Candy Crush được chơi tới 600 triệu lần mỗi ngày

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ một trò chơi đơn giản, miễn phí nhưng Candy Crush đã mang về cho hãng sản xuất King một khoản tiền cực lớn từ những vật phẩm trong trò chơi này.
Candy Crush được chơi tới 600 triệu lần mỗi ngày
Candy Crush đang là một trong những ứng dụng Facebook thành công nhất từ trước tới giờ.

Trò chơi Candy Crush chắc hẳn không còn lạ lẫm gì với những người dùng Facebook nữa, hiện tại Candy Crush đang là trò chơi được ưa chuộng nhất trên smartphone cũng như mạng xã hội Facebook. Nhưng ít ai biết rằng, nó đang mang về cho hãng phát triển một khoản tiền lời khổng lồ đồng thời là lượng người chơi cực lớn.
Nhiệm vụ của người chơi rất đơn giản, chỉ cần xếp 3 vật thể cùng màu sắc để "dọn dẹp" dần màn hình cũng như đạt được đủ yêu cầu và số điểm của mỗi màn chơi. Hiện tại Candy Crush đang có 385 màn chơi khác nhau và nó trở thành trò chơi ganh đua khá khốc liệt trên Facebook do ai cũng muốn có cấp độ cao hơn bạn bè. Các vật phẩm trợ giúp người chơi có thể được mua bằng tiền thật, số tiền từ những vật phẩm này có thể kiếm cho hãng sản xuất King - cha đẻ của Candy Crush một khoản tiền lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Cách thức chơi rất đơn giản, nhưng sự thôi thúc để vượt qua bạn bè đã tạo nên điểm hấp dẫn cho Candy Crush.
Được ra mắt vào giữa năm 2012 và trở thành ứng dụng di động vào cuối năm 2012, hiện tại Candy Crush được chơi tới 600 triệu lần mỗi ngày và trở thành sản phẩm thành công nhất của King trong 10 năm trở lại đây. Theo như thống kê, mỗi tháng có tới 45 triệu người chơi toàn cầu tham gia vào trò chơi này.
Mặc dù công ty King thống kê rằng, có tới 70% người chơi hoàn thành 385 màn mà không nạp một xu nào nhưng 30% còn lại bỏ ra một khoản tiền cực lớn chỉ để hoàn thành các màn chơi một cách nhanh chóng.
Có rất nhiều vật phẩm trong trò chơi phải mua bằng tiền và có giá thành rất cao.
Cạnh tranh là điều khiến trò chơi trở nên hấp dẫn, việc tích hợp mạng xã hội và khả năng thi đua lẫn nhau thúc đẩy người dùng sử dụng tiền thật cho những giá trị ảo. Tất nhiên với những vật phẩm hỗ trợ mua bằng tiền, người chơi sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn và có điểm số cao hơn những người không mua vật phẩm, hoặc... không hack.
Trò chơi này nổi tiếng tới nỗi nó xuất hiện trên rất nhiều chương trình truyền hình cũng như trở thành trào lưu trên Internet.
King dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa Candy Crush để tạo nên một làn sóng mới cho những người dùng Internet đồng thời gia tăng thách thức để những người chơi phải sử dụng tiền thật nhiều hơn. Dự kiến, căn bệnh "nghiện Candy Crush" sẽ còn thậm tệ hơn trong tương lai. Bạn có nghiện Candy Crush không?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật