Người đàn bà 40 năm làm việc thiện

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đã gần 40 năm nay, ở nơi phố núi mọi người đều biết đến câu chuyện về một “cô tiên thời hiện đại” dùng hết tiền lương của mình để giúp đỡ người nghèo khó, ốm đau, bệnh tật….
Người đàn bà 40 năm làm việc thiện
Bà Lan thăm khám sức khỏe miễn phí cho các sư ở chùa Bảo Sơn

Nếu không đủ bà lại đi làm thêm tích góp, chắt chiu từng đồng mong mang lại sự no ấm đến cho  mọi người, đó là bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (sinh 1955), ở tổ dân phố 17, phường Phù Đổng, TP. Pleiku (Gia Lai).

Đi làm thêm…để giúp người nghèo
Những ngày cuối tháng 5, trời nắng như đổ lửa, tôi tìm hỏi tới nhà cô Nguyễn Thị Ngọc Lan là y tá về hưu đã gần 40 năm vẫn nhiệt tình, hăng say làm công tác từ thiện. Dừng chân ở quán ven đường, hỏi chuyện, bà bán nước cho biết: "Nếu các chị muốn gặp cô Lan thì đến lúc chập tối. Giờ này, cô ấy đi làm từ thiện, không có ở nhà đâu”.
Đúng như lời của bà bán nước nói, sau 3 tiếng đồng hồ chờ đợi, khi trời nhá nhem tối, thành phố bắt đầu lên đèn, nhìn xa xa, thấp thoáng một bóng dáng người phụ nữ nhỏ bé, bước chân vững chãi đang tiến về phía ngôi nhà mà chúng tôi đứng chờ. Sau màn hỏi thăm, chúng tôi có đề cập tới chuyện viết chân dung thì cô từ chối và chỉ đồng ý cho chúng tôi đi cùng đến bệnh viện tỉnh để thông báo cho bệnh nhân sáng hôm sau đi lấy cháo từ thiện của chùa Bảo Sơn. Đó cũng là một trong những công việc hàng tuần của cô Lan kể từ ngày nghỉ hưu (năm 2011).
Theo chân người phụ nữ tận tâm với người nghèo khó này đến từng khoa, từng bệnh nhân, từ tầng 1 lên tầng 5, chúng tôi mới thấu hiểu và cảm phục tấm lòng của bà đối với người bệnh nghèo. Trong lúc chúng tôi thấm mệt vì những cung đường lên xuống từ tòa nhà này sang tòa nhà khác, người đàn bà gần 60 tuổi này vẫn đi thoăn thoắt, đến trước mỗi cửa phòng, cất giọng nhẹ nhàng: "Ngày mai đúng 6 giờ sáng mọi người đến khoa dinh dưỡng có đợt phát cháo từ thiện, có cả chay và mặn”.
Bà Dăm Mới, người dân tộc Jrai huyện Chư Sê (Gia Lai) đang nằm điều trị tại bệnh viện tỉnh cho biết: "Ở đây 2 tuần rồi, thứ 7 nào cũng được cô Lan đến thông báo đi lấy cháo của nhà chùa. Tôi đi khám và nằm viện ở nhiều nơi rồi nhưng chưa thấy người nào có cái bụng tốt như cô Lan”.
Tối hôm trước tất bật là thế, vậy mà sáng sớm hôm sau, khi chúng tôi có mặt tại khoa dinh dưỡng của bệnh viện đã thấy bà Lan miệt mài làm vệ sinh, lau dọn xung quanh khoa dinh dưỡng và  phát cháo cho bệnh nhân cùng với tổ từ thiện của chùa Bảo Sơn.
Vốn sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Cát Tường, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ ( Bình Định), bà Lan cho rằng, chính khoảng thời gian bắt đầu được vào làm tại bệnh viện tỉnh Gia Lai, hàng ngày chứng kiến nhiều cảnh đời khó khăn bệnh tật đã thôi thúc bà quyết tâm cố gắng dành dụm, gom nhặt từng đồng để giúp người nghèo. "Thời gian mới vào làm tại bệnh viện, lương ba cọc, ba đồng, cuộc sống khó khăn nên chỉ đủ chi phí cho hàng ngày. Để có thể giúp được người nghèo khổ, hết giờ làm hành chính tôi lại tranh thủ hành nghề  "se lông mặt” được mẹ truyền dạy khi còn nhỏ”. Chẳng có nổi một chiếc xe đạp để đi, nhưng bà Lan vẫn tìm tới khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố Pleiku kiếm thêm tiền để giúp đỡ người nghèo.
Giúp người là niềm vui
Vì làm việc nghĩa, bà Lan chẳng kịp dựng cho mình một gia đình riêng cũng chẳng có tài sản nào quý giá để lo cho tuổi già. Động lực nào để thôi thúc một người đàn bà cứ có bao nhiêu của cải là gom góp cho người khác, chỉ có thể lý giải đó là một tấm lòng quá đỗi bao dung, nặng lòng với người nghèo. Dù không nhiều, đó có thể chỉ là bữa ăn sáng 10 nghìn đồng, vài viên thuốc cảm hay một chai nước truyền đôi ba chục ngàn…nhưng bà Lan đã mang đến cho những người nghèo không chỉ là sự sẻ chia, giúp đỡ mà còn là sự đồng cảm, nguồn động viên rất lớn với họ.
Chị Lương Thị Lãnh (27 tuổi) quê ở Gio Linh (Quảng Trị) nhưng lên Pleiku mưu sinh, là người thường xuyên được bà Lan đến chăm sóc những lúc ốm đau. Lãnh xúc động cho biết: "Mình chỉ biết nói cảm ơn cô Lan thôi, sống xa nhà nên những lúc ốm đau không có tiền mua thuốc, khi biết chuyện, cô đến tận nhà truyền nước, rồi mua thuốc nhưng không lấy một đồng”.
Chính vì thế mà mãi đến năm 2011, bà mới có ngôi nhà nho nhỏ được chùa Bảo Sơn xây dựng trên mảnh đất bệnh viện tỉnh Gia Lai cấp, còn trước đây chỉ biết thuê phòng trọ ở qua ngày.  Nhưng ngay cả tài sản duy nhất của đời mình bà cũng nung nấu ý định hiến tặng toàn bộ tài sản cho nhà chùa làm từ thiện.
Ông Trần Đức Hưng - Trưởng ban Mật trận tổ 4, phường Tây Sơn (TP. Pleiku) cho biết: Trong trời gian trước năm 2007 khi chưa được bệnh viện tỉnh mổ tim, sức khỏe tuy yếu nhưng bà Lan vẫn hăng say làm công tác từ thiện mà không nằm trong tổ chức từ thiện nào. Thấy vậy, tôi tìm đến và vận động bà vào Hội của phường. Hiện tại, dù ở khác  phường nhưng bà vẫn tham gia nhiệt tình công tác từ thiện ở Tây Sơn” .
Với 33 năm 9 tháng công tác tại bệnh viện tỉnh Pleiku thì có đến 28 năm liên tiếp bà Nguyễn Thị Ngọc Lan là cán bộ y tế hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều năm liền, bà  được tỉnh Gia Lai, bệnh viện tỉnh, TP. Pleiku…tuyên dương về những việc làm  ý nghĩa và nhân văn của mình.
Giờ đây, tuy tuổi cao sức yếu, mái tóc đã lốm đốm bạc, nhưng hàng ngày bằng số tiền lương hưu 3 triệu, bà lại dành dụm mua thuốc, quần áo, sách vở cho người nghèo, bệnh tật… Nếu tiền lương không đủ, bà đi "nuôi thuê”- chăm sóc bệnh nhân, người già rồi dành dụm, gom góp đi làm từ thiện. "Nghỉ hưu, có thời gian rảnh tôi lại càng có điều kiện giúp đỡ mọi người, nên phải cố hết sức thôi”, bà Lan chia sẻ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật