Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể: Bắt đầu từ nghệ nhân

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nghệ nhân là người nắm giữ và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể cho các thế hệ sau. Nhưng thực tế hiện nay, chúng ta vẫn chưa có một chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân, trong khi các nghệ nhân lại đang dần mất đi…
Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể: Bắt đầu từ nghệ nhân
Nghệ nhân Hồ Thị Cầu. Ảnh: CTV

Nghệ nhân đang mất dần

Hai nghệ nhân Phan Thị Mơn (nghệ nhân ca trù Cổ Đạm, Hà Tĩnh) và Nguyễn Thị Kim (nghệ nhân ca trù Thanh Hóa) đều được nhắc đến trong hồ sơ ca trù gửi UNESCO đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong hồ sơ trình UNESCO có đoạn ghi âm bài hát do nghệ nhân Nguyễn Thị Kim thực hiện, bà chính là một trong những yếu tố góp phần mang đến thành công trong việc đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể cho ca trù của Việt Nam. Thế nhưng, cả 2 nghệ nhân này đều ra đi mà không hề được hưởng chế độ đãi ngộ nào.

 

Gần đây nhất, ngày 3/3/2013, nghệ nhân Hà Thị Cầu - “người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20”, kho dữ liệu sống về xẩm của Việt Nam cũng đã ra đi mà chưa được hưởng một sự hỗ trợ nào. Và còn nhiều nghệ nhân nổi tiếng như nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc, nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ… đều đã ở tuổi “cổ lai hy”, không biết liệu họ có thể chờ được đến khi có chính sách đãi ngộ.

Thống kê của Sở VH, TT&DL Phú Thọ, đến hết năm 2012, Phú Thọ có 39 nghệ nhân hát Xoan được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phong tặng danh hiệu nghệ nhân, nhưng đến nay 7 người đã mất, 10 người không còn khả năng truyền dạy. Những nghệ nhân hát Xoan chưa được phong tặng có 37 người, thì 3 người đã mất, 17 người không còn khả năng truyền dạy. Trong số những nghệ nhân còn khả năng trình diễn và truyền dạy, rất nhiều người đã ở tuổi 70-80…


Cần sớm ban hành chính sách

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Bền, viện trưởng viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa có nhiều đề án, phần việc của viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam là sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể của 54 dân tộc Việt Nam. Trong đó, cái chúng ta cần quan tâm nhất là vấn đề về con người, chính sách với các nghệ nhân... Nói đến di sản văn hóa phi vật thể là nói đến nghệ nhân, bởi các nghệ nhân là người nắm giữ, trao truyền các di sản văn hóa phi vật thể cho các thế hệ sau. Trong khi đó, hiện tại chúng ta lại chưa có một chính sách đãi ngộ tốt cho các nghệ nhân. Dự thảo Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, do Bộ VH, TT&DL soạn thảo từ năm 2003 đến nay, vẫn còn nằm trên bàn của Chính phủ, chưa biết đến khi nào mới được phê duyệt, trong khi các nghệ nhân dân gian - những “báu vật nhân văn sống” của Việt Nam, người đã ra đi mãi mãi, nhiều người thì đang sống những ngày tháng cuối cùng… Và điều đáng lo là, khi các nghệ nhân ra đi mà chưa kịp truyền lại những tinh hoa của mình cho thế hệ kế cận, cũng đồng nghĩa với việc những tinh hoa đó mãi mãi mất đi.

Cho đến nay, chưa có một con số thống kê đầy đủ nào về việc có bao nhiêu nghệ nhân - những “báu vật sống” đã qua đời, bởi hầu hết các nghệ nhân đều sống lặng lẽ ở quê nhà. Họ phải mưu sinh bằng đủ thứ công việc đồng áng hàng ngày, nhiều người trong số họ ra đi trong lặng lẽ. “Điều quan trọng nhất hiện nay là cần thúc đẩy nhanh để Nghị định về nghệ nhân sớm được ban hành, trên cơ sở đó mới xây dựng được chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân” - PGS.TS Nguyễn Chí Bền khẳng định.

Việt Nam hiện có 5 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, gồm: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Có 2 di sản được đưa vào danh mục cần bảo vệ khẩn cấp là Ca trù và hát Xoan. Điều đáng nói là, trong quá trình xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận là Di sản, chúng ta đều phải cam kết có những chương trình hành động để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật được công nhận ấy, trong đó chính sách đãi ngộ nghệ nhân là một phần rất quan trọng trong các cam kết của Việt Nam với UNESCO. Việc chậm trễ trong việc ban hành chính sách sẽ ảnh hưởng đến cam kết cũng như uy tín của chúng ta đối với quốc tế. “UNESCO có quyền công nhận và cũng có quyền tước bỏ danh hiệu. Nếu trong quá trình thực hiện, họ kiểm tra thấy các di sản của chúng ta không còn đáp ứng được yêu cầu, lúc đó họ sẽ xem xét và khả năng tước bỏ danh hiệu là hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng ta cần phải làm tốt việc bảo tồn phát huy giá trị các di sản đã được công nhận, cũng như đưa vào bảo vệ khẩn cấp” - PGS. TS Nguyễn Chí Bền bày tỏ sự lo ngại.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật