Thực hư về món hời từ cây thuốc độc gia truyền

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đã từ lâu người ta thường truyền tai nhau những câu chuyện huyền bí về tỉnh Bắc Kạn có một loại cây thuốc độc, nhà nào đã trồng nó thì mỗi năm phải lấy đi một mạng người ngoài thiên hạ, như vậy mới đem lại may mắn cho gia đình và tránh được cái chết cho người trong gia đình, họ tộc của mình.
Thực hư về món hời từ cây thuốc độc gia truyền
Cây chữa thuốc độc.
Cây thuốc độc giống như một bí kíp gia truyền mà người ngoài không thể nhìn thấy vì họ trồng trên gác bếp. Cây không cần phải tưới nước, chỉ ăn bồ hóng (khói và bụi bám vào) là cây sống tươi tốt. Đây cũng là mối e ngại cho rất nhiều người trong vùng cũng như những người nơi khác tới làm ăn.
Nhưng gần đây, cây thuốc độc đã được thương mại hóa, trở thành món hời cho những kẻ chuyên đi môi giới để tìm ra thầy thuốc chữa được cho người “lỡ” ăn phải thứ thuốc độc chết người này.
Những lời đồn thổi về cây thuốc độc đem lại may mắn
Những đám cưới, đám ma hay ngày lễ nào đó trong năm, những nơi ăn uống đông người… đều là cơ hội tốt cho những người rắp tâm bỏ lá thuốc độc vào món ăn (thường thì họ hay bỏ vào chén rượu nhiều hơn vì ít bị phát hiện, họ dùng móng tay dài bấm vào lá độc, nhựa lá độc sẽ lưu lại móng tay, ai sơ ý là họ nhúng nhẹ móng tay vào chén rượu – PV), người nào ăn phải ngay sau đó đều không có cảm giác gì.
Họ còn truyền tai nhau, nếu như bị bỏ độc vào ngày mùng 1 và ngày rằm thì về nhà sẽ chết ngay, nếu bị bỏ độc vào ngày mùng 3 thì 3 ngày sau sẽ chết. Người nào bị nhẹ thì khoảng 1 đến 2 tuần sau đó sẽ cảm thấy mệt mỏi, sau vài tháng sẽ kiệt sức mà chết, không ai có thể phát hiện ra bệnh gì. Những câu chuyện kỳ bí như vậy cứ thế được lan truyền từ đời nọ sang đời kia, khiến hàng xóm cũng phải dè chừng nhau.
Người ta còn truyền tai nhau rằng: Ngày trước, rất nhiều xã trong tỉnh Bắc Kạn có cây thuốc độc, nhà nào có đều ăn nên làm ra nhờ có cây thuốc phù hộ bởi cây thuốc độc lấy đi hết rủi ro, đem điều may mắn tới.
Nếu nhà nào không chăm sóc cẩn thận, để cây chết, gia đình nhà đó sẽ không còn may mắn nữa, thậm chí cả nhà sẽ bị chết. Đây cũng là hủ tục có từ rất lâu nên nhiều khi chính quyền xã cũng loay hoay trong việc tìm cách tuyên truyền như thế nào để người dân nhận thức một cách đầy đủ và phá bỏ “cây thuốc gia truyền”.
Ông Hà Ngọc Lạch - Chủ tịch xã Tú Trĩ cho biết: “Ngày trước, do những hủ tục lạc hậu, một số người dân cho rằng phải có một “bảo bối gia truyền” nên cố gắng trồng thứ cây độc đó, họ mê muội đến mức giết hại người khác mà không hiểu rằng đó là tội ác.
Nhưng giờ nhiều người đã hiểu biết hơn khi được các cấp chính quyền sở tại tuyên truyền, giáo dục, họ đã thông suốt và không còn trồng cây đó để hại người nữa. Mới đầu, chỉ một vài người bỏ, những nhà khác thấy nhà đó chẳng gặp p hải điều gì rủi ro cả nên dần dần họ đã bỏ hết”.
Ông Lạch cho biết thêm: “Ở xã này lâu lắm rồi chưa thấy ai nói về người chết bị bỏ độc, có lẽ họ đã hiểu biết hơn”. Khi nghe chúng tôi hỏi về xã Hương Nê, huyện Ngân Sơn, được biết là tại đây vẫn còn một vài nhà trồng cây thuốc độc, ông lắc đầu vẻ thất vọng: “Tôi cũng có nghe nói nhưng ở nhà nào thì cũng chịu, có những người còn ngại va chạm và cũng sợ mang họa vào thân nên biết cũng không dám can thiệp, bởi vậy chính quyền rất khó khăn trong việc vận động.”
Xã Hương Nê cách trung tâm tỉnh Bắc Kạn gần 40 cây số, có nhiều khúc cua tay áo khiến chúng tôi nôn nao cả đoạn đường. Đường khó đi, xe chạy cả tiếng đồng hồ mới tới nơi, trong lòng tôi dâng lên một cảm xúc khó tả. Những gương mặt quá đỗi thuần khiết của người dân nơi đây khiến tôi không thể nghĩ họ có thể ra tay sát hại ai cả.
Ông Hoàng Văn Tuất - Chủ tịch xã Hương Nê cho hay: “Thực ra cũng chỉ nghe họ nói, nhưng không biết chính xác nhà ai trồng cả. Chúng tôi cũng được sự chỉ đạo của lãnh đạo phải phá bỏ được hủ tục nhưng việc này không hề đơn giản, một sớm một chiều có thể làm được mà phải cần có thời gian vận động, tuyên truyền mới mong người dân từ bỏ hẳn”.
Cây thuốc độc đem lại nguồn lợi lớn cho nhưng kẻ bất nhân
Giờ những nhà có cây thuốc độc không phải vì lời nguyền của tổ tiên để lại - phải giữ cho được giống cây thuốc này mà nhiều người đã biết cách kiếm lời từ cây thuốc đó bằng cách kết giao với những người chuyên đi tiếp cận với những ai ăn phải cây thuốc độc. Sau đó họ sẽ chỉ giúp tới thầy thuốc để chữa bệnh với những mức giá tùy thuộc vào khả năng kinh tế của gia chủ mà họ biết được. Gặp nhà khá giả, họ sẽ thét mức giá giải độc lên đến tiền triệu…
Anh Triệu Tài Phẩy một hôm đi đám cưới người quen, nghi mình bị bỏ độc, buồn rầu kể cho mấy người bạn biết chuyện. Mấy hôm sau, có người tới và tự giới thiệu tên là Khuông, hứa sẽ chỉ giúp tới ông thầy có thể giải độc. Anh Phẩy vui mừng như bắt được của, sáng hôm cùng người đàn ông đó lặn lội tới nhà ông thầy.
Tại đây, ông thầy vạch mắt, bắt anh há miệng rồi lẳng lặng ra bụi cây nhỏ, nhổ một cây rửa sạch củ và lá, bảo nhai rồi nuốt luôn. Xong, thầy bảo tiền công tùy tâm. Anh Phẩy rút ra 200 ngàn đặt lên bàn rồi xin phép ra về.
Vừa được vài bước chân, người đàn ông đã dẫn anh chạy theo và bảo: “Ông tưởng cây thuốc dễ kiếm lắm sao? Trả thêm cho họ nữa đi”. Anh đành móc nốt trăm rưỡi trong túi ra đưa và nói lời xin lỗi vì không chuẩn bị trước.
Tương tự như vậy, anh Hoàng Văn Tài đi ăn cỗ đám hỏi cô cháu ở huyện Ngân Sơn, khi ra về cũng “linh cảm” thấy mình bị bỏ độc vội nhờ hết người này đến người khác chỉ giúp người lấy thuốc, rồi anh cũng được một người đàn ông dẫn đi gặp thầy thuốc. Do có điều kiện kinh tế nên anh đã bỏ 2 triệu đồng để mua vài cái lá.
Chị Ma Thị Hiền, ở xã Bằng Vân, đến nhà người bạn ăn đầy tháng cho con, khi đi về cũng “cảm thấy” trong người bất an nên vội nhờ người đi tìm thầy và phải đổi bằng con lợn mấy chục cân để lấy mấy cái lá giải độc.
Anh Ma Văn Thưởng cho biết: “Với tâm lý chung của mọi người, nhất là những ai “yếu bóng vía”, cộng với những lời đồn thổi nên cứ có dịp đi ăn đám ở đâu là lo bị bỏ độc rồi nghĩ ngợi lung tung, có khi mất tiền oan”.
Anh cũng cho rằng, cây thuốc độc có còn tồn tại hay không thì không ai dám khẳng định nhưng chắc chắn, những kẻ xuất hiện kịp thời để mách chỗ cho họ tới “giải độc” là những kẻ lợi dụng sự thiếu hiểu biết để trục lợi bất chính, người dân bị móc túi nhưng không biết mà vẫn phải mang ơn.
Anh cũng cho biết: “Còn có một loại lá để thử độc, nếu như uống, ăn phải nhựa cây độc khi nhai vài lá này vào sẽ lập tức nôn ra ngay. Những loại cây thử độc và chữa độc, nếu biết có thể xin được, không đến mức độ phải bỏ một số tiền như vậy”.
Được anh dẫn đi xem những cây thuốc chữa và cây thử thuốc độc, tôi thấy những cây này rất quen nhưng không nhớ là cây gì. Anh cho biết cây này rất khó trồng nên nhà nào biết tác dụng của nó thì họ rất giữ, tuy nhiên nếu ai bị độc thì họ vẫn cho. Chỉ có điều những người bị bỏ độc lại lo sợ và họ đã phải tìm đến kẻ môi giới…
Về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Đường - Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các cấp cơ sở phải thật quyết liệt, không thể để những hủ tục này tồn tại, gây nhiều bức xúc và hoang mang cho dư luận”.
“Nếu bạn không muốn bị ai đó bỏ độc vào thức ăn thì bạn hãy để vài quả ớt tươi trước mặt…, họ sẽ không dám bỏ thuốc độc cho bạn bởi thứ thuốc đó rất kị với ớt cay. Khi bạn ăn ớt mà ăn phải thuốc đó, bạn sẽ t‌ử von‌g ngay tại chỗ… Họ sợ bị phát hiện ra là người bỏ độc”. Đây chính là lời của một người bạn quê ở Bắc Kạn đã rỉ tai tôi. Tuy không mấy tin nhưng nó cũng khiến tôi sởn da gà khi có một loạt dẫn chứng được cô bạn đưa ra.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật