Đến thăm xứ sở địa nhiệt thần tiên Rotorua

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đến New Zealand, nếu chưa xuống được đảo Nam để chiêm ngưỡng những kỳ thú thiên nhiên hùng vĩ thì hãy đến Rotorua ở đảo Bắc bởi đây là cái nôi văn hóa của thổ dân Maori và của đất nước mang tên “vùng đất của những dải mây trắng dài”.
Đến thăm xứ sở địa nhiệt thần tiên Rotorua
Rotorua

Đảo Bắc hay còn gọi là đảo bốc khói, nằm bên trung tâm quần đảo New Zealand, bao năm qua suối nước nóng ở đây luôn hấp dẫn vô số du khách. Đây là một vùng rực rỡ với những hồ nước nóng luôn sôi sục. Hoành tráng hơn nữa, ở phía nam Rotorua là công viên Tongariro với những núi lửa hoạt động mạnh nhất thế giới. Đợt phun cuối cùng của ngọn Ruapehu, một trong ba núi lửa lớn của công viên này, là vào năm 1996.

Với đặc điểm kiến tạo đặc biệt, Đảo Bắc Rotorua từng được ví như “nồi hơi của phù thủy”, dưới lòng đất hoạt động địa chất vẫn sôi sục, là nguyên nhân của các trận động đất cũng như phun nham thạch của núi lửa. Song cũng chính nhờ những hoạt động tích cực ấy mà Rotorua không thiếu những “trò chơi thiên nhiên kỳ thú” như suối nước nóng, những cột nước nóng phun lên từ dưới lòng đất hay những hố, ao bùn khoáng âm ỉ sôi ngày đêm.

Wai-O-Tapu ở Rotorua được ví như “xứ sở địa nhiệt thần tiên” với những hồ nước nóng và lạnh xen kẽ, những cột hơi nước bốc lên như mây trắng bay từ dưới lòng đất và không ít những sắc màu kỳ diệu như bảy sắc cầu vồng rực rỡ được tạo nên nhờ dioxit sillic.

Điều kỳ lạ là ở “vùng đất thiêng” Wai-O-Tapu, sau nhiều năm cây cối đã thích ứng với môi trường sống nơi đây. Cây Manuka xanh tươi, được chiết mật làm thuốc chữa phong. Cây dương xỉ màu bạc, được gọi là Pongas đã trở thành một trong những biểu tượng của New Zealand, bên cạnh chim Kiwi. Với thổ dân Maori, cây dương xỉ còn là biểu tượng cội nguồn sự sống, trong khi chồi non của cây thể hiện sức mạnh và sự phát triển mãnh liệt trong tương lai.

Du khách có thể lang thang trong khuôn viên Wai-O-Tapu, song chỉ được đi trên những con đường định sẵn, bởi chỉ cần sơ sảy một chút là có thể bị bỏng vì sa chân vào những khu vực nước hoặc bùn nóng đến hơn 100 độ.

Trong khi người Maori chiếm khoảng 16% dân số New Zealand thì dân số Rotorua có 30% là người Maori. Thổ dân Maori thuộc tộc người Polynesian ở Thái Bình Dương là những người đầu tiên phát hiện ra New Zealand vào khoảng những năm 1280 và Rotorua được xem là cái nôi văn hóa của thổ dân này.
Đến năm 2004, người Maori sống phân tán nhiều nhất trong lịch sử. Một số vẫn sống theo các vùng bộ lạc truyền thống, một số khác sống ở bất kỳ nơi đâu, thường ở những trung tâm đô thị lớn với 64%, chỉ 16% sống ở nông thôn. Ngoài ra khoảng 70.000 người Maori sống ở Australia và 10.000 người ở Anh.

Giống như những khu vực khác ở Rotorua, hàng trăm năm qua, người Maori ở làng Whakarewarewa của thành phố này cũng đã sinh sống và làm việc trong cảnh thiên nhiên kỳ thú nhưng mạo hiểm của địa nhiệt và núi lửa. Họ quen dùng nước nóng nầu cơm, giặt giữ sưởi ấm, suối nước nóng còn có công năng chữa bệnh, nhất là bệnh viêm khớp, phong thấp…

Địa nhiệt là nguồn lợi tự nhiên vô cùng quý giá mà người dân Maori coi là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày của họ. Nếu có một cột phun hơi nước nóng hoặc hồ nước nóng nào đó bùng phát, họ sẽ không coi đó là một điều bất thường, chúng đều là một phần lịch sử không thể tách rời của người Maori. Từ nguồn lợi tự nhiên vô cùng quý giá người dân Maori đã tận dụng triệt để cơ hội để làm du lịch, giới thiệu với du khách về “thế giới thần tiên địa nhiệt tự nhiên” và cũng để đưa văn hóa Maori ra thế giới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật