‘Càphê phần’ kiểu Italia... ở Hà Nội

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tôi đến quán “càphê Quang” không hẹn trước, sau một hồi tranh cãi với người bạn về “ý nghĩa xã hội” hay chỉ là “chiêu quảng bá thương hiệu” của mô hình “càphê để phần” mà nhà văn Đặng Thiều Quang đang là người đầu tiên và duy nhất thực hiện tại Việt Nam.
‘Càphê phần’ kiểu Italia... ở Hà Nội
Một góc “Càphê phần” kiểu Italia, phiên bản... Quang.

“Càphê để phần”, nói một cách nôm na là những khách hàng hào phóng của quán Quang sẽ “uống 1 trả tiền 1+” cho những suất càphê miễn phí dành tặng người nghèo. Dù ủng hộ mô hình này, song chính tôi cũng thấy khó có thể phản bác lý lẽ mà người bạn đặt ra: “Người nghèo nào dám vào quán đó uống càphê? Vậy phần để làm gì?”

Thích thì Cá tháng Tư “cũng nhích”

Lượn đi, lượn lại 3 vòng quanh đoạn cầu vượt Khuất Duy Tiến, tôi mới tìm thấy quán càphê nhỏ, khiêm tốn nép bên vỉa hè đông đúc của khu tập thể B11 Thanh Xuân Bắc, với tấm biển giản dị “Càphê Quang”. Tôi đến đúng lúc Đặng Thiều Quang đang bận rộn hướng dẫn cho các nhân viên thực tập cách pha một tách càphê bài bản và đẹp mắt. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bên tách càphê espresso thơm lừng, có hình chiếc lá nổi cầu kỳ trên bề mặt, do chính tay chủ quán pha chế. “Càphê của tôi luôn đảm bảo độ nguyên chất, thơm ngon nhất, nhưng được bán với giá rất bình dân. Dù là espresso hay latte đều chỉ có giá 20.000 đồng” - Đặng Thiều Quang - người từng là cây bút có tiếng của Hoa Học Trò thuở trước - giới thiệu.

Nhưng mục đích khiến tôi đi nửa vòng thành phố để đến quán Quang không phải là để thưởng thức một tách càphê ngon, mà muốn tìm lời giải cho những nghi ngờ của bạn tôi về mô hình “càphê để phần”. Đặng Thiều Quang thẳng thắn: “Thắc mắc đó là dễ hiểu, vì khi tôi mới quyết định thực hiện mô hình này, rất nhiều người đã bàn lùi với câu hỏi “thế nào là người nghèo? Thế nào là khó khăn?”. Nhưng đã quyết là làm.

Càphê phần của Quang đang gây những tranh cãi trái chiều về việc người nghèo cần bánh mỳ hay càphê?.

“Càphê để phần” được Đặng Thiều Quang triển khai vào đúng ngày Cá tháng Tư (1.4), chỉ khoảng một tuần sau khi anh tình cờ đọc về mô hình này tại Italia. Sau 3 tháng khởi động, mô hình đã bán được 70 tách càphê phần, trong đó 32 tách đã được phục vụ và còn 37 “phần chờ người nghèo”. Theo anh Quang, người Việt Nam rất thoáng. Khi hiểu vấn đề thì họ sẵn sàng sẻ chia, dù ban đầu họ cũng đặt nghi vấn như “người nghèo cần ăn, chứ uống càphê làm gì?”. Có những vị khách hảo tâm đã đặt mua luôn 5 suất để dành cho những người khó khăn hơn.

Phiên bản Quang

Với anh Quang, mô hình “phần cà phê” cũng có ý nghĩa như “một thói quen, một truyền thống như để phần cơm cho người về muộn, người đến sau trong bữa cơm người Việt, giúp người được phần cảm thấy ấm lòng”. “Ban đầu, tôi dự định treo biển “Càphê miễn phí cho người nghèo”, nhưng không xuôi tai. Hơn nữa, nó càng khiến những người nghèo thực sự muốn uống càphê mặc cảm, không vào quán. Vì vậy, tôi chọn cách quảng bá thông qua mạng xã hội, facebook, truyền tai qua người quen và những người lao động nghèo tại đây” - anh cho hay. Những vị khách sử dụng 32 tách càphê phần ở quán Quang đa phần đều là những người lao động nghèo trên vỉa hè nhộn nhịp của đường Khuất Duy Tiến.

“Có thể đó là những người lái xe ôm vào buổi trưa rất buồn ngủ cần tách càphê để tỉnh táo và tiếp tục kiếm tiền. Hoặc sinh viên nghèo thèm tách cà phê, nhưng không còn đủ tiền mua” - anh Quang nói. Nhiều khi những “phần càphê miễn phí” được anh Quang biến đổi thành thạch hoa quả dầm, hay các cốc sinh tố - có giá trị tương đương cốc càphê - để phù hợp hơn với nhu cầu của những người lao động nghèo. “Đây là càphê phần kiểu Italia, phiên bản Quang” - anh đùa.

Đặng Thiều Quang có thể là người duy nhất ở Việt Nam hiện nay thực hiện “càphê để phần”, song mô hình này đã rất phổ biến ở các nước phương Tây với tên “suspended coffee” (hay “caffe sospeso” theo tiếng Italia) - với cách hiểu nôm na là “càphê đã được trả tiền” dành cho ai không đủ tiền tự mua. “Caffe sospeso” được hình thành tại thành phố Naples (Italia) từ khoảng 10 năm trước, sau đó nhanh chóng được nhân rộng ở nhiều quốc gia khác như Anh, Đức... và mới đây là Bulgaria, Australia. Chẳng hạn như tại thành phố Melbourne, (Australia), hàng chục quán càphê đã tham gia chuỗi “càphê để phần” từ khi Declan Jacobs, 50 tuổi - một quản lý công ty viễn thông Prahran loại nhỏ - thành lập trang Facebook “Cộng đồng Melbourne càphê để phần” từ sau lễ Phục sinh 2013. Cho đến nay, trang mạng của Jacobs đã để phần hàng trăm suất càphê cho những người nghèo. Theo bình luận của tờ Northern Star (Australia), ý tưởng cung cấp “càphê phần” được rất nhiều quán hoan nghênh, bởi nó không chỉ mang ý nghĩa xã hội giúp đỡ người nghèo, mà còn giúp quảng bá và tăng lợi nhuận cho quán.

Một người bán chiếu rong được tặng món thạch hoa quả thay cho tách càphê phần tại quán Quang. .

Phần càphê cho ai?

Tuy nhiên, những ý kiến phản hồi không phải khi nào cũng tích cực. Một thành viên mạng tại Melbourne có biệt danh Captain Mocha đặt câu hỏi: “Làm sao để biết nên từ chối hay trao cho ai phần càphê để dành này? Tôi không thích ý nghĩ về việc cấp phần càphê cho những người vô gia cư hay nghèo đói, vì nó chỉ càng làm gia tăng thêm sự mặc cảm và tính chất tiêu cực đối với những người có nhu cầu. Những người thực sự có nhu cầu “càphê miễn phí” sẽ không xuất hiện tại các quán càphê này, và cũng sẽ không muốn hỏi “cho tôi suất càphê phần”...”. Câu hỏi này đã chạm đúng khó khăn của mô hình càphê phần.

Những chủ quán tham gia mô hình “càphê phần” như ông Rees thường xuyên phải gọi điện đến các tổ chức thiện nguyện để thông báo về những suất càphê miễn phí đang đợi tại quán. Jacobs - người sáng lập trang Facebook Cộng đồng càphê phần Melborne - yêu cầu các nhân viên phải nắm rõ quy tắc đạo đức ứng xử với những người vào quán yêu cầu “càphê để phần”. “Chúng tôi cần đảm bảo họ sẽ được đối xử tôn trọng và nhận được ly càphê họ muốn”.

Theo lời anh Quang, ở Việt Nam, việc tìm kiếm khách hàng uống càphê phần còn khó khăn hơn. Anh lý giải: “Chắc chắn sẽ có nhiều bạn thắc mắc, người nghèo cơm chưa đủ no sao lại uống càphê làm gì cho cồn ruột, rằng làm thế nào để biết ai nghèo ai khó khăn...? Nhưng tôi có cách. Tôi sẽ dành càphê miễn phí cho những người mà tôi thấy họ thực sự cần, dù đó hoàn toàn theo đánh giá chủ quan. Ví dụ một bạn sinh viên cần thức đêm viết bài luận, một chị lao công làm ca đêm, một anh xe ôm gà gật chờ khách, một bác thương binh chạy xe ba bánh, cựu binh nghèo, người bán hàng rong...”.

“Thật khó tưởng tượng cảnh những người lao động, hay những người lái xe ôm bước vào quán để yêu cầu càphê phần?” – tôi thắc mắc. “Họ không làm như vậy” – anh Quang thừa nhận. “Thông thường, tôi phải chủ động mời. Tôi nói rõ đây không phải phần càphê từ thiện của quán, mà đã có những vị khách hảo tâm trả tiền trước và quán chỉ có nhiệm vụ làm cầu nối. Nhưng ngay cả như thế họ cũng không dám nhận, vì văn hóa người Việt đề cao lòng tự tôn cá nhân, “đói cho sạch, rách cho thơm”, nên để mời một tách càphê miễn phí không phải là dễ” - anh nói. Đã rất nhiều lần anh Quang vấp phải việc “mặc cả để được trả tiền” từ những người lao động nghèo mà anh mời vào quán, dù trên bảng có ghi rõ số lượng càphê phần miễn phí. “Nếu họ nhất mực trả tiền, tôi thường nói rõ tách càphê đó sẽ được ghi lại vào danh sách “để phần” cho những người lao động nghèo khác, hoặc cho chính họ trong lần tới”.

Với những người nghi ngờ về động cơ của “càphê phần”, Đặng Thiều Quang thẳng thắn: “Mục tiêu của tôi không thể nói hoàn toàn vô tư, hay không có chút vì thương hiệu cá nhân. Nhưng phần đó chỉ là tiểu tiết, vì nhiều khi nó còn phản tác dụng nếu tôi không làm được đến nơi, đến chốn và minh bạch”. Một trong những mục đích của anh Quang khi thực hiện “càphê phần” còn là muốn “truyền bá càphê sạch, nguyên chất của Việt Nam”. “Kinh doanh càphê nguyên chất như tôi và một số người khác đang làm thực sự gặp rất nhiều khó khăn do bị càphê giả cạnh tranh giá cả và làm thị hiếu tiêu dùng trở nên lệch lạc” - anh nói.

Ngoài việc điều hành “quán Quang”, Đặng Thiều Quang còn là một trong những quản trị mạng của địa chỉ “Chúng tôi yêu cà phê”, hiện có hơn 3.000 thành viên. “Người Italia đã tạo ra những thương hiệu càphê nổi tiếng và bán với giá rất đắt, trung bình từ 600.000 đến 1 triệu đồng một cân, dù không có đất trồng cà phê. Trong khi càphê của Việt Nam xuất thô chỉ có 50.000 - 60.000 đồng một cân. Điều đáng buồn là những loại càphê bẩn, càphê hương liệu đang lấn át thị trường càphê nguyên chất, càphê sạch của Việt Nam. Nó làm gu uống càphê của người tiêu dùng bị lệch lạc, bởi khi được uống càphê nguyên chất thực sự, thì thường họ lại chê nó nhạt, chua, kém thơm ngon, bởi đã quá quen với hương liệu càphê giả mất rồi” - anh Quang nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật