Giới trẻ ngại dấn thân?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nói về mong ước nghề nghiệp trong tương lai, giới trẻ thường tỏ ra lạc quan, tràn đầy hy vọng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu giáo dục đã cảnh báo, nhiều học sinh, sinh viên sau khi ra trường vẫn thiếu những kỹ năng để hiện thực hóa ước mơ của mình.
Giới trẻ ngại dấn thân?
Phần lớn học sinh sinh, viên đều có ước mơ nghề nghiệp

Thiếu kỹ năng mềm

Nghiên cứu “Nhận thức và thái độ của HSSV về định hướng tương lai” do viện Nghiên cứu giáo dục thực hiện trên 2.000 học sinh THPT và sinh viên tại 4 thành phố lớn là TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ thời gian vừa qua cho thấy, học sinh sinh viên có nhiều ước mơ đẹp cho tương lai của mình. Trong đó có hơn 80% cho rằng có thể thực hiện được những ước mơ và tin rằng tự mình quyết định tương lai đó. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy các em chưa dám dấn thân vào đời và chưa muốn thiết lập cuộc sống độc lập. Thay vì tìm kiếm những công việc, nghề nghiệp để nuôi sống bản thân, gia đình thì các em vẫn mong muốn tiếp tục học lên đại học (75,4%) hay đi du học (23,2%) như một cách để trang bị kiến thức nghề nghiệp cho tương lai.

Không chỉ né tránh bước vào cuộc sống tự lập, thực tế cũng cho thấy hầu hết học sinh, sinh viên vẫn còn mơ hồ về hướng đi và mục tiêu phấn đấu của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điển hình như để chuẩn bị cho sự nghiệp các em còn nhận thức mơ hồ về các yêu cầu mà việc làm đòi hỏi và chỉ biết tập trung vào học các kiến thức chuyên môn mà chưa coi trọng các kỹ năng mềm. Khi được hỏi, phần lớn sinh viên học sinh đều cho biết dự định tương lai của mình là học giỏi các môn học tại trường hoặc chỉ cần học giỏi ngoại ngữ là quá đủ. Các em chưa đánh giá cao việc tham gia các câu lạc bộ đội nhóm hay hoạt động xã hội giúp phát triển kỹ năng mềm.

Theo các chuyên gia giáo dục, kiến thức học từ cuộc sống lớn gấp 3 lần những gì các em học được từ nhà trường. Thế nhưng, đa số học sinh sinh viên lại cho rằng kiến thức chủ yếu từ nhà trường nên cứ muốn học lên nữa. Điều đó chứng tỏ học sinh sinh viên đang ngại dấn thân, tức là các em đang ngại và khó để trở thành người trưởng thành. Đây thực sự là mối lo, là điều bất lợi đối với cá nhân học sinh sinh viên cũng như  xã hội.

“Thực tế, nhà trường và phụ huynh vẫn còn nặng về thi cử, chỉ mới tập trung vào các môn văn hoá. Một bộ phận học sinh còn chậm tiến bộ, ít nghe lời, chưa tạo được động lực cũng như ý thức trong học tập” - Đó là nhìn nhận của cô giáo Nguyễn Thị Thuận (THCS Giảng Võ - Hà Nội). Cô Thuận cũng tỏ ra phân vân: tỉ lệ học sinh đỗ vào các trường cao đẳng đại học ngày càng cao, nhưng trong số đó có bao nhiêu em học vì sở thích, nguyện vọng của chính bản thân mình và có định hướng nghề nghiệp một cách rõ ràng?...

Thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - cũng nhận xét: Việc định hướng tương lai, hướng nghiệp cho học sinh ngay trong trường phổ thông vô cùng quan trọng. Học sinh cần được định hướng, hướng nghiệp  ngay từ khi ngồi trên ghế phổ thông. Tuy nhiên, gia đình và nhà trường đang quá chạy theo kiến thức mà không trang bị những kĩ năng mềm cho các em. Nhiều em, chỉ đến khi gần thi tốt nghiệp trung học phổ thông mới tìm hiểu, chọn nghề để đăng ký thi đại học. Nhiều em chọn nghề hoàn toàn theo cảm tính nên khi vào học hoặc ra trường đã cảm thấy hẫng hụt, chán nản, bỏ học, bỏ nghề.

Hiện thực hóa mơ ước

Ước mơ là mong muốn và là bước khởi đầu của tương lai mỗi người, song làm thế nào để thực hiện ước mơ ấy không chỉ là câu hỏi chung của học sinh sinh viên mà còn của chính các nhà giáo dục trong việc giúp các em định hướng và hiện thực hóa ước mơ nghề nghiệp của chính mình.

Học kiến thức chưa đủ, học sinh sinh viên cần học cả những kỹ năng mềm để bắt nhịp và hòa đồng với cuộc sống. Ảnh: Lê Văn

GS Trương Nguyện Thành - GS cao cấp ĐH Utah (Mỹ) - đã từng tổng kết từ chính cuộc đời mình (cuộc đời của một học sinh nghèo, học không giỏi của tỉnh Bình Dương, từng phải đi cày mướn để giúp gia đình...) cho rằng 3 yếu tố để thành đạt là: Năng lực - quyết tâm - cơ hội. Trong đó quyết tâm quan trọng hơn năng lực, cơ hội không phải ngồi chờ mà có, mà phải tự đi tìm lấy.

“Trường học trang bị gì cho học sinh?”. Các thầy cô giáo đều khẳng định: Trường học hiện nay chủ yếu trang bị năng lực thông qua việc truyền đạt kiến thức khoảng 10 môn học. Năng lực này được đánh giá bằng cách duy nhất là điểm số thông qua bài kiểm tra các môn học và thi cử. Những học sinh giỏi văn và toán thường được giáo viên đánh giá cao và được tiên đoán là thành đạt hơn. Điều này đôi khi khiến giáo viên có sự đánh giá “không công bằng” với các em thuộc diện giỏi thể dục thể thao, nghệ thuật hay có “tài vặt” nào đó. Thực tế còn cho thấy, những em xuất sắc các môn học được coi trọng, ra đời thường là người thành đạt (ở các cấp độ cao thấp khác nhau) trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy... Nhưng nhiều người không thuộc loại xuất sắc cũng thành đạt, thậm chí rất thành đạt trong vô vàn lĩnh vực khác của cuộc sống. Điều này chứng tỏ, có thể đó là do mải trang bị năng lực, kiến thức cho học sinh mà chúng ta bỏ qua trang bị cho các em quyết tâm và cách tìm cơ hội.

Để khắc phục tình trạng “ngại dấn thân” cũng như thay đổi quan niệm trong cách nhìn nhận, định hướng tương lai của giới trẻ Việt Nam, các nhà nghiên cứu giáo dục đã đề xuất nhiều giải pháp trước mắt như: cần tận dụng sự hỗ trợ của các tổ chức, công ty có các chương trình hợp tác với nhà trường, viện nghiên cứu nhằm tổ chức các hoạt động xã hội cần thiết cho học sinh sinh viên. Cùng đó, cần nâng cao vai trò của đoàn thanh niên, hội sinh viên trong công tác đoàn thể, xã hội một cách thực tế, đáp ứng nhu cầu của học sinh sinh viên. Mặt khác, công tác tư vấn trong trường học lâu nay vẫn bị bỏ ngỏ, xem nhẹ cũng cần được cải tiến và nâng cao chất lượng. Cần đẩy mạnh việc sử dụng và tận dụng vai trò của các chuyên gia tâm lý, tư vấn trong việc giúp đỡ học sinh sinh viên giải quyết những tình huống khó khăn, tư vấn các kỹ năng nghề nghiệp, định hướng tương lai, tập trung trí tuệ…

Đối với các giải pháp lâu dài thì các cấp quản lý, trường học cần có sự cải tiến trong quá trình giảng dạy học tập hiện nay. Làm sao để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh sinh viên trong việc lên kế hoạch học tập của mình. Việc xây dựng và thiết kế các chương trình giáo dục phải có tính liên kết, liên thông, có hệ thống và khoa học. Triệt để hơn nữa phương thức dạy học tự chọn và tăng cường các hoạt động ngoại khóa, xã hội, tập thể và rèn luyện thể chất. Bên cạnh đó, cần đưa ra các chuẩn mực chất lượng cho từng cấp học. Công tác tư vấn học đường cũng cần được quan tâm đúng mức, thu hút học sinh vào các trường nghề đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật