Một góc khác của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thương hiệu văn chương Nguyễn Huy Thiệp không còn giới hạn ở biên giới Việt Nam nữa. Điều này thì ai cũng biết. Nhưng, độc giả ít biết đến một “góc khuất” của người đàn ông viết văn này, đó là hội họa: vẽ trên gốm…
Một góc khác của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (phải)

Tranh của Nguyễn Huy Thiệp đang được trưng bày trong một sự kiện khá lạ. Nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh, ông chủ "khách sạn chó mèo” đã tổ chức "sự kiện 3 trong 1” liên quan đến những con vật gắn bó với ông. Dịp này, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (bạn Nguyễn Bảo Sinh) trưng bày và bán đấu giá vài trăm bức tranh vẽ trên gốm, đá ngay tại tư gia của ông Nguyễn Bảo Sinh (167 Trương Định, Hà Nội).
Song hành với nghề văn, Nguyễn Huy Thiệp vẫn âm thầm với hội họa như một niềm an ủi khi cuộc đời gặp phải những trở ngại. Ông đặc biệt thích vẽ, nhưng ông luôn biết mình là ai. Nguyễn Huy Thiệp thú nhận: Ngay từ thời sinh viên ông đã mơ ước mình sẽ trở thành một họa sỹ. Ông theo đuổi hội họa bằng sự đam mê. Một thời gian ông theo họa sỹ Phạm Đức Song học vẽ. Từ những năm 1970, sau khi ra trường, xung phong lên Tây Bắc dạy học 10 năm, Nguyễn Huy Thiệp vừa dạy học vừa tham gia vẽ ở báo Sơn La đổi mới. Trở về Hà Nội, ông công tác ở NXB Giáo dục với vai trò là họa sỹ. Làm họa sĩ ở NXB Giáo dục được 3 năm, Nguyễn Huy Thiệp sang Cục Bản đồ với vai trò là họa sĩ. Lúc này Nguyễn Huy Thiệp đã rất nổi tiếng trong làng văn chương với hàng loạt truyện ngắn gây tiếng vang: "Tướng về hưu”, "Vàng lửa”, "Những ngọn gió Hua Tát”... Cũng trong thời gian này, có rất nhiều biến cố với những người làm văn nghệ có tư tưởng đổi mới, trong đó có Nguyễn Huy Thiệp. Ông thôi việc và nghỉ ở nhà.
Từ đó là những ngày kiếm sống bằng nghề viết và vẽ. Nguyễn Huy Thiệp cho rằng ông là một nhà văn, đến với hội họa như một nghề để tạm thời nuôi gia đình. Theo lời ông kể, hai năm trời sáng nào ông cũng dậy từ 5 giờ sáng để đạp xe sang làng Bát Tràng vẽ thuê cho một chủ lò gốm. Một ngày làm liên tục từ sáng đến tối, vẽ đủ các loại tranh, hoa văn, họa tiết lên các đồ gốm, lên đĩa, lên các lọ lộc bình, đến các chậu cây cảnh. Ông được chủ lò trả công 25 ngàn đồng/ngày. Tuy vất vả, nhưng chính hai năm làm nghề vẽ gốm ở Bát Tràng, Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu mê vẽ gốm. Sau những trang viết, để thư giãn, Nguyễn Huy Thiệp lại quay về với nghề chính đã từng dùng để "kiếm cơm” là hội họa. Nguyễn Huy Thiệp khắc họa chân dung rất tài tình. Chỉ một vài nét ông đã "chớp” được thần thái của các bạn văn mà ông yêu thích, như chân dung Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc, Hoàng Trần Cương, Đồng Đức Bốn…. Những đĩa gốm ông làm chỉ để tặng bạn bè chứ không bán. Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ: Vẽ với ông chỉ là một thú chơi cá nhân. Tuy đã vẽ hàng trăm bức chân dung trên gốm nhưng ông không có "gu” hội họa, và mãi mãi không thể trở thành một họa sỹ. Nói về Nguyễn Huy Thiệp, một độc giả thân thiết với ông nhận xét: Nhớ về Hà Nội, tôi luôn thấp thoáng hình ảnh của một con người bao dung mà sâu sắc, sống nhẹ nhàng, điềm đạm. Đó là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Tôi và ông Thiệp có thể ngồi hàng giờ để kể những câu chuyện xưa hay nói về thời của chúng tôi bây giờ. Lúc nào bác ấy nhắc đi nhắc lại rằng, hãy sống như một người bình thường.
Một bất ngờ, hai cậu con trai của Nguyễn Huy Thiệp lại nối dài giấc mơ dở dang của bố khi cùng theo hội họa. Đặc biệt, họa sĩ Nguyễn Phan Bách đã gây tiếng vang với một số triển lãm cá nhân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật