Đẩy nhanh “tái cơ cấu”, tạo đà phát triển

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong 2 ngày 27-28/8, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục khẳng định phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đã đề ra.
Đẩy nhanh “tái cơ cấu”, tạo đà phát triển
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8. Ảnh: VGP

Không chủ quan trong lãnh đạo, điều hành

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ thống nhất trong 8 tháng đầu năm, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Nhờ đó, nền kinh tế có tăng trưởng tốt, tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực. CPI tháng 8 tăng 7,5% - “tăng vọt” so các tháng trước do chính sách tiền tệ và giá cả, có việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại TP.Hà Nội.

Các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm. Cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chuyển biến chậm. Một số vấn đề xã hội còn gây bức xúc. Đời sống của hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Trong những tháng cuối năm, Chính phủ kiên định mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu, giải pháp đã được đề ra từ đầu năm, trong đó giải pháp quan trọng là đẩy nhanh “tái cơ cấu” để tạo đà phát triển cho cả các kỳ sau. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, nhất quán, không chủ quan trong chỉ đạo, điều hành các giải pháp kiềm chế lạm  phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Kiên quyết thực hiện cơ chế giá thị trường theo lộ trình đối với các mặt hàng Nhà nước định giá như điện, nước, dịch vụ công về y tế, giáo dục, kiểm soát CPI năm 2013 ở mức khoảng 7%, thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy đầu tư. Tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục tăng cường quốc phòng, an ninh, sẵn sàng trong mọi tình huống để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia...

Bộ Công thương “sẽ rút kinh nghiệm” khi tăng giá điện

Tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều qua (28/8), Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, theo lộ trình tăng giá điện, có nhiều điều kiện được đặt ra, trong đó không tăng liên tục 2 lần trong 3 tháng, mức tăng 5% trở xuống thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương quyết định và sau đợt tăng giá điện “đột ngột” vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã thừa nhận “sẽ rút kinh nghiệm”.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, trước khi tăng giá điện, Bộ Công thương luôn tính đến những yếu tố kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và đảm bảo đời sống của người dân. Qua việc đánh giá tác động theo thông số đầu vào, việc tăng giá điện có tác động và làm tăng CPI trực tiếp khoảng 12%, tăng các chỉ số giá cả khoảng 0,04-0,05% tùy từng ngành hàng, trình độ công nghệ và mức độ tiêu hao điện năng. Việc kiểm toán, kiểm tra giá thành sản xuất điện là nhiệm vụ của Bộ Công thương. Trên thực tế, năm 2010, 2011, Bộ Công Thương đã thực hiện và thông báo công khai. Tháng 10/2013 sẽ có Đoàn kiểm tra liên ngành giá thành sản xuất điện của năm 2012.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng thông tin, tới đây Chính phủ khẳng định tiếp tục bao cấp tiền điện cho các hộ nghèo (bằng tiền mặt), đồng thời nghiên cứu chính sách để người dân sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện (bóng điện tiết kiệm điện). Hiện cả nước có khoảng 2% hộ nghèo sử dụng điện dưới 50 số/tháng, 14% hộ tiêu thụ dưới 100 số điện/tháng, khoảng 6-7% đối tượng là “nhà thầu điện” ở địa phương, khu công nghiệp và trạm thủy nông vẫn được bao cấp giá điện (bán dưới giá thành).

Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định đến thời điểm này, sản lượng điện của cả nước không còn phải cảnh “ăn đong” mà đã có khoảng 2% dự phòng. Từ nay đến 2015, điện nguồn không thiếu. Nhưng dự báo từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2019, có nguy cơ xảy ra thiếu điện cục bộ ở phía Nam do nhiều nguyên nhân, trong đó có giải phóng mặt bằng cho các dự án điện, nên Chính phủ đã chỉ đạo điều chỉnh sơ đồ điện 7, thêm một số trạm trên tuyến truyền tải điện Bắc – Nam, kiên quyết tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án điện ở phía Nam.

Trước câu hỏi về thông tin lương “cao ngất ngưởng” của lãnh đạo một số doanh nghiệp (DN) công ích ở TP.HCM, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, “Lương của lãnh đạo một số DN ở TP.HCM lên đến hơn 2 tỷ đồng/năm như phản ánh là không đúng qui định và thẩm quyền xử lý vấn đề này thuộc UBND các tỉnh, TP, Bộ, ngành được giao quản lý các DN đó”. Bởi theo Pháp Luật hiện hành, vấn đề lương của các viên chức nhà nước quản lý các DN cung cấp dịch vụ công được qui định rất chặt chẽ. Mức cao nhất là lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế nhà nước là 36 triệu đồng/tháng và cuối năm nếu DN có lãi có thể được tăng thêm nhưng không quá 1,5 lần.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật