Tự doanh có gì mà phải giấu!

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo Ông Johan Nyvene, HSC là một liên bang trong đó mỗi bộ phận là một tiểu bang. Tự doanh chịu trách nhiệm cho lợi nhuận của họ. Môi giới chịu trách nhiệm cho môi giới.
Tự doanh có gì mà phải giấu!
Ông Johan Nyvene

Khi một số công ty chứng khoán từ chối đề cập đến hoạt động tự doanh như một “vùng cấm”, ông Johan Nyvene, tổng giám đốc Công ty chứng khoán TPHCM (HSC), người trả lời phỏng vấn của chúng tôi dưới đây, lại nói thẳng: “Tự doanh có gì đâu mà phải giấu”.

Thị trường râm ran rằng năm ngoái tỷ lệ lợi nhuận từ hoạt động tự doanh của HSC rất cao. Có đúng vậy không, thưa ông?

Ông Johan Nyvene: Tỷ lệ lợi nhuận từ tự doanh năm 2012 của HSC là 67% trên danh mục đầu tư. Cơ sở để đạt lợi nhuận là vào (mua) đúng lúc và ra (bán) đúng lúc. Trong một năm thị trường thường có ít nhất 1-2 con sóng. Con sóng đầu của năm ngoái VN-Index lên hơn 40%. Sau đó nếu tôi nhớ không lầm thị trường còn hai sóng nhỏ và cả năm chỉ số đạt mức tăng trưởng 18%.

Thực ra tỷ lệ lợi nhuận 67% không có ý nghĩa nhiều vì tổng giá trị danh mục tự doanh của HSC khi đó rất nhỏ, chỉ mấy chục tỉ đồng. Con số lợi nhuận tuyệt đối của tự doanh không lớn so với doanh thu và lợi nhuận chung. Nếu có một đồng mà làm ra thành hai đồng là tỷ lệ lợi nhuận 100% rồi. Chúng tôi có 20 đồng, làm ra thành ba mươi mấy đồng. Được thế là nhờ bắt kịp sóng và mua đúng mã cổ phiếu.

Việc “mua đúng mã cổ phiếu” liệu có liên quan gì đến bộ phận tư vấn khách hàng, bộ phận nghiên cứu? Ý chúng tôi là tự doanh định hướng cho khách hàng để “lôi kéo” họ…

Tất nhiên là không. Không thể làm như thế được. Hai bộ phận tư vấn, nghiên cứu có người quản lý khác nhau, nhân viên phân tích khác nhau, thậm chí nhiều khi tư duy của họ đối đầu nhau. Chúng tôi xem HSC là một liên bang trong đó mỗi bộ phận là một tiểu bang. Tự doanh chịu trách nhiệm cho lợi nhuận của họ. Môi giới chịu trách nhiệm cho môi giới.

Nghĩa là họ riêng biệt hoàn toàn?

Ngay cả môi giới cũng có hai mảng: cá nhân và tổ chức. Hai mảng này tư vấn cho khách hàng của họ mua bán những cổ phiếu khác nhau do tư duy khách hàng của họ khác nhau.

Ông có thể chi tiết hơn?

Khách hàng tổ chức đa số là các quỹ nước ngoài. Họ hành xử một cách khoa học và có phân tích cụ thể, rõ ràng hơn. Khách hàng cá nhân nhiều khi dựa vào tin đồn, cảm tính thị trường, sự thay đổi chính sách trong nước. Các tổ chức đầu tư dựa vào yếu tố cơ bản, chỉ số tài chính doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có khả năng làm ra lợi nhuận trong tương lai họ mới mua.

Ý ông là nhịp sóng của cá nhân và tổ chức khác nhau?

Nhà đầu tư cá nhân thường sử dụng đòn bẩy nhiều, nên họ phải rút ngắn qui trình đầu tư. Có người chỉ đầu tư bốn ngày, bắt buộc phải bán, trả tiền vay. Nước ngoài không chịu áp lực đó, sóng của họ dài hơn, có thể vài tháng, có thể cả năm, có thể lâu họ mới bán. Người đứng đầu của từng bộ phận phải chịu trách nhiệm doanh thu, lợi nhuận bộ phận của họ. Nếu họ nghe theo bên kia, họ có thể mất kiểm soát, không làm ra tiền, trách nhiệm nặng nề.

Có bao giờ tự doanh chịu ảnh hưởng của bộ phận khác hay họ thực sự độc lập, thưa ông?

Tự doanh độc lập. Mọi bộ phận báo cáo lên tổng giám đốc. Tổng giám đốc là người đánh giá xem liệu họ có bị xung đột quyền lợi.

Năm nay HSC có tăng hạn mức cho tự doanh?

Chúng tôi tăng lên 300 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu của HSC có 2.100 tỉ đồng, tự doanh được cấp số tiền bằng 1/7 vốn chủ sở hữu, không nhiều. Giới hạn cấp vốn mà công ty đặt ra cho tự doanh là dưới 20% vốn chủ sở hữu.

Ông có ấn định cho tự doanh tỷ lệ lợi nhuận tối thiểu phải đạt được là bao nhiêu không?

Có, 30%. Nếu trên 30% được thưởng. Dưới mức này không đuổi việc, cũng không phạt tiền, trừ lương ai. Tuy nhiên nếu nhiều lần, nhiều năm tự doanh không đạt chỉ tiêu, thì nhân viên, theo tôi, sẽ tự đi kiếm việc ở nơi khác.

Tỷ lệ 30% cho thấy HSC lạc quan về thị trường năm nay? Việc cấp thêm tiền cho tự doanh có phải là định hướng phát triển nghiệp vụ này của công ty ?

Tất cả đều là cơ hội. Vấn đề phải tính đến là sử dụng nguồn vốn đúng chỗ và đúng tầm. Sử dụng ít vốn quá có thể không hiệu quả, còn nhiều quá có thể rủi ro cao.

Chúng tôi có hội đồng đầu tư với hai cấp: cấp điều hành và cấp hội đồng quản trị và tuân thủ qui trình quản trị rủi ro. Cấp điều hành do tôi đứng đầu, cấp hội đồng quản trị do một phó chủ tịch hội đồng quản trị làm xếp.

Theo tôi, phải luôn cân nhắc cơ hội, sao cho cơ hội cao và rủi ro thấp. Chẳng hạn một khi lãi suất tăng thì không thể cấp vốn cho tự doanh nhiều vì gửi tiền vào ngân hàng, hưởng 15-17%/năm an toàn, thì việc gì phải vất vả tự doanh với tỷ lệ lợi nhuận kém hơn. Đây là bài toán điều tiết nguồn vốn một các khoa học, nhận biết cơ hội và nhu cầu của chức năng kinh doanh nữa.

Phải khẳng định với HSC tự doanh không phải là kinh doanh cốt lõi. Nó chỉ theo từng giai đoạn. Cốt lõi là môi giới và tư vấn tài chính doanh nghiệp.

Có phải ông đang khẳng định sẽ giữ vị thế số một về thị phần môi giới của HSC? Phải chăng do mối quan hệ giữa cổ đông nước ngoài của công ty và khách hàng mà HSC thu hút được nhiều tổ chức đầu tư ngoại?

Chúng tôi không phân biệt khách hàng Việt Nam và nước ngoài, mà phân biệt cá nhân và tổ chức. Đây là hai “trung tâm” làm ra tiền của HSC. Môi giới cá nhân có thị phần lớn là nhờ bộ phận này có ba công cụ: nhân viên môi giới phải biết tư vấn cho khách hàng mua bán gì; công nghệ kỹ thuật phục vụ cho việc giao dịch nhanh, chính xác, qui trình chắc chắn; có nguồn vốn đòn bẩy hỗ trợ. Ngoài ra còn yếu tố uy tín. Trong thời buổi có tới hàng chục trên tổng số hơn 100 công ty chứng khoán thua lỗ, hoặc gần như bất động, thì nhà đầu tư có xu hướng giao dịch ở những đơn vị tầm cỡ, không vướng vào các sai phạm lớn, không lạ‌m dụn‌g tiền trên tài khoản của khách hàng. Uy tín sẽ thu hút khách hàng trong bất cứ ngành ngề gì, chứ không chỉ riêng chứng khoán.

Với môi giới tổ chức, kinh nghiệm và quản lý phải tạo được ấn tượng cho họ. Tổ chức là những người dày dạn kinh nghiệm, từng chinh chiến ở nhiều nơi. Họ đến Việt Nam với con mắt ngờ vực, họ chỉ tin những người nói cùng ngôn ngữ với họ. Ngôn ngữ ở đây là ngôn ngữ tư duy, nghĩa là nhân viên phải có khả năng nói chuyện với họ, thuyết phục họ. Đó là lý do vì sao HSC đạt được thị phần môi giới tổ chức đứng thứ hai chỉ sau SSI.

Ông vừa đề cập đến đòn bẩy tài chính. Ai đó đang đứng sau để cung cấp tiền cho HSC đòn bẩy cho khách hàng? Hay là ngân hàng?

Nguồn vốn cho giao dịch ký quỹ của chúng tôi khoảng 1.000 tỉ đồng, trong khi tôi biết có công ty chứng khoán có đến 3.000 tỉ đồng.

Cái gì là cốt lõi để HSC cạnh tranh giữ ngôi vị môi giới số một, thưa ông?

Chúng tôi không kỳ vọng giữ vị trí môi giới số một mãi mãi. Tôi vẫn nói với nhân viên về môi giới công ty phải chắc chắn trong tốp ba. Chúng tôi cũng không sa thải nhân viên vì mất thứ vị môi giới số một.

Tất nhiên nếu mất thì mình phải xem lại vì sao nó mất. Nhưng hoài bão của HSC không phải là môi giới số một Việt Nam, mà là một công ty chứng khoán tầm cỡ khu vực. Công ty chứng khoán có nhiều việc để làm, không phải chỉ khư khư giữ thị phần môi giới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật