Khủng hoảng gà giống đặc sản

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khi nhãn hiệu gà đồi Yên Thế bản địa đang có nguy cơ bị đánh cắp thì trên thực tế, người nuôi gà tại đây vẫn phải tự mày mò tìm kiếm những giống gà trên khắp cả nước và chấp nhận giá giống đắt gấp 3 lần...
Khủng hoảng gà giống đặc sản
Người dân xã Tiến Thắng (Yên Thế- Bắc Giang) vẫn phải mua các giống gà ở địa phương khác về nuôi.

Mò mẫm tìm gà giống

Ông Lý Văn Bảy ở thôn Tiến Bộ, xã Tiến Thắng (Yên Thế, Bắc Giang) cho biết, gia đình ông vừa đặt hàng giống gà Minh Dư từ một doanh nghiệp sản xuất gà giống ở Bình Định. “Giống gà này khi tôi nhập về đến nơi giá lên tới 17.000 đồng/con, trong khi giống gà mía tại địa phương chỉ có 5.000 đồng/con. Nhưng tôi vẫn phải đặt hàng giống gà Minh Dư bởi loại gà này chắc thịt, ít mắc dịch bệnh, và giá bán gà thịt cao hơn khoảng 20.000 đồng/kg so với gà mía bản địa”.

Cũng theo ông Bảy, hiện nay ở Yên Thế người dân chủ yếu nuôi gà mía, nhưng gà mía có nhược điểm là tốn nhiều thức ăn, hay bị dịch bệnh, trọng lượng lớn, từ 2,5 - 3,5 kg/con… Cũng có một số hộ chuyển sang nuôi giống gà chíp có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng giống gà này do vận chuyển đường dài, chưa phù hợp với khí hậu địa phương nên khi mang về thường chết nhiều.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thế, năm 2012, toàn huyện có khoảng 13 - 15 triệu con gà. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện mới có 36 hộ tham gia sản xuất giống, tức là mới đáp ứng khoảng 40-50% nhu cầu con giống của cả huyện. Chính vì giống gà khan hiếm nên một số hộ dân đã chủ động tìm đến các doanh nghiệp để đặt mua.

Ông Năng Văn Thủy, thôn Đồng Cờ, xã Tiến Thắng đang nuôi 1.000 con gà ri nhập về từ Công ty Dabaco được 2 tháng cho biết, tuy gà đồi Yên Thế đã được công nhận nhãn hiệu, nhưng do nhiều nguyên nhân như khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, nhất là do thương lái dùng các chiêu nhái nhãn hiệu gà giống, gà thương phẩm Yên Thế nên khoảng 2 năm nay, gia đình gần như không có lãi. “Chúng tôi chỉ biết chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật được hướng dẫn và kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm, chứ gà thương phẩm nhập lậu, gà giống nhập lậu, rồi thương lái nhái nhãn hiệu thì làm sao chúng tôi kiểm soát được. Biết rõ là bị ảnh hưởng, nhưng biết kêu ai?”.

Ông Thủy cho biết, mấy tháng nay ông đang nuôi thử nghiệm giống gà ri của Công ty TNHH Gà giống Dabaco. Giống này rất mạnh khoẻ, ít dịch bệnh, tiêu tốn thức ăn ít, dễ chăm sóc và trước mắt là đầu ra tương đối thuận lợi, được nhiều thương lái đặt hàng. Cũng theo ông Thủy, khi nhập giống, Công ty Dabaco còn tư vấn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ kính miễn phí để đeo cho gà đỡ đánh nhau.

Phải liên kết với doanh nghiệp

Hiện, Hội Chăn nuôi Yên Thế đang có 700 thành viên trên tổng số 27.000 hộ dân (80% số hộ dân ở đây chăn nuôi gà) và thương hiệu gà đồi Yên Thế mới chỉ được giữ gìn bởi các thành viên của Hội (gồm kiểm soát con giống đầu vào và dán tem đầu ra).

Nhằm tạo được các giống gà đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu của người nuôi, UBND huyện Yên Thế đang triển khai “Kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm gà đồi Yên Thế”.

Theo ông Lý Văn Bảy, nếu được Nhà nước hoặc doanh nghiệp đứng ra đảm bảo cung cấp giống gà chuẩn (phù hợp với điều kiện khí hậu của Yên Thế, thịt thơm ngon, ít dịch bệnh, thức ăn tốn ít...) thì chắc chắn, người dân sẽ tự tìm đến đặt hàng.

Nhưng hiện tại, do con giống không đáp ứng đủ nên bà con mới phải bắt buộc mua giống trôi nổi trên thị trường về nuôi, dù biết giống đó “5 cha, 3 mẹ”, không đảm bảo chất lượng.

“Người dân Yên Thế có vườn đồi rộng, lấy con gà làm nghề chính để phát triển kinh tế nên Nhà nước cần nghiên cứu, tạo ra một giống gà thật chuẩn, giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất, đảm bảo giữ vững thương hiệu gà đồi Yên Thế trên thị trường”- ông Bảy nói.

Ông Nguyễn Như Phán - Phó Giám đốc Công ty Dabaco cho biết, hiện công ty đã lai tạo thành công giống gà ri Dabaco, được công nhận nhãn hiệu hàng hóa, có khả năng cung cấp một số lượng giống nhất định cho các địa phương.

Tuy nhiên, hiện công ty mới đang triển khai thí điểm bằng cách hỗ trợ 10.000 con giống, kỹ thuật cho một số xã của huyện Yên Thế như Tiến Thắng, Đồng Tâm… Theo ông Phán, việc phát triển đàn gà có chất lượng ở Yên Thế nói riêng và cả nước nói chung, ngoài vai trò của các cơ quan nhà nước thì rất cần sự vào cuộc của doanh nghiệp trong khâu giống, thức ăn, thị trường tiêu thụ...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật