Người thích lưu giữ kỷ vật

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quả thực, chưa bao giờ tôi được thấy những kỷ vật của một gia đình, của một người nổi tiếng được lưu trữ chuyên nghiệp, phong phú, tỉ mỉ như thế.
Người thích lưu giữ kỷ vật
Giấy thông hành do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký.
Tôi biết tiếng PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) đã lâu, bởi lẽ ông quá nổi tiếng với việc xây dựng một bảo tàng dân tộc học gần gũi, thiết thực, hấp dẫn với những nhà trình tường, lưu giữ trò chơi dân gian cho các em thiếu nhi, trưng bày hiện vật thời bao cấp... thu hút nhiều lượt khách tham quan. Nhờ có ông với những cách làm táo bạo mà tôi thấy bảo tàng là cái gì đó không cũ kỹ, trái lại, nó mang dấu ấn lịch sử, văn hóa sống động. 

Kho tàng "bí ẩn"
Giờ ông Huy đã nghỉ hưu. Cứ nghĩ "hưu thì thôi", chắc ông sẽ loanh quanh luẩn quẩn ở nhà, đọc vài cuốn sách, nghiên cứu thêm những gì ông thích... nhưng thật bất ngờ, ông vẫn chăm chú, say mê với công tác bảo tàng và di sản. Trong nhà ông là cả một kho tàng kỷ vật về GS Nguyễn Văn Huyên - cụ thân sinh ra ông. Nhiều kỷ vật không chỉ giới hạn của một gia đình mà mang tính lịch sử.
Cha của PGS Nguyễn Văn Huy là cố GS Nguyễn Văn Huyên (1908 - 1975), nhà sử học, dân tộc học, giáo viên, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam (chức danh tương đương Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo ngày nay).
Có lẽ tôi may mắn khi được xem, tiếp cận một kho tàng những kỷ vật gia đình như thế. Quả thực, chưa bao giờ tôi được thấy những kỷ vật của một gia đình, của một người nổi tiếng được lưu trữ một cách chuyên nghiệp, phong phú, tỉ mỉ như thế - nhất là khi nó đang còn ở trong phạm vi gia đình, chưa được trưng bày rộng rãi. "Kho tàng" nằm ở tầng 2, nơi gia đình ông Huy đang sinh sống. Nó là một căn phòng nhỏ, thoạt trông bình thường như bao căn phòng khác. 
Khi PGS Nguyễn Văn Huy dẫn tôi lên tầng 2, đèn bật lên, tôi nhìn quanh, chưa thấy gì đặc biệt. Nhưng rồi, tôi phải ngỡ ngàng, vừa ngưỡng mộ, vừa khâm phục sự tỉ mỉ và đặc biệt là trân trọng giá trị quá khứ, giá trị gia đình... của ông Huy. Qua sự lưu trữ, có thể nhận thấy ông đặc biệt dành sự trân trọng với đấng sinh thành của mình: Cha và mẹ; ngoài ra là trân trọng giá trị gia đình, bởi ông lưu trữ cả những vật dụng khác liên quan đến những sự kiện quan trọng của gia đình, anh chị em...
"Hồ sơ" một con người
Một chiếc hộp nhựa được bê ra. Bình thường, chiếc hộp này hay được nhiều bà nội trợ thành phố trữ gạo, hoặc để đồ cho con. Nhưng chiếc hộp trong gia đình ông Huy dùng lưu trữ những kỷ vật của GS Nguyễn Văn Huyên gồm sách, bút tích, bản thảo, các tài liệu... Ở bên ngoài hộp ghi quãng thời gian liên quan đến những thứ lưu trữ ở trong, ví dụ như: "Ghi chép của ông Huyên 1929 - 1934", "ông Huyên 1946 - 1954". Vậy là có thể hiểu, di sản một quãng đời của GS Nguyễn Văn Huyên được "gói" trong chiếc hộp ấy.
Mở hộp ra, đọc các tài liệu, xem bút tích... có thể hiểu được phần nào về cuộc đời GS Nguyễn Văn Huyên trong giai đoạn đã ghi chú bên ngoài. Ghi chép bài nghe giảng của ông Huyên năm 1929 về văn minh Trung Hoa; giấy thông hành do Bộ trưởng Bộ Nội vụ cấp cho GS Nguyễn Văn  Huyên ngày 23/10/1945; giấy chứng minh do Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh cấp năm 1946; chứng minh thư do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh cấp năm 1955... Tất cả những gì thuộc về "hồ sơ cuộc đời" cha mình được ông Huy cất giữ rất cẩn thận, ép plastis hoặc không nhưng đều thẳng thớm, ngăn nắp, có trật tự, theo trình tự thời gian.
Cảm xúc thật khó tả khi được xem tận mắt những thứ rất đời thường gắn liền với một con người nổi tiếng từ thế kỷ trước như chiếc tủ kính có từ thời GS Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục; cánh tủ đã hơi mọt nhưng sạch sẽ không hề có bụi (chứng tỏ nó được lau thường xuyên), vải rèm đã bạc phếch. Như ở nhà người khác thì cái tủ đã được thanh lý từ lâu rồi. Nhưng ở đây, chiếc tủ vẫn được bảo quản để thế hệ sau hình dung: một thời các vị cấp Bộ trưởng đã được dùng cái tủ như thế nào. Trong tủ không để không mà chứa đầy sách chữ Hán và hồ sơ nghiên cứu của GS Nguyễn Văn Huyên.
Một cái ống nhòm, một cái hòm sắt tây giống chiếc va li mà GS Nguyễn Văn Huyên thường dùng khi đi tản cư thời 9 năm kháng chiến ở Việt Bắc... bất cứ chỗ nào trong căn phòng cũng là những kỷ vật. Và sách, băng đĩa nhạc kinh điển... rất nhiều, thoạt trông thì đồ vật ngổn ngang, nhưng dưới bàn tay và sự chuyên nghiệp của người có chuyên môn về bảo tàng, lưu trữ như ông Huy, mọi thứ rất ngăn nắp, trật tự.
Tờ chương trình Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch của Ủy ban lễ tang nhà nước
được GS Nguyễn Văn Huyên và nay người con là PGS Nguyễn Văn Huy
lưu giữ.
"Mẹ kể con nghe về cha"
Tôi để ý thấy trong một cái tủ mơi mới hơn, có tài liệu ghi "Mẹ kể con nghe về cha". tò mò hỏi, ông Huy trả lời: "Đây là băng đĩa và sổ tay ghi lại lời mẹ tôi kể về cha cho tôi nghe. Sau khi cha mất (năm 1975), tôi có hỏi mẹ về cha, mẹ tôi đã kể lại tỉ mỉ về cha tôi, hai người quen nhau như thế nào, cuộc sống trước kia ra sao, những vui buồn, những sự kiện trong cuộc sống... Mỗi ngày tôi hỏi mẹ một ít, và đều ghi âm lại. Giờ mẹ tôi đã mất, nhưng giọng nói của mẹ vẫn được lưu trữ, đặc biệt là những câu chuyện do chính mẹ kể về cha và cuộc sống của cha mẹ trước kia đã được tôi lưu giữ lại" (*).
Tôi chợt nghĩ, không biết trên đất nước Việt Nam này có bao nhiêu gia đình có "bảo tàng gia đình" như thế? Có ai ngoài việc lưu trữ kỷ vật của bố mẹ lại còn nghĩ ra cách "Mẹ kể con nghe về cha" hay "Cha kể con nghe về mẹ", để lưu giọng nói mẹ - cha cùng những câu chuyện cuộc đời đấng sinh thành? 

Thận trọng mở chiếc hộp cho khách xem những kỷ vật về cha.
Không chỉ mẹ - cha, cả những kỷ vật khác như: bộ chén tặng lại nhau - từ quà cưới của mẹ tặng bạn gái, đến khi con gái mình cưới thì bạn lại tặng lại như một kỷ vật quý giữ gìn trong hơn 40 năm, luận án tiến sĩ của chị em trong gia đình, bức thư bố mẹ gửi con, thư bố gửi mẹ (đặc biệt bức thư bố viết cho mẹ tháng 7/1946 được coi như một bức thư tuyên ngôn của gia đình), mẹ gửi bố, anh chị em gửi cho nhau từ thủa thanh niên... cũng được giữ lại... Chắc chắn, không nhiều gia đình, không nhiều người giữ được nhiều kỷ vật như thế, vì thói quen, vì chiến tranh loạn lạc, thay đổi chỗ ở, điều kiện gia đình chật chội, thiên tai, hỏa hoạn... và thậm chí là do người ta không để ý việc giữ gìn do còn nhiều việc khác phải làm. 
Ông Huy bày tỏ sự tiếc nuối: "Nhiều nhà khoa học không có ý thức hoặc điều kiện giữ gìn những tài sản khoa học. Đó là những bản viết tay luận án, sách, những tấm ảnh... Tôi quan niệm mỗi nhà khoa học dù nổi tiếng hay không nổi tiếng, có nhiều công trình hay ít công trình... cứ là nhà khoa học thì mỗi người đã có giá trị riêng, sẽ đóng góp được ít nhiều dù chỉ là hạt cát cho nền khoa học nước nhà. Vì vậy, cần phải lưu trữ hồ sơ về các nhà khoa học như những bằng chứng về lịch sử của đất nước". 
(*) Mẹ của PGS Huy là bà Vi Kim Ngọc (con gái của nguyên tổng đốc Thái Bình, Hà Đông Vi Văn Định).
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật