Petrolimex lỗ hay lãi “khủng”?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Liên tiếp tăng giá xăng dầu, nhưng lại trì hoãn giảm giá khi giá thế giới hạ nhiệt; kêu lỗ để đòi tăng giá nhưng các số liệu tài chính công khai 6 tháng đầu năm của Petrolimex lại “phản thùng” khi công bố mức lãi “khủng” ở mảng kinh doanh xăng dầu.
Petrolimex lỗ hay lãi “khủng”?
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) né câu trả lời phỏng vấn về giá xăng dầu. Ảnh: H.N

Thực chất, Petrolimex đang lỗ hay lãi? Cơ quan quản lý nhà nước vì sao “im lặng” trước những bức xúc của dư luận về giá và cơ chế điều hành xăng dầu?

Lãi, nhưng vẫn kém hiệu quả

Trả lời trước bức xúc của dư luận sau khi Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) công bố kết quả kinh doanh được cho là “lãi khủng” 6 tháng đầu năm nay, người phát ngôn của tập đoàn này - ông Trần Ngọc Năm - Phó TGĐ Petrolimex - khẳng định: Mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế 898 tỉ đồng mới chỉ đạt 45% kế hoạch chỉ tiêu lợi nhuận được nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thông qua (1.980 tỉ đồng).

Trong đó, lợi nhuận do kinh doanh xăng dầu là 388,220 tỉ đồng, theo ông Năm là thấp, chia bình quân chỉ đạt 94 đồng/lít, kg; tương ứng với khoảng 31% lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở (300 đ/lít xăng, dầu). Nếu trừ thuế, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của tập đoàn còn 687 tỉ đồng.

Điều đáng lưu ý là số lợi nhuận này là lợi nhuận hợp nhất của Cty mẹ Petrolimex và 42 Cty thành viên, Cty liên kết kinh doanh các ngành nghề khác nhau, vì vậy, nếu tính trên vốn chủ sở hữu cộng vốn của các cổ đông khác thì tỉ lệ lợi nhuận trên vốn chỉ đạt 4,7%. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, mức lợi nhuận này là thấp, kém hiệu quả, trong điều kiện ngành hàng xăng dầu do Petrolimex chiếm thị phần áp đảo (60%) thị trường.

Xăng dầu tăng giá, người dùng chịu thiệt. Ảnh: Hải Nguyễn.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, theo ông Trần Ngọc Năm, cơ chế kinh doanh xăng dầu cũng đang có vấn đề. Petrolimex đã là Cty đại chúng nên sẽ phải chịu sức ép về doanh thu, lợi nhuận, cổ tức, dù cổ đông thiểu số chỉ chiếm 4,9%, nhưng họ có quyền đòi hỏi DN không thể hoạt động như một DN công ích. Tuy nhiên với mức lợi nhuận như tính toán trên thì lợi nhuận sau thuế sau khi phân bổ vào các quỹ theo quy định thì thực chất chỉ là để bảo toàn vốn, duy trì trạng thái hoạt động bình thường của doanh nghiệp và chia cổ tức cho các cổ đông ở mức trung bình (800đ/CP).

Trong khi đó, theo cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện hành (NĐ 84), DN được quyền điều chỉnh tăng, giảm giá xăng dầu, nhưng để bình ổn giá, từ tháng 8.2010 đến nay, giá bán trong nước hoàn toàn do Bộ Tài chính quy định căn cứ vào giá cơ sở bình quân 30 ngày, Bộ Tài chính cũng quyết định việc sử dụng các công cụ bình ổn giá như giảm thuế, xả quỹ bình ổn hay tăng, giảm giá bán. Điều này dẫn tới một nghịch lý là cơ quan quản lý làm thay DN và còn làm méo mó thị trường khi tăng, giảm giá không kịp thời. DN thụ động phụ thuộc vào quyết định điều hành của cơ quan quản lý.

Né trả lời

Trong khi DN loay hoay với xử lý lỗ, lãi; cơ quan quản lý tính “nát óc” khi nào thì tăng, giảm giá xăng dầu; thì người tiêu dùng (NTD) vẫn đang phải chịu mức giá xăng dầu cao kỷ lục, chỉ có tăng mà không giảm. Lấy quy định DN phải dự trữ lưu thông 30 ngày liên tiếp nên khi quyết định tăng, giảm giá xăng dầu, Liên bộ Tài chính - Công Thương phải chờ đến khi giá bình quân cơ sở trong 30 ngày liên tiếp của các mặt hàng xăng dầu đều đồng loạt có lãi... Nghĩa là giá cơ sở bình quân 30 ngày phải thấp hơn giá bán lẻ xăng dầu.

Chiều 21.8, khi được hỏi về sự “im lặng khó hiểu” của liên bộ Tài chính - Công Thương về khả năng giảm giá xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới gần 20 ngày gần đây liên tục ở mức thấp (112-114USD/thùng), nhưng liên bộ vẫn chưa có động thái điều chỉnh giá xăng dầu. Một lãnh đạo Vụ Quản lý thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vẫn giữ quan điểm: Giá xăng đã có lãi, nhưng giá các mặt hàng dầu vẫn lỗ, nên chưa thể giảm giá. Còn lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thì tránh né trả lời phỏng vấn về giá xăng dầu.

Trên website cập nhật hằng ngày của Hiệp hội Xăng dầu VN (Vinpa) thì từ ngày 19.8, DN xăng dầu đã lãi 119đ/lít xăng 92 và 245đ/kg dầu madut. Đó là chưa kể, DN vẫn được tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu 300đ/lít. Từ đầu năm đến nay, các DN kinh doanh xăng dầu đã 4 lần tăng giá, trong đó, có lần tăng tối đa tới 1.430 đồng/lít, cao kỷ lục từ trước đến nay. Hiện, NTD đang phải trả cho 1 lít xăng bán lẻ lên tới 25.070 đồng/lít (xăng A95) và 24.570 đồng/lít (xăng A92) đối với khu vực dân cư vùng 1. Trong khi có điều kiện để hạ giá bán cho dân thì cả DN và cơ quan quản lý đều đang có dấu hiệu trì hoãn. Vì thế, NTD càng “dị ứng” với mức lãi được cho là “khủng” của “ông lớn” Petrolimex.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật