Một gia đình người Việt có tâm với kiều bào ở Berlin

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong chuyến du lịch tại CHLB Đức tháng 6-2013, bất ngờ giữa Thủ đô Berlin rộng lớn, chúng tôi cảm thấy thật an lòng khi gặp được cả một gia đình người Việt bán hàng văn phòng phẩm tại một đại lộ lớn.
Một gia đình người Việt có tâm với kiều bào ở Berlin
Vợ chồng anh chị Tuyến - Phượng tại ki ốt Berlin
Đó là vợ chồng Bích Phượng - Văn Tuyến cùng 2 ái nữ tại nơi sát quảng trường Postdamer Platz, quận Tiergarten. Họ là chỗ tựa vịn của nhiều kiều bào ta ở đây.

Cả gia đình bán hàng trong một ki ốt nhỏ có tên là Berlin Souvenirs sát vỉa hè, nằm cạnh tuyến du lịch quanh bức tường Berlin cũ. Thế nhưng thật lạ, người đến mua cứ tấp nập, nào nhân viên văn phòng các cơ quan công quyền của Berlin, cả khách du lịch nước ngoài và đông nhất là người Việt. Hàng hóa thật giản đơn, một vật kỷ niệm của Berlin giá 1Eu, một cốc sứ nổi tiếng của Đức giá 15Eu, cả cái ô che cơn mưa bất chợt giá 3Eu, dăm ba chiếc bút bi xịn… Nếu khách dạo xung quanh ki ốt khoảng 20m2 ấy, có thể nhấm nháp một tách café hoặc cacao chỉ có 1 Eu.

Khi chúng tôi ghé qua để hỏi đường, gặp 2 cô con gái Misa, Thảo Vy đang bán hàng, cả hai đều nói tiếng Việt rất sõi. Các cháu dắt tôi ra vỉa hè chỉ đường hết sức cụ thể như cách người Việt ở làng quê tận tình với khách. Vậy mà cả hai cháu này đều đã nhập quốc tịch Đức; cô chị đã học xong thạc sỹ, làm cho một ngân hàng quốc tế, cô em đang học lớp 11, nói cả tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Việt chuẩn như người bản địa. Thế nhưng, đây chưa phải là những điều mà tôi chuyển thông tin tới bạn đọc.

Một lúc sau, tôi gặp ông bà chủ của ki ốt này. Lúc ấy thì sao mà gần gũi, ấm cúng thế! Anh chị hồ hởi như từng quen chúng tôi, hỏi han bên nước nhà, hỏi mới sang cần giúp đỡ gì không, nếu cần đưa đi đâu, anh chị cũng sẵn lòng. Tôi cũng ngạc nhiên về lòng tốt bụng hiếm có ấy. Thì ra trước đây anh Tuyến vốn là một phi công được đào tạo tại Liên Xô cũ, từng tham gia giúp đỡ nước bạn Campuchia, còn chị Phượng vốn là một cán bộ đoàn năng nổ tại TP mang tên Bác. Thế rồi, sau khi ra quân, Tuyến đi xuất khẩu lao động sang CHDC Đức (cũ). Sau khi nước Đức thống nhất, Tuyến ở lại Berlin làm việc, chị Phượng nói, “tôi buộc phải đưa con nhỏ sang theo để giữ chồng, đoàn tụ gia đình đấy. Không thì… em bỏ công tác đoàn mà tiếc đứt ruột anh à”.

Nghe kể chuyện thì ra chúng tôi là những người cùng thời. Tuyến sinh ra ở Phú Thọ, học phổ thông ở đất Tổ, đi qua một thời trẻ thơ bao cấp nhọc nhằn ăn đong từng bữa. Sau khi thống nhất đất nước, Tuyến theo ba là đại tá quân đội tập kết trở về Nam, gặp Phượng rồi yêu nhau nên vợ nên chồng. Ba mẹ Phượng từng là biệt động Sài Gòn những năm chống Mỹ cứu nước, hai gia đình đều là những cán bộ tham gia cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc. Vì thế mà có thể nói không ngoa rằng, chúng tôi chung nhau cả niềm hạnh phúc và tuổi thơ dữ dội thời chiến, nên gặp nơi đất khách, nhìn nhau là quý nhau ngay.

Nghề kinh doanh của cặp vợ chồng này cũng thật lạ. Tôi hỏi, bí quyết giữ chân khách như thế nào để một ki ốt nhỏ vẫn đắt hàng? Phượng tâm sự rằng: “Có bí quyết nào đâu anh, chẳng qua mình lấy hàng souvenir từ gốc, mỗi thứ mình bán rẻ hơn một chút, kể cả khách qua đường. Con gái em từng nhắc “mẹ ơi đừng chặt khách nhé? Nhất là khách Việt Nam, bán cao một tý là chúng nói dỗi... Còn đối với những viên chức Berlin làm việc gần đây, mỗi thứ mình giảm giá một chút, chỉ lãi nhỏ thôi, nhưng dần họ quen thân, lúc nào cần cũng cứ ra ki ốt mình để mua. Cứ lấy nhiều làm lãi anh ạ!”.

Những vị khách đến mua hàng ở ki ốt (ảnh chụp 6/2013).

Gian hàng của Tuyến - Phượng thuê 2 nhân viên nữ người Việt mới từ quê miền Trung sang. Họ còn bỡ ngỡ, chưa quen với đường đi và Pháp Luật nước này. Một phụ nữ bán hàng ở ki ốt tâm sự: “Chồng em đã ở Đức 28 năm rồi, nhưng chưa nhập quốc tịch. Em mới sang được 6 năm, chưa được cấp giấy cư trú vĩnh viễn. Anh chị Phượng thấy em khó khăn mà cưu mang thôi, chứ không cần đến nhân viên như em đâu…”.

Nghe chị kể chuyện người chồng, tôi nhận ra đấy là một cựu sinh viên khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từng uống nước chè chén với tôi quán Mễ Trì những năm 1980. Chao ôi, những sinh viên khoa Văn một thuở bây giờ kiếm sống ở phương trời này ư? Họ có viết văn không nhỉ? Tôi hẹn lần sau nếu được sang Đức, thế nào cũng hỏi địa chỉ để đến thăm những cựu sinh viên khoa Văn này. Nghe nói có đến ba bốn người cơ!

Trước khi chia tay với vợ chồng Tuyến - Phượng, tôi xin phép được nói địa chỉ ki ốt của anh chị với những người Việt Nam để họ sang Đức thì ghé qua. Có thể họ không mua hàng, nhưng họ xin được hỏi đường, xin được giúp đỡ nếu cần? Anh chị cười: “Ồ vui quá! Địa chỉ là quảng trường Postdamer Platz, quận Tiergarten”. Và tôi tin, mọi người Việt sẽ thấy yên lòng khi gặp cặp vợ chồng từng đi qua thời bao cấp mà mến khách này!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật