Nhìn lại vụ sập công trình kiến trúc bi thảm nhất trong lịch sử

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giữa tháng 4 vừa qua tòa nhà 8 tầng của Trung tâm Thương mại Rana Palaza ở thủ đô Dhaka của Bangladesh bất ngờ sụp xuống chôn vùi hàng ngàn người vào đúng giờ cao điểm buổi sáng.
Nhìn lại vụ sập công trình kiến trúc bi thảm nhất trong lịch sử
Siêu thị Sampoong trước khi bị sập và sau tai nạn kinh hoàng

Sau 3 tuần tìm cách cứu nạn, công việc tìm kiếm đã kết thúc với con số t‌ử von‌g kinh hoàng 1,129 người và khoảng 2.500 người bị thương. Đây là vụ sập công trình kiến trúc do lỗi xây dựng bi thảm nhất trong lịch sử loài người, bỏ xa số nạn nhân trong vụ sập đại siêu thị Sampoong ở Hàn Quốc hồi năm 1995.

Nhưng cả 2 tại nạn khủng khiếp này đều giống nhau ở một điểm: Những lỗi kỹ thuật trong thiết kế và xây dựng cùng thói tham tiền khiến những người quản lý các toà nhà này  phớt lờ những cảnh báo tai họa.

Siêu thị Sampoong được khởi công vào năm 1987 trên một khu đất vốn là bãi rác. Trước đấy, người ta dự định xây một khu chung cư 4 tầng nhưng sau đó người chủ dự án là Lee Joon, Chủ tịch tập đoàn Sampoong Group quyết định thay đổi kế hoạch ngay trong tiến trình xây dựng.

Mặc dù thiết kế chỉ có 4 tầng nhưng Lee Joon đã xây thêm một tầng nữa mà không thèm trình duyệt lại thiết kế. Ở tầng 5 ông ta quyết định lập ra 8 nhà hàng với một hệ thống đường nước nóng đi ngầm nhưng nhà thầu xây dựng chỉ ra rằng kết cấu móng cột của toà nhà không đủ sức chiụ đựng thêm một tầng lầu vì thế Lee Joon quyết định huỷ hợp đồng với họ và đưa công ty xây dựng của mình vào thi công nốt công trình.

Toà nhà được xây xong cuối năm 1989 và mở cửa vào ngày 7/7/1990 và trong 5 năm tồn tại, nó thu hút tới hơn 40.000 lượt người mỗi ngày tới đây mua sắm. Khu đại siêu thị này gồm hai cánh Nam và Bắc được nối với nhau bằng một sảnh rộng có mái che.

Vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Sampoong là đại siêu thị sang trọng và mắc tiền nhất ở Seoul, là nơi lui tới thường xuyên của giới doanh nhân và chính trị gia, các mệnh phụ phu nhân.

Cũng như mọi siêu thị lớn tại Hàn Quốc khi đó, Sampoong không thể thiếu những công trình ngoạn mục thu hút khách hàng. Vì thế người ta tạo ra ở trong Sampoong cả một cái hồ đi kèm chiếc cối xay bột bằng sức nước kích thước bằng cả một căn nhà.

Chưa kể toàn bộ hệ thống thiết bị làm lạnh cho cả khu siêu thị khổng lồ được đặt trên sân thượng đè nặng lên toà nhà khiến nó mất ổn định. Ngoài ra, việc làm lại tầng hầm để xe mà không được phê duyệt thiết kế càng làm cho khả năng chịu đựng của tòa nhà bị suy yếu đáng kể.

Ngay từ cuối tháng 4/1995 nhân viên của siêu thị đã phát hiện ra những vết nứt ở trên trần nhà của tầng lầu thứ 5. Tuy nhiên, lãnh đạo Samppong im lặng chẳng làm gì cả. Mãi cho tới sáng 29/6 khi những vết nứt xuất hiện lan tràn, những người quản lý ở đây mới cho đóng cửa lầu trên cùng, tắt hệ thống máy lạnh và mời một nhóm chuyên gia tới kiểm tra kết cấu toà nhà.

Kết luận được các chuyên gia đồng ý là toà nhà đang gặp nguy hiểm, có thể bị sập bất cứ lúc nào. Nhưng ban quản lý do con trai của Lee Joon làm giám đốc điều hành vẫn không chiụ đóng cửa siêu thị vì buổi tối thứ Năm thường là đông khách nên họ không muốn mất doanh thu trong ngày đó.

Vào khoảng buổi trưa ngày 29/6, người ta đã nghe thấy những tiếng động lớn từ sân thượng vọng xuống, các vết nứt ngày càng rộng ra do rung chấn phát ra từ hệ thống máy lạnh đang hoạt động. Sau đó, khi máy lạnh đã tắt thì các vết nứt đã rộng tới 10 cm.

Vào khoảng 5 giờ chiều, trần lầu 4 bắt đầu võng xuống, siêu thị buộc phải đóng cửa tầng lầu này nhưng khách hàng vẫn mua sắm ở các tầng khác như không hề có chuyện gì. Gần 1 giờ đồng sau, vào khoảng 5 giờ 50 phút, toàn bộ toà nhà kêu răng rắc, lúc này chuông báo động bắt đầu réo vang kêu gọi khách hàng nhanh chóng rời toà nhà. Tuy nhiên đã quá muộn để sơ tán.

Vào lúc 5 giờ 57 phút, sân thượng sụp xuống, hệ thống máy lạnh lao thẳng xuống tầng 5. Hệ thống cột chính của toà nhà bị lung lay khiến cho các thang cuốn bị hư hỏng, sau đó các cột này gục xuống, toàn bộ cánh phiá Nam của toà sụt xuống tầng hầm. Chỉ trong vòng 20 giây, toàn bộ hệ thống cột đỡ của cánh Nam bị gãy, vào lúc 6 giờ 5 phút chiều ngày 29/6/1995, toàn bộ tòa nhà 5 tầng của siêu thị Sampoong đổ ụp xuống, chôn vùi hàng ngàn người.

Công việc cứu nạn được tiến hành ngay lập tức. Ngay trong ngày đầu tiên đã có khoảng 200 người được cứu khỏi đống gạch và bê tông. Thời gian trôi qua, số nạn nhân được giải thoát cứ giảm dần và sau một tuần thì cơ hội lui về tới gần số không. Tuy nhiên, nhân viên cứu nạn không nản chí, vào ngày thứ 12 sau tai nạn họ tìm được một nữ nhân viên bán hàng 19 tuổi còn đang thoi thóp, rồi đến ngày thứ 16 một nữ nhân viên khác của Sampoong cũng đã được giải thoát.

Thảm họa Sampoong cướp đi sinh mạng của 502 người, làm bị thương 937 người. Vì là nơi lui tới của các gia đình giàu có và danh tiếng nên danh sách nạn nhân của thảm họa Sampoong có thể ví với danh sách trong ấn bản Ai là ai (Who’s who) của Hàn Quốc khi đó.

Một luật sư đầy danh tiếng mất  cả ba cô con gái yêu trong tai nạn, goá phụ của một cố bộ trưởng chôn cô con gái duy nhất của mình. Ngay đến con dâu của Chủ tịch tập đoàn Sampoong cũng suýt bị vùi xác trong đống đổ nát nhưng may mắn được cứu thoát. Vào thời đó, Sampoong được coi là vụ sập công trình kiến trúc bi thảm nhất lịch sử.

Cuộc điều tra sau đó chỉ ra rất nhiều lỗi kỹ thuật trong thiết kế điều chỉnh và thi công tòa nhà. Để tiết kiệm chi phí nên khi xây thêm một tầng để làm khu nhà hàng ăn uống và đổi công năng từ nhà chung cư theo thiết kế ban đầu sang siêu thị, nhà đầu tư đã bớt đi số cột chống đỡ công trình để có không gian lắp đặt thang cuốn.

Trọng lượng của hệ thống máy lạnh, nhà hàng tạo ra một lực đè lớn gấp 4 lần giới hạn cho phép. Hai năm trước khi xảy ra tai nạn, các cục nóng máy lạnh đã được di chuyển đến khu vực mà ở phía dưới chính là nơi ở tầng 5 đã xuất hiện những vết nứt đầu tiên.

Đống gạch vữa đổ nát cho thấy bê tông dùng đổ sàn và tường đều dưới chuẩn quy định. Toà nhà được xây theo kiểu sàn không có dầm xà, các tấm bê tông được gác thẳng lên các cột trụ. Tuy nhiên, các cột trụ bê tông tại toà nhà Sampoong có đương kính là 60 cm, trong khi yêu cầu là 80 cm, không đủ sức chiụ lực. Tệ hơn, số thanh sắt làm “cốt” cho cột bê tông chỉ có 8 thanh, bằng một nửa con số theo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Vụ sập toà siêu thị gây phẫn nộ trong dư luận Hàn Quốc lúc đó với nhiều cuộc biểu tình bày tỏ nỗi lo ngại về những công trình xây dựng mọc lên như nấm trong thời kỳ bùng nổ kinh tế những năm 1980 cũng như tệ tham nhũng đi kèm.

Vụ sập toà nhà siêu thị Sampoong được nhanh chóng đưa ra xét xử. Chủ tịch Lee Joon bị kết án 10 năm 6 tháng tù giam nhưng sau đó chống án và được ân giảm còn 7 năm tù. Ít lâu sau khi được thả, Lee Joon đã chết vì bệnh tim vào tháng 4/2003.

Con trai của Lee Joon là Lee Han-sang, cũng là giám đốc điều hành siêu thị Sampoong bị kết án 7 năm tù về tội giết người và đưa hối lộ. Hai quan chức có nhiệm vụ giám sát việc xây dựng toà nhà Sampoong là Lee Chung-Woo và Hwang Chol-Min cũng bị phạt tù vì tội nhận hôí lộ và che dấu những thay đổi trái phép trong thiết kế cũng như thi công kém chất lượng. Một số lãnh đạo khác của Sampoong cũng bị kết án.

Tổng số tiền bồi thường là gần 350 triệu USD, sau thảm kịch này tài sản của tập đoàn kinh doanh của gia đinh Lee Joon bị tịch thu để bồi thường cho các nạn nhân, kết cục Sampoong Roup bị phá sản.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật