Tranh màu nước của Hồ Văn Hưng

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một phòng tranh thuần chất liệu màu nước là điều khá hiếm hoi trong sinh hoạt mỹ thuật hiện nay, càng hiếm khi tác giả còn trẻ.
Tranh màu nước của Hồ Văn Hưng
Quê 9

Có lẽ đó chính là nét đặc trưng để Hồ Văn Hưng lấy tên triển lãm cá nhân lần thứ ba của anh đơn giản là “Màu nước” (gallery Tự Do, 53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP. Hồ Chí Minh, từ 8 đến 28/6).Buổi đầu làm quen với hội họa, hầu như ai cũng được học vẽ tranh màu nước, nhưng để sử dụng thuần thục chất liệu “dễ mà khó” này đòi hỏi rất nhiều công phu trong khi tranh thường chỉ được vẽ với khổ nhỏ trên giấy và kén khách mua nên dễ hiểu vì sao không có nhiều người trẻ theo đuổi thể loại hội họa này.

Thật ra, trong lịch sử mỹ thuật từ Đông sang Tây, màu nước đã được các họa sĩ sử dụng từ rất lâu. Ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, tranh màu nước đã có truyền thống từ xa xưa.

Màu nước dạng sơ khai đã được vẽ trong các hang động ở châu Âu thời tiền sử, là loại chất liệu vẽ minh họa sách viết tay thời Trung cổ và bắt đầu được các họa sĩ thời Phục hưng sử dụng nhiều để vẽ tranh.

Trong số các tên tuổi lớn của hội họa phương Tây cận đại và hiện đại có William Turner, Eugène Delacroix, Winslow Homer, John Singer Sargent, Honoré Daumier, Wassily Kandinsky, Emil Nolde, Paul Klee, Egon Schiele, Raoul Dufy, Georgia O’Keeffe, John Marin… Ở Việt Nam, cố họa sĩ Lưu Công Nhân ở trong số các họa sĩ rất giỏi kỹ thuật màu nước.

Lò gạch cũ

Trở lại với phòng tranh “Màu nước”, bằng thứ chất liệu đã theo đuổi từ nhiều năm qua, Hồ Văn Hưng tiếp tục mảng đề tài thân thuộc của anh: tranh phong cảnh vốn dĩ rất thích hợp với màu nước.

Bằng cách ấy, Hồ Văn Hưng lưu giữ trong tranh phong cảnh ở những nơi anh đã đi qua và phong cảnh quê nhà của anh ở Nghệ An mà như anh hồi tưởng: “Trên những bước chân phiêu linh của cuộc đời, qua bao nẻo đường không nhớ hết tên; khi được trở về nơi những vùng quê yên tĩnh, tôi lại muốn để chân trần dẫm lên bờ cỏ dại, để thấy mình vẫn là đứa trẻ chăn trâu có mái tóc vàng hoe và nước da đen vì nắng gió. Tuổi thơ, những câu ca dao, tục ngữ, những lời hát bâng quơ của người mẹ ru con cứ theo mãi trong những bức tranh tôi…”.

Phong cảnh quê 5

Ở phòng tranh này, có hai mảng khác nhau: một mảng được vẽ thật chi tiết và mảng kia là những ghi chép nhanh. Khi đặc tả những tàu lá dừa hay dừa nước, gốc tre khô, dây tầm gửi…, tác giả cho thấy anh đã khai thác rất thành công yếu tố nắng – ánh sáng: nắng loang trên con rạch in bóng bụi tre xanh đã được nắng dát vàng từng đốm, nắng tỉa tót, làm đẹp những tàu lá dừa…

Có thể xác định được thời điểm họa sĩ vẽ tranh căn cứ vào cách anh diễn đạt nắng trong tranh. Còn trong những ghi chép nhanh, anh đã giản lược hình ảnh, chỉ để lại trên mặt tranh những nét chấm phá lung linh, phiêu phất của con đường làng quanh co, đứa trẻ chăn trâu đi dưới bóng mát của những tán cây, những đụn rơm vàng sau mùa gặt, cái lò gạch cũ tuềnh toàng mái rạ, cánh đồng trải dài dưới chân núi mờ xa, hay đơn giản hơn nữa chỉ là vài ngọn cây lặng lẽ…

In bóng
Miền Tây Nam bộ

Sau “Phong cảnh” (triển lãm đầu tiên tại Huế, 2004) và “Cây và nắng” (triển lãm tại TP. Hồ Chí Minh, 2011) đến “Màu nước” lần này, Hồ Văn Hưng cho thấy anh vẫn trung thành với con đường mình đã chọn từ khi dấn mình vào nghệ thuật.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật