Sức mua thấp, doanh nghiệp lao đao

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có thâm niên trong nghề bán hàng 10 năm có lẻ, ông Đặng, phụ trách thị trường trong nước của một công ty sản xuất hàng tiêu dùng khẳng định, chưa bao giờ ông thấy sức mua thấp như hiện nay.
Sức mua thấp, doanh nghiệp lao đao
Người tiêu dùng cân nhắc kỹ khi mua sắm, thắt chặt chi tiêu. Ảnh: Minh Tâm

Ông Đặng chia sẻ với báo, tổng lượng hàng hóa bán ra của công ty tính đến hết tháng 4 chỉ bằng 80% của năm 2012 dù ông đã xoay đủ cách để đẩy hàng.

Nói về các giải pháp đã áp dụng, ông Đặng cho biết, ông đã phải cho chạy cùng lúc nhiều chương trình kích cầu như khuyến mãi, giảm giá nhằm đưa hàng ra với giá tốt để thu hút người tiêu dùng. Mặt khác, công ty cũng phải tăng cường hỗ trợ đại lý bán hàng, gọi là chia sẻ trong lúc cùng khó khăn.

Thành thử, chi phí bán hàng của những tháng đầu năm nay bị đẩy lên cao, ăn hết vào lợi nhuận doanh nghiệp. Ông Đặng nói: “Dù vậy, vẫn phải làm để duy trì sản xuất, giữ công nhân và tránh tồn kho. Ơn trời, đến thời điểm này, tồn kho vẫn đang ở ngưỡng cho phép, chưa ở mức báo động”.

Phó tổng giám đốc kinh doanh của một công ty ở ngành bánh kẹo cũng cho biết, theo quy luật, đây là thời điểm thấp điểm của mặt hàng này. Tuy nhiên, so với mọi năm, doanh thu năm nay còn giảm hơn.

Ông Đặng Chí Hùng, Giám đốc kinh doanh nội địa của Công ty TNHH Nhôm - Nhựa Kim Hằng nói công ty ông cũng không nằm ngoài tình hình chung. Trong đó, đau đầu nhất là phần chi phí bán hàng đang tăng rất cao. Bởi sản lượng hàng bán ra thì giảm sút trong khi số lượng nhân viên kinh doanh vẫn phải giữ nguyên. Đó là chưa kể phải thực hiện chương trình khuyến mãi nhiều hơn, sâu hơn để thu hút đại lý và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hơn là thời gian tới có thể còn khó hơn bởi kinh tế vĩ mô chưa có những điểm sáng còn người tiêu dùng thì càng thắt chặt hơn. “Những tháng tới, người tiêu dùng bước vào thời điểm phải chi tiêu nhiều hơn như lo cho con cái thi cử, chuyển cấp hay vào năm học mới. Trong khi đó, phần thu nhập lại không bao nhiêu khi cao su, lúa… rớt giá”, ông Hùng lý giải.

Bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa, TPHCM cũng đồng tình, những nhà sản xuất, nhất là của những mặt hàng không thiết yếu thì giai đoạn này khó khăn không ít.

Nguyên nhân là họ đang phải đối mặt với thực tế cung nhiều hơn cầu khiến cuộc cạnh tranh để bán được hàng, giành người tiêu dùng diễn ra rất khốc liệt. Vì vậy, điều tất yếu là ai cũng phải khuyến mãi, giảm giá khiến chi phí bán hàng bị đẩy lên.

Bà Thảo cũng cho biết, sức mua hiện nay của người tiêu dùng dồn vào những đồ đùng phục vụ bữa ăn hàng ngày, căn cứ vào hóa đơn và số lần đi siêu thị. “Nhiều người hiện nay đi siêu thị hàng ngày để mua sắm đồ ăn, thức uống”, bà Thảo nói.

Còn về doanh thu của siêu thị, bà Thảo nói, trong những tháng qua có tăng so với cùng kỳ nhưng mức tăng không như mong muốn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 5ước tính đạt 215,5 ngàn tỉ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2012.

Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 1.065,9 ngàn tỉ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố giá thì mức tăng chỉ 4,8%. Đây là mức tăng vào dạng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trong đó, kinh doanh thương nghiệp đạt 820,5 ngàn tỉ đồng, chiếm 77% và tăng 11,5%; khách sạn nhà hàng đạt 127,4 ngàn tỉ đồng, chiếm 12% và tăng 16,8%; dịch vụ đạt 108,1 ngàn tỉ đồng, chiếm 10,1% và tăng 10,6%; du lịch đạt 9,9 ngàn tỉ đồng, chiếm 0,9% và tăng 5%.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật