Mô hình “Trường học mới” ở một trường vùng khó

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm học 2012 - 2013 Trường Tiểu học số 2 Sơn Trạch được phòng giáo dục Bố Trạch (Quảng Bình) chọn làm đơn vị điểm đại diện cho các trường vùng núi Bố Trạch, triển khai mô hình “Trường học mới“ tại Việt Nam, gọi tắt là VNEN.
Mô hình “Trường học mới” ở một trường vùng khó
Một lớp học theo Mô hình trường học mới tại huyện Krông Ana.

Đây là một "Mô hình mới", Trường được chọn để làm mẫu, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, những ưu điểm để tiếp tục nhân rộng, đồng thời uốn nắn những điểm bất cập trong việc thực hiện "Mô hình mới" cho các trường miền núi trong huyện.

Năm học 2012 - 2013, năm đầu tiên thực hiện Mô hình “Trường học mới” tại Việt Nam, ở địa bàn vùng núi khó khăn, thu được một số thành quả đáng khích lệ,  bước đầu rút ra được một số điểm mạnh, tìm ra được một số điểm không phù hợp cần uốn nắn kịp thời cho việc chỉ đạo mô hình mới đại trà nhân rộng trong toàn huyện, toàn tỉnh trong năm học 2013 - 2014 sắp tới.

Điểm mạnh  của Mô hình “Trường học mới” là tài liệu giảng dạy và phương pháp dạy học mới. Cái thuận lợi nhất của tài liệu là được sắp xếp "ba trong một": Sách giáo khoa, sách giáo viên và sách hướng dẫn được trình bày trong một quyển chung. Trong tài liệu cũng chỉ rõ các hoạt động và hình thức tổ chức học tập. Vì vậy chỉ cần một quyển sách, học sinh có thể tự học, tự làm bài; Giáo viên cũng chỉ nhìn vào đó để hướng dẫn học sinh tự học và cả phụ huynh cũng có thể sử dụng để hướng dẫn con em mình mà không cần bất cứ một tài liệu hỗ trợ nào khác. Đa số kênh hình và kênh chữ trong tài liệu rõ ràng, dễ hiểu, giúp học sinh tiếp cận bài học một cách dễ dàng. Sau mỗi bài tập đọc có hệ thống câu hỏi trắc nghiệm giúp học sinh nhanh chóng tìm hiểu nội dung của bài học…

Bên cạnh sự thuận lợi của Mô hình VNEN, nhà trường vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Nhất là khi Chương trình VNEN đang ở giai đoạn thử nghiệm nên tài liệu vẫn còn một số chỗ chưa hợp lý, gây khó khăn cho GV trong quá trình dạy học. Yêu cầu của chương trình là học sinh khi lên lớp 2 phải biết đọc và viết thành thạo mới tự học được, nhưng thực tế tỷ lệ HS yếu tiếng Việt lại khá phổ biến ở  các địa phương. Ngoài ra do môi trường, điều kiện xã hội, giáo dục gia đình, học sinh nông thôn phần lớn còn rụt rè trong giao tiếp, đặc biệt HS Trường Tiểu học số 2 Sơn Trạch có HS dân tộc, nói tiếng Việt chưa thành thạo nên chưa thể năng động, và hoạt bát như chương trình VNEN mong muốn. Hiện, đội ngũ CBQL, GV của Trường đang nỗ lực tìm giải pháp rút kinh nghiệm chung cho các năm tới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật