nội bộ, nếu kết luận khẳng định có vi phạm, đảng viên sẽ bị chuyển cho cơ quan tư pháp truy tố.

Vào thời điểm phải chịu “song quy”, đường công danh của ông Ư Kỳ Nhất đang rất thuận lợi, chuẩn bị được thăng chức, chuyển công tác về thủ đô Bắc Kinh.

Nhấn đầu xuống xô nước đá

Theo báo Beijing Times (Thời báo Bắc Kinh), lý do ông Ư Kỳ Nhất bị đưa đi chịu “song quy” chưa được làm rõ, tuy nhiên có nghi ngờ ông tham nhũng liên quan đến một giao dịch đất đai, điều tra chưa có kết luận.

Ông Ư Kỳ Nhất chịu “song quy” tại một nơi giam giữ không được tiết lộ ở TP Ôn Châu và chết vào ngày 9-4, ngày thứ 38 chịu “song quy”. Theo cáo trạng, trong đêm thẩm vấn 8-4, ông Ư Kỳ Nhất bị lột trầ‌ּn tru‌ּồng, liên tục bị nhấn đầu xuống xô nước đá lạnh trong khi ông cố hết sức vùng vẫy, la hét. Các cán bộ điều tra chỉ ngừng lại khi ông không còn vùng vẫy được nữa. Ông được đưa vào bệnh viện nhưng chết sau đó vài giờ. Cái chết ban đầu được mô tả là tai nạn. Tuy nhiên, theo bản sao kết quả điều tra cái chết của ông Ư Kỳ Nhất mà Thời báo Bắc Kinh có được, ông này chết vì phổi ngưng hoạt động do ngạt nước, nói cách khác là bị chết đuối. Ngoài ra, th‌i th‌ể còn có nhiều vết sẹo như do đầu thu‌ốc l‌á cháy dở gây ra. Ngày 20-4, sáu cán bộ liên quan bị bắt.

Thời báo Bắc Kinh dẫn lời vợ nghi phạm là bà Ngô Thiện nói rằng trước thời gian “song quy”, chồng bà vốn rất khỏe mạnh, tuy nhiên nhìn rất ốm vào thời điểm chết, thân thể đầy vết bầm đen. Bà khẳng định chồng có nhiều vết thương vừa bên ngoài vừa bên trong, căn cứ vào thương tích có thể nhận thấy bên cạnh bị trấn nước, chồng bà còn bị đánh đập, bỏ đói và chịu nhiều hình thức tr‌a tấ‌n khác.

Phiên tòa “kỳ lạ”

Phiên tòa xét xử sáu cán bộ liên quan cái chết ông Ư Kỳ Nhất diễn ra khá kỳ lạ khi các luật sư đại diện gia đình nạn nhân không được tham gia. Tham gia phiên tòa chỉ có ba thân nhân nạn nhân.

Luật sư Bộc Chí Cường cáo buộc đây là phiên tòa trá hình, vì diễn ra trôi chảy như đã được sắp đặt trước, không chút kịch tính bất ngờ nào. Ông cho biết ông và gia đình nạn nhân đã không được xem hồ sơ vụ việc, tất cả những gì đến giờ họ được xem chỉ là bản cáo trạng của tòa. Luật sư Tứ Vị Khương cáo buộc tòa cố tình giữ kín thông tin khi không cho phép luật sư sao lại các chứng cứ vụ việc.

Việc tòa không cho luật sư đại diện gia đình ông Ư Kỳ Nhất tham gia phiên xử đã làm chính luật sư đại diện một trong sáu bị cáo bất mãn. Phát biểu trên mạng xã hội Sina Weibo của Trung Quốc, luật sư Xích Tô Thịnh - đại diện bị cáo Lý Tương bất bình: Đây là lần đầu tiên bà thấy có một phiên tòa kỳ lạ đến thế khi luật sư bị đuổi khỏi phòng xử. Bà cho biết rất không hài lòng quyết định của tòa án vì khách hàng của bà muốn nhân cơ hội này nói lời xin lỗi gia đình ông Ư Kỳ Nhất. Bà cũng thừa nhận phiên tòa diễn ra suôn sẻ hơn nhiều khi không có luật sư đại diện nạn nhân.

Khai trước tòa, một trong các bị cáo cho biết kỹ thuật thẩm vấn tr‌a tấ‌n trấn nước ông Ư Kỳ Nhất đã được cấp trên phê chuẩn trước khi họ áp dụng. Chính cấp trên này sau khi xảy ra sự việc đã chỉ đạo các bị cáo khai giống nhau và chỉ nhận lãnh trách nhiệm về mình.

Nhận định về chi tiết này, luật sư Bộc Chí Cường cho rằng sáu bị cáo chỉ là vật thế thân, nhiều quan chức cấp cao nữa của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông Ư Kỳ Nhất.

Trình bày với hãng tin Reuters (Mỹ) sau phiên xử ngày 17-9, người vợ Ngô Thiện cũng cho rằng vụ việc này đã được bao che. Bà cáo buộc tòa án chủ ý che giấu sự thật và che chắn các nhân vật thật sự đứng đằng sau cái chết của chồng, vì tòa cấm các câu hỏi dạng “ai đứng đằng sau vụ điều tra ông Ư Kỳ Nhất?”.

Ra tòa là điều hiếm hoi

Theo hãng tin AP (Mỹ), việc các cán bộ điều tra của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương bị truy tố vì sai sót dẫn đến cái chết của đối tượng chịu “song quy” như vụ ông Ư Kỳ Nhất là điều hiếm hoi khi thông tin đảng viên này, đảng viên nọ chết trong quá trình “song quy” vẫn xảy ra khá thường xuyên.

Theo đài phát thanh VOA (Mỹ), trong năm 2013, hai quan chức cấp cao Trung Quốc đã chết trong quá trình “song quy” vì nghi ngờ tham nhũng. Một là quan chức trong ngành địa chất ở tỉnh Hồ Bắc, hồi tháng 6 vì co giật sau 56 ngày “song quy”. Người thứ hai là một quan chức ngành tư pháp ở tỉnh Hà Nam, chết trong tháng 4 sau 11 ngày “song quy”. Hình ảnh từ truyền thông Trung Quốc cho thấy th‌i th‌ể cả hai đều thâm bầm.

Lý giải cho điều này, nhà nghiên cứu Maya Vương cho rằng trong quá trình “song quy”, đảng viên không được hưởng sự bảo vệ chặt như các nghi phạm ngoài đảng khi bị giam giữ. Bà Maya Vương thừa nhận thời gian gần đây chính phủ Trung Quốc đã có một số cải cách tư pháp nhưng chưa quan tâm đủ đến nâng cao an toàn cho đối tượng đảng viên trong quá trình “song quy”.

Bà Maya Vương cho rằng thực tế nghi phạm đảng viên chết trong quá trình “song quy” sẽ còn tồn tại và thậm chí tăng thêm cùng với cam kết mạnh tay với tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình mới đây. Một lý do nữa để tin vào khả năng này, theo bà, không giống các nghi phạm ngoài đảng có thể dễ dàng tố cáo một khi mình bị tr‌a tấ‌n trong quá trình tạm giam, các nghi phạm đảng viên sau khi trải qua quá trình “song quy” thường không muốn tiết lộ điều này.

Theo hãng tin AP (Mỹ), địa điểm được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Đảng lựa chọn để thực hiện quá trình “song quy” thường là các khách sạn, nhà khách. Trong thời gian này, đảng viên chịu “song quy” không được tiếp xúc với bên ngoài, không còn quyền lực, bị canh giữ cẩn mật, luôn bị theo sát trong mọi hành động, kể cả khi đi vệ sinh. Chi tiết quá trình “song quy” không được công khai dư luận.

Nếu kết quả điều tra cho thấy đảng viên chịu “song quy” có vi phạm, các cán bộ điều tra của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương sẽ tiến hành chuyển đối tượng cùng chứng cứ đến cơ quan tư pháp để truy tố ra tòa. Năm 2012 đã có khoảng 160.000 đảng viên bị “song quy”.

Ra đời năm 1990, “song quy” được xem như một công cụ hữu hiệu trong cuộc chiến chống tham nhũng của chính phủ. Dù thế, “song quy” lâu nay cũng bị chỉ trích bị lạ‌m dụn‌g quá mức, có quá nhiều bất cập, xâm phạm quyền lợi của đảng viên. Các bất cập có thể dễ dàng nhìn thấy là thời gian “song quy” không được quy định cụ thể, dài ngắn tùy vào cán bộ điều tra, không có tiêu chuẩn áp dụng “song quy” cho những mức vi phạm kỷ luật thế nào… Đặc biệt, so với đối tượng ngoài đảng, đảng viên bị “song quy” không có quyền có luật sư khi bị chuyển tới cơ quan tư pháp truy tố - đó cũng là lý do tại sao các luật sư gia đình ông Ư Kỳ Nhất thuê đại diện không được tham gia phiên tòa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật