Cuộc gặp tử tù bất ngờ của nhà báo ‘đi trại’

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bị kết án t‌ử hìn‌h rồi lại được sống là hai thái cực tâm trạng của những tử tù may mắn mà chỉ một số ít nhà báo từng tiếp xúc với họ ở hai hoàn cảnh ấy, nhận ra.
Cuộc gặp tử tù bất ngờ của nhà báo ‘đi trại’
Phạm nhân Phạm Khắc Thủy.
Là tử tù, họ ở phòng biệt giam ở công an tỉnh còn khi được tha tội chết, họ lại đến một nơi mới để cải tạo, thế nên chỉ một số ít nhà báo mới có những cuộc gặp bất ngờ với cùng một con người tội lỗi sống giữa lằn ranh sống, chết ấy.
Kẻ thoát án t‌ử hìn‌h và tấm áo “di chúc” hụt
Kể lại ngày ấy, Phạm Khắc Thủy, phạm nhân đang cải tạo án chung thân ở trại giam Nam Hà bảo đúng là trên đời thật lắm chữ ngờ, có những điều tưởng như đã được an bài nhưng rồi đến phút chót lại rẽ sang một hướng khác. Thủy tự nhận mình là người may mắn mà theo như ngạn ngữ Ả Rập thì “hãy vứt một kẻ may mắn xuống biển. Anh ta sẽ lên bờ với con cá trong mồm”.
Điều may mắn thứ nhất là Thủy có một người vợ đảm đang và hai đứa con ngoan, học giỏi, giờ đều là sinh viên các trường đại học có tiếng ở Hà Nội. Vì may mắn có người vợ đảm mà Thủy đã rút chân ra khỏi những cơn mộng mị vì m‌a tú‌y, trở thành một người hoàn toàn dứt bỏ được những cơn nghiện.
Sinh năm 1963 ở Mộc Châu, Sơn La, thuở hàn vi, Thủy cũng lương thiện như bao cặp vợ chồng mưu sinh khác với chiếc xe bán tải, cần mẫn thu gom hàng nông sản để mang ra chợ huyện bán. Tuy nhiên song hành với những chuyến vào bản thu mua hàng của dân bản, Thủy trở thành khách quý, được đãi rượu ngon và cả thuốc phi‌ện và nếu còn muốn qua lại thì không thể chối từ.
Vài lần chưa nghiện, thêm những lần sau nữa, Thủy chỉ thấy nhớ chứ không thèm nhưng rồi chiều theo ham muốn, Thủy nghiện lúc nào không hay. Lúc đầu chỉ là lấy tiền hàng họ để mua thuốc hút, sau Thủy bán cả xe để hút.
Từ chỗ kinh tế khá giả, vì khói thuốc mà gia đình Thủy đi vào chỗ kiệt quệ. Vợ không công ăn việc làm, hai đứa con còn nhỏ, bản thân lại nghiện, trong lúc bế tắc cả tiền nuôi con, bế tắc cả “nguồn cơm đen”, Thủy đánh liều đi buôn m‌a tú‌y. Những chuyến đưa thuốc phi‌ện từ Sơn La về Hà Nội giúp Thủy qua được cơn nghiện cho tới một ngày, khi vừa “ôm” 2 bánh heroin về đến Hòa Bình thì Thủy đã bị bắt.
Chẳng muốn mà được cai, thời gian nằm giam cứu, Thủy mới thấy ân hận, nuối tiếc những ngày lao động vất vả bên vợ con. Anh ta hiểu ra rằng, chính mình đã đánh mất tất cả và cái mất lớn nhất chính là đã không giành thời gian chăm sóc vợ con để giờ đây, chính anh ta là vật cản con đường tương lai của chúng. Nhiều đêm Thủy đã khóc vì thấy có lỗi với vợ con, anh sợ nhất khi nghĩ đến một ngày, lúc ấy con cái lớn lên, ra ngoài xã hội, chúng sẽ sống sao khi có người cứ chỉ chỏ bảo rằng, bố chúng là tên tử tù.
Thời điểm Thủy bị bắt, hai đứa con mới đang tuổi ăn, tuổi học, cô con gái lớn mới học lớp 7, cậu em học lớp 4, tuy còn nhỏ nhưng cũng đủ hiểu những đổ vỡ đang xảy ra quanh chúng. Vậy nhưng, được sự động viên của người mẹ, cả hai đều học rất giỏi. Vất vả về kinh tế và những tai tiếng mà chồng đem lại song vợ Thủy không một lời oán thán, thường xuyên động viên Thủy hãy cố gắng vượt qua những cơn vật vì đói m‌a tú‌y để “dù có chết cũng không còn là con nghiện”.
Những lời động viên chí tình của vợ đã giúp Thủy cảm thấy yên tâm hơn nếu có ngày phải ra pháp trường cũng không còn nặng trĩu dằn vặt, đau khổ nữa. Đó là một may mắn mà không phải kẻ tử tù nào cũng có được.
May mắn thứ hai đến với Thủy là anh ta được ân xá, thoát t‌ử hìn‌h. Ngày ấy, với 2 bánh m‌a tú‌y mang theo người bị bắt quả tang, Thủy đinh ninh là mình sẽ chết và trong suốt khoảng thời gian chờ ngày trả giá ấy, đêm nào Thủy cũng cầu nguyện cho vợ con khỏe mạnh, chứ không hề cầu mong mình được sống.
Thủy bảo thời gian đầu ở trại giam, anh ta chỉ ân hận vì làm khổ vợ con nhưng khi nhận được thư con gái nói thương bố, tha lỗi cho bố thì Thủy không còn thấy chán chường, tuyệt vọng như những ngày đầu nữa. Thủy bảo vào thời điểm tuyệt vọng nhất, chưa bao giờ anh có ý định trốn tránh tội lỗi của mình nhưng để vượt qua những tháng ngày đó quả thật vô cùng khó khăn. Ý định viết di chúc chỉ xuất hiện khi một đêm, đang lầm rầm cầu nguyện và thao thức mong trời mau sáng, Thủy nghe thấy có người gọi tên mình, thế nhưng kẻ trả án hôm ấy lại không phải là Thủy.
Ngày đó, cạnh buồng biệt giam với Thủy cũng có một tử tù khác tên là Nguyễn Văn Thủy, quê ở Thái Nguyên, kém Phạm Khắc Thủy 5 tuổi, cả hai đều bị kết án t‌ử hìn‌h vì buôn m‌a tú‌y. 3 tháng là hàng xóm của nhau, đêm nào cả hai cũng rì rầm trò chuyện, thậm chí còn hát cho nhau nghe, rồi huyên thuyên về quá khứ, gia đình, vợ con của mình cho hàng xóm nghe. Với các tử tù, đêm là ngày và khi còn nhìn thấy ánh mặt trời, thì có nghĩa họ còn được sống thêm ngày nữa.
Một hôm, đang rì rầm trò chuyện thì tiếng cửa sắt ken két rung lên. Tiếng anh quản giáo vọng vào: “Thủy hôm nay đi trả án nhé”. Dù đã xác định tư tưởng nhưng khi nghe tên mình được “chấm”, Thủy thấy tim mình đau nhói, tay chân run rẩy không thể nhấc lên được. Để trấn tĩnh, Thủy xin cán bộ quản giáo cho thay bộ quần áo mới và hút điếu thu‌ốc là‌o.
Trong lúc Thủy ngồi hút thuốc, người quản giáo sang phòng bên cạnh gọi Thủy kia. Cứ nghĩ cả hai cùng ra pháp trường một hôm, giọng Thủy kia hồn nhiên: “Anh ơi, thế là anh em mình cùng đi một chuyến đấy”. Thủy đáp lại: “Ừ, lát qua Mộc Châu nhà anh ăn cơm nhé”. “Không, anh phải qua Thái Nguyên nhà em trước đã”. Sau mấy câu nói, Thủy kia được đưa ra khỏi phòng còn Phạm Khắc Thủy cứ ngồi hút thuốc đến sáng bảnh thì có người vào bảo: “Thủy chưa đến lượt nhé”. Câu nói ấy khiến Thủy như quỵ xuống, lòng trống rỗng chẳng biết vui hay buồn. Thủy bảo tuy chưa chết nhưng anh đã có một khoảng thời gian thực sự chết rồi.
Gặp Thủy ngày ấy ở trại giam công an tỉnh Hòa Bình, anh ta là một kẻ lầm lì, khắc khổ. Thủy ít nói và nếu như mở lời thì chỉ được vài câu là khóc. Anh ta ân hận, thương vợ con và hận bản thân mình.
Bẵng đi một thời gian, năm 2010, tôi lại gặp Thủy nhưng đó là một con người hoàn toàn khác. Thủy khỏe mạnh, rắn rỏi và hay chuyện hơn trước rất nhiều. Nhớ lại quãng thời gian ở phòng biệt giam rồi được xuống xiềng, Thủy vẫn chưa quên thời khắc đáng nhớ ấy.
Theo lời Thủy thì sau lần chết hụt ấy, anh ta hiểu thế nào là sự chấm hết nên những ngày sau đó, lúc nào cũng cảm thấy thời gian trôi thật nhanh. Lo sợ ngày mình ra đi chưa kịp dặn dò vợ con, Thủy nhờ xin hộ một cái ruột bút bi, lúc nào thấy an toàn, viết mấy dòng vào bên trong chiếc áo khoác. Khi những lời căn dặn vợ con được Thủy ghi dày đặc lớp vải lụa lót của chiếc áo, gửi người phạm nhân dọn dẹp, nhờ mang về cho vợ con Thủy khi anh ra trường bắn, không ngờ những dòng “di chúc” ấy cuối cùng chẳng được dùng tới.
Một tháng sau ngày người hàng xóm tên Thủy đi trả án, Thủy được nghe quyết định ân xá của Chủ tịch nước từ t‌ử hìn‌h xuống chung thân. Thoát chết, Thủy nhảy cẫng lên như đứa trẻ còn người bạn tù mà anh nhờ cầm hộ chiếc áo về cho vợ con Thủy thì ôm chầm lấy anh khóc nức nở. Niềm vui đến dồn dập khi đúng thời điểm Thủy được ân xá tha tội chết xuống án chung thân, cô con gái của Thủy thi đậu trường Đại học Luật Hà Nội còn cậu em có tên trong đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh.
Những lần trại tổ chức cho người nhà thăm gặp, vợ Thủy lại đưa hai con cùng xuống, nước mắt tràn mi nhưng là những giọt nước mắt hạnh phúc. Xem ra kẻ tử tù hụt này quá may mắn và để đáp lại sự may mắn của mình, Thủy nói rằng, anh sẽ cố gắng hết mình cải tạo, lao động để trả ơn cuộc đời, mong có ngày đoàn tụ với gia đình dẫu cho khi đó có muộn màng.
Bản lĩnh kẻ gây vụ cướp tiệm vàng đình đám
Giờ thì Nguyễn Mạnh Cường, sinh năm 1973, một trong 4 kẻ gây vụ cướp tiệm vàng 250 Hoàng Văn Thụ, TP Nam Định đình đám, trú tại TP Thái Bình, đã là một công dân được mấy năm rồi nhưng mỗi khi nhớ lại những lần gặp Cường trong trại giam, từ “vai” một tử tù đến kẻ có án không thời hạn rồi xuống có thời hạn và chuẩn bị ra trại, tôi vẫn có nhận xét rằng Cường là một kẻ có bản lĩnh dám làm, dám chịu.
Chưa khi nào, kể cả lúc bị kết án t‌ử hìn‌h, Cường có một lời nói đổ lỗi cho hoàn cảnh, số phận hay đồng bọn…mà trên hết chỉ là một sự chấp nhận.
Nguyễn Mạnh Cường ngày còn ở trại giam Nam Hà.
Cường sinh ra trong một gia đình công chức và danh giá. Chính vì tiếng nói của ông bà, bố mẹ có ảnh hưởng lớn trong xã hội đã khiến Cường sớm trở nên tự phụ, kiêu căng và nhờn Pháp Luật. Sau một chuỗi những lần vi phạm đều được ông hoặc bố bảo lãnh, xin tha, Cường khiến cả dòng họ nổi danh khi cùng 3 đối tượng nữa thực hiện vụ cướp tiệm vàng ở Nam Định.
Ngày ấy, việc cầm vũ khí xông vào tiệm vàng cướp rồi quăng lựu đạn, chống trả quyết liệt khi bị truy bắt, làm 4 cảnh sát bị thương… là chuyện hiếm xảy ra nên vụ cướp khiến cả nước chấn động. Một tên bị tiêu diệt tại chỗ, ba tên còn lại trong đó có Cường đều phải trả giá bằng mức án cao.
Ngày gặp Cường ở phòng biệt giam với tấm áo tử tù cách đây hơn 20 năm, tên cướp có dáng người nhỏ thó cứ nhỏ nhẹ trò chuyện như thể đã đoán trước kết cục này. Cường bảo ngày đó không phải vì gia đình thiếu thốn; cũng chẳng phải vì cần tiền để chi tiêu mà chỉ đơn giản vì thấy chị gái của Quang bị bạn hàng lừa hết tiền nên “mấy thằng bảo nhau làm một việc gì đó để đỡ chị Quang”.
Thời gian tạm giam, biết tin Quang bị bắn chết tại chỗ, Cường đoán chắc mình cũng chung số phận nên không cảm thấy sốc hay đau khổ gì cả. Rồi khi bị kết án t‌ử hìn‌h, Cường lại tự an ủi rằng mình chết thì gia đình đỡ khổ, đằng nào vẫn còn thằng em trai “nối dõi”.
Với suy nghĩ còn sống ngày nào phải “quậy” ngày ấy, Cường không chỉ gây sự với bạn tù mà ngay cả khi phải sống một mình một buồng giam, anh ta lúc nào cũng ông ổng, hết hát lại chửi bới. Rồi ông ngoại tới thăm, Cường bỗng dưng khác hẳn. Chỉ sau một đêm thôi mà anh ta đổi khác, không còn như “trâu đánh chuồng” trong suốt 2 tháng vào buồng biệt giam nữa.
Hóa ra Cường đã biết tin về gia đình, biết bố nghỉ việc, biết mẹ liệt giường vì tai biến và chuyện cô em gái đang học ở trường múa bỏ nhà đi lang thang rồi cậu em trai bập vào m‌a tú‌y. Kể từ hôm đó, Cường chẳng khác nào cái bóng, trầm tư và im lặng. Chẳng giống các tử tù khác, thức đêm, ngủ ngày, Cường luôn dậy thật sớm, ăn mặc chỉnh tề để có đi trả án cũng được đàng hoàng. Vậy mà anh ta lại được sống.
17 năm sau, năm 2008, trong chuyến vào trại giam Nam Hà công tác, tôi bất ngờ gặp lại Cường. Vẫn dáng người nhỏ con và gương mặt xương xương; vẫn cách nói chuyện chầm chậm như nhả từng từ một, Cường có vẻ chín chắn hơn rất nhiều. Kể về ngày được xuống xiềng, Cường bảo không thể quên được khoảnh khắc đó bởi luôn đinh ninh rằng mình sẽ phải chết.
“Mờ sáng ngày 10.12.1992, nghe tiếng chìa khóa lách cách nơi cửa buồng giam, mặc dù đã chuẩn bị tâm lý từ nhiều tháng rồi, em vẫn thấy mồ hôi chảy dọc sống lưng. Một cơn gió lạnh ùa vào phò‌ּng th‌ּeo cánh cửa mở, em cố giữ giọng bình thản mặc dù hai chân run lẩy bẩy: 'Cho tôi xin được tắm rửa rồi đi đâu thì đi', nói thế thôi chứ tâm trạng em lúc đó đâu còn nghĩ đến chuyện tắm rửa nữa.
Người ta đưa cho em thùng nước, bộ quần áo mới, em thay đồ mà chẳng biết nước trong thùng lạnh hay nóng. Đến lúc ra ngoài, thấy người cán bộ giở tờ giấy ra đọc, đầu óc em lúc đó cứ quay cuồng cho tới khi có người bảo: 'Sống rồi, không biết à', mới chợt bừng tỉnh. Hóa ra đó là Quyết định ân xá của Chủ tịch nước Lê Đức Anh, miễn tội chết cho em. Mừng đến nỗi chẳng biết khóc hay cười, suốt chặng đường lên trại Nam Hà thi hành án chung thân ngay sáng hôm đó, em cứ nghĩ đời mình quá may mắn”, Cường kể.
Lần gặp thứ hai ấy, tử tù Nguyễn Mạnh Cường được đánh giá là phạm nhân án có thời hạn, tích cực cải tạo nên chỉ hơn 1 năm nữa là hết hạn tù. Lần gặp ấy, Cường khoe đã dự định một số việc cho ngày trở về để hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Biết tôi hay về Nam Định, trước khi chia tay, Cường nhắn nhủ: “Chị có gặp ông Phan Vĩnh thì bảo chuyện cũ qua lâu rồi, đừng chấp em nhé”. Tôi cười vì biết Cường lo, cũng định au ủi một câu yên tâm nhưng rồi lại thôi khi chợt nghĩ rằng biết đâu việc day dứt về những lầm lỗi đã qua sẽ khiến Cường sống tốt đẹp hơn, biết suy nghĩ hơn.
Lá đơn hiến xác chưa kịp gửi của tử tù
Tự tử để đỡ bị bắt, khi không được thì viết đơn hiến xác cho khoa học song cuối cùng lại được ân xá là một hành trình dài hơn chục năm của tử tù Đặng Văn Thế, ở Đô Lương, Nghệ An. Nói Thế may mắn cũng đúng song với nếu xét chặng đường hơn 12 năm sống trong phòng giam dành cho tử tù, ngày nào cũng thót tim chờ đợi thì mới thấy thật kinh khủng. Ấy thế mà Thế vẫn hồn nhiên làm thơ, nuôi mèo và còn có tâm trí để bình luận bóng đá, thời sự nữa thì thật không thể hiểu nổi.
Phạm nhân Đặng Văn Thế ngày còn ở trại tạm giam công an tỉnh Nghệ An.
Thế sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con, vì muốn mở cho cô vợ mới cưới một sạp hàng ngoài chợ nên với tư cách là một phụ xe, anh ta đã giấu chủ xe, nhận chở thuốc phi‌ện để ăn tiền công cao. Ba lần trót lọt, đến lần thứ 4, bao 20kg thuốc phi‌ện bị phát hiện và Thế phải trả giá bằng bản án cao nhất. 22 tuổi trở thành tử tù, quẩn quanh trong 4 bức tường gần 13 năm song quãng thời gian đó tử tù này đã trải qua nhiều cung bậc tâm trạng khác nhau mà càng về sau càng khiến người khác tò mò, ngạc nhiên.
Năm 2004, tôi gặp Thế khi đó đang là một tử tù nhưng đã qua cái thời bi quan chán nản. Không còn chuyện bỏ bữa để tuyệt thực nữa mà Thế đã biết tiếc suất cơm để hỏng của mình bằng cách nuôi chú mèo tình cờ lọt vào. Một con rồi hai con đến khi là một đàn mèo đông đúc, Thế đã biết tiếc cuộc sống hơn và đấy cũng là thời điểm anh ta biết viết ra tâm sự, cảm nghĩ của mình về cha mẹ, gia đình qua những vần thơ.
Hai năm sau gặp lại, Thế vẫn là một tử tù, nước da bờn bợt và mái tóc đã thưa dần vì cớm nắng nhiều nhưng đôi mắt thì đã le lói hy vọng cho dù với một tử tù thì chẳng biết hy vọng về điều gì. Thế cho tôi xem những bài thơ do anh ta sáng tác, kể cho tôi nghe về gia đình và tịnh không một câu oán trách khi nhắc tới người vợ đã đi lấy chồng. Thế bảo thương mẹ thì đã đành nhưng càng ở trong trại lâu mới thấy thương cán bộ nhiều nên cố lạc quan chứ sống để mà chờ chết thì làm sao mà vui cười được.
Lần công tác vừa rồi lên trại 6, tôi tình cờ gặp lại Thế. Nhận ra người quen, Thế cười, tíu tít kể chuyện như thể bạn cũ lâu ngày mới gặp. Thế khoe đã sáng tác thêm nhiều bài thơ nữa và điều quan trọng là anh ta còn đoạt giải nhất cuộc thi viết về lầm lỗi của mình do Tổng cục trại giam Bộ Công an tổ chức.
Vẫn đôi mắt ấy, gương mặt ấy nhưng Thế của ngày hôm nay là chứa chan hy vọng. Thế bảo thoát chết, được sống là còn cơ hội để về với mái nhà xưa, được cảm nhận không khí gia đình cho dù khi đó anh chị em chẳng còn đầy đủ.
Trong bài dự thi của mình, Thế đã kể rất thật về tâm trạng của mình: “Tôi còn nhớ vào một buổi chiều thu trời mưa rất lớn vì nhớ bố mẹ già ở quê, nhớ người vợ trẻ vừa mới cưới nên tôi đã gào thét và khóc lóc…”.
Khỏi phải nói cũng có thể hiểu tâm trạng của một kẻ đang tuổi đôi mươi mơn mởn, phải sống trong một ô vuông nhỏ bé với cùm và xích thì bi đát đến chừng nào, nhất là anh ta lại vừa mới quen với cảnh có vợ để bầu bạn. Nếu đúng như ai đó nói “60 năm cuộc đời” thì Thế đã có 1/5 thời gian sống trong khắc khoải, lo bị dựng dậy vào sáng sớm để ra pháp trường đền tội nên gần như cả quãng thời gian đó lấy ngày làm đêm.
Thế đã viết rất thật về hoàn cảnh của mình lúc đó: “Tôi đã không còn dám ngủ vào ban đêm nữa, ngoại trừ thứ 7 và chủ nhật còn lại các ngày khác trong tuần thì tuyệt nhiên không dám ngủ. Giấc ngủ chỉ đến với tôi khi tiếng gà gáy sáng của mấy nhà dân ở gần trại cất lên. Chuyện không dám ngủ vào ban đêm chẳng phải riêng gì tôi mà đối với tất cả tử tù”.
Nhắc lại chuyện lá đơn hiến xác cho khoa học, Thế bảo vì thời điểm đó đang rất chán đời nhưng càng chán lại càng muốn sống, càng muốn được tồn tại trên thế gian này dù ở dạng nào cũng được. Gần một ngàn đêm thức, ngày ngủ, bản án t‌ử hìn‌h về tội m‌a tú‌y chưa được thực thi thì án t‌ử hìn‌h cho hôn nhân đã được vợ gửi vào khiến cho Thế như điên loạn.
Cả một đêm gào khóc, được giám thị trại gọi lên trò chuyện, Thế nhận ra rằng cuộc sống thật đáng quý và dù sống ở thể trạng nào thì cũng thật có ý nghĩa với một đời người. Chính từ lời khuyên của giám thị, Thế đã có động lực để viết hai lá đơn. Một lá tố giác tội phạm và lá đơn nữa đề nghị được “sống” tiếp trong phòng thí nghiệm.
Lá đơn tố giác tội phạm được chuyển cho cơ quan điều tra còn lá đơn hiến xác, theo lời khuyên của người giám thị, Thế đã giữ lại và nó đã trở thành vô duyên khi được ân xá, nhưng với Thế thì lá đơn ấy là minh chứng cho một tình cảm thiêng liêng anh ta dành cho người giám thị già. Thế bảo ngày ấy, sau khi phát hiện anh viết đơn hiến xác, chính ông Hoàng Tuấn Tú, giám thị trại tạm giam công an tỉnh Nghệ An đã gọi Thế lên phòng làm việc hỏi lý do viết lá đơn ấy.
“Thú thật là trong đầu tôi lúc đó thoáng nghĩ mình sẽ bị kỷ luật bởi viết đơn khi chưa được phép nhưng sau khi nghe tôi trình bày, ông ấy đứng dậy xoa đầu tôi và bảo: 'Lương tâm anh đã thật sự sám hối. Bây giờ tôi sẽ gửi lá đơn tố giác tội phạm cho cơ quan điều tra còn lá đơn hiến xác này, tôi sẽ tạm giữ lại, hy vọng anh sẽ không cần đến nó”, Thế kể. Và đúng như lời tiên đoán của người giám thị trại giam, sau hơn chục năm khoác áo tử tù, Thế đã không cần tới lá đơn hiến xác để “sống” nữa. Ngày 23.6.2009, đơn xin được tha tội chết của Thế được Chủ tịch nước phê chuẩn và sau “hai thế kỷ thấp thỏm chờ chết”, Thế đã được ân xá về trại giam số 6 cải tạo với bản án chung thân.
Nhắc lại những kỷ niệm ngày nào ở trại tạm giam, Thế cứ cười còn tôi thì đổ lỗi cho số phận. Có những con người cứ chợt đi qua mình không bao giờ gặp lại song cũng có những số phận, cứ nghĩ sẽ chẳng có dịp gặp lại, không ngờ lại vẫn có lần gặp tiếp theo và biết đâu sau này vẫn còn gặp nữa.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật