Chị “Thanh lợn khùa” làm ăn giỏi

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Về xã Trọng Hóa- huyện Minh Hóa- tỉnh Quảng Bình, nhắc đến chị Hồ Thị Thanh dân tộc Bru Vân Kiều thì từ già đến trẻ ai cũng biết. Không phải vì chị là người phụ nữ đảm đang tháo vát mà chị luôn là tấm gương lao động sản xuất giỏi để bà con xã Trọng Hóa học tập noi theo.
Chị “Thanh lợn khùa” làm ăn giỏi
Chị Hồ Thị Thanh bên đàn lợn của mình.

Trong căn nhà sàn đơn sơ cheo leo bên sườn núi Giăng Màn giữa đại ngàn Trường Sơn, chị Thanh rót nước tiếp khách vừa kể cho chúng tôi nghe những công việc thường ngày mà gia đình chị cũng như bao gia đình khác ở xã miền núi rẻo cao này.

“Các chú thấy đó, nói thì ở rừng nhưng đất không có để sản xuất, muốn làm gì cũng khó, nhà nào có lao động thì nhận đất trồng rừng, trồng sắn, vào rừng lấy măng, hái củ, nhà neo người thì chỉ nuôi con gà, con lợn… vất vả lắm nhưng nhiều nhà có đủ ăn đâu, còn đối với em thì…” chị Thanh vừa nói vừa chỉ ra vườn rau, chuồng lợn…

Mảnh vườn vài trăm m2 dưới cái nắng mùa hè khô khốc, rau lang, rau cải vẫn tươi xanh.

Chị Thanh giải thích: “Để có luống rau xanh tốt như ri, từ sáng sớm em phải xuống khe gánh nước, lấy phân lợn tưới, rồi tranh thủ tìm chuối rừng, củ sắn trên nương về cho lợn ăn. Và cùng với vườn nhỏ này là nguồn cung cấp rau cho cả nhà và đàn lợn đó”. Rồi chị giải thích: “Bà con trên ni chủ yếu nuôi lợn thường, nên tăng trọng không cao như ở dưới xuôi, tuy nhiên cũng khá, riêng em đã nhiều năm rồi chỉ nuôi lợn khùa, ở đây gọi là lợn địa phương, mặc dù giống có đắt nhưng giá bán được”.

Chuồng nuôi lợn cách nhà sàn không xa, nói là chuồng lợn nhưng quá đơn sơ, xung quanh là những thanh gỗ ghép lại thành ô và được che bằng mái lá cọ…nhưng đàn lợn khùa của chị Thanh được chăm sóc chu đáo.

“Do trời nắng nóng nên mỗi ngày chị phải rửa và vệ sinh vài lần, thấy lợn đói là cho ăn, thức ăn chủ yếu là rau khoai, cây chuối rừng, sắn. Để có đủ thức ăn cho 15 con lợn thật không dễ dàng chút nào. Hiện tại lợn của chị mới nuôi bốn tháng mà đã có trọng lượng gần 50 kg. So với dưới xuôi thì trọng lượng tăng chậm nhưng vì giống lợn địa phương lại không cho ăn bột thế là tốt lắm rồi”. Chị kể.

Được hỏi về giá cả và cách thu mua, chị Thanh cười: “Ngày mô cũng có người đến hỏi mua nhưng em chỉ bán cho người quen thôi, người mua quen họ “cáp” lợn giỏi lắm. Sợ nuôi không được chứ nuôi được lợn khùa dễ bán, nhất là gần tết người xuôi lên tìm mua nhiều. Mỗi năm em bán hai lứa lợn (khi thấy lợn nặng 90 đến 100kg mới xuất chuồng, mỗi lứa 15 con, trừ chi phí mua giống trên dưới 700 ngàn đồng/con thì sau sáu tháng bán bình quân ba triệu/con”…

Lấy khăn lau mồ hôi, chị cười: “Ở đây ít người làm được như em, họ bảo em là người có duyên với lợn, có người còn gán cho em cái tên rất kêu là “Thanh lợn khùa” , ừ thì răng cũng được, bà con yêu mà”.

Cùng với việc đầu tư nuôi lợn, chị Hồ Thị Thanh còn tranh thủ làm lúa nương, trồng sắn, khoanh nuôi và bảo vệ rừng... Theo chị: “Mặc dù nguồn thu từ lúa, sắn là phụ nhưng hằng năm gia đình có hơn 500 kg lúa, gần 10 tấn sắn và thu nhập từ 20 ha rừng trồng… so với bà con trên ni cũng khá lắm rồi. Vợ chồng em phân công rõ ràng lắm, em phụ trách chăn nuôi, còn chồng em (anh Hồ Lâm) phụ trách nông lâm nghiệp, việc ai nấy làm”. Với giọng nói pha chút tinh nghịch, lơ lớ tiếng Kinh, chị Thanh nói, cười một cách hồn nhiên vui vẻ .

Ông Đinh Anh Tuấn, cán bộ nông nghiệp xã Trọng Hóa cho biết: “Chị Hồ Thị Thanh là một người phụ nữ Bru Vân Kiều năng động, tháo vát, thông minh. Trong khó khăn chị đã tìm hướng phát triển kinh tế riêng của gia đình mình. Hiện tại chị là một trong những con chim đầu đàn về phát triển kinh tế của xã Trọng Hóa. Việc gì chị Thanh cũng làm được. Mỗi lần xã, huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, trồng và bảo vệ rừng…chị đều tham gia tích cực và tiếp thu rất nhanh. Chị Thanh không chỉ là người chăn nuôi giỏi mà còn là một trong những người đi đầu trong việc đưa chuồng trại chăn nuôi ra khỏi nhà sàn, giữ gìn vệ sinh thôn, bản sạch sẽ.”

Là một trong những địa phương nghèo nhất huyện Minh Hóa, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, những năm gần đây, xã Trọng Hóa đã có nhiều chương trình đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Mặc dù còn nhiều hạn chế do nhận thức của bà con dân tộc, vốn đầu, diện tích sản xuất ít… nên phần lớn đời sống của bà con còn thấp, tỷ lệ nghèo còn cao. Tuy nhiên, trong cái khó, một số bà con đã tìm hướng đi riêng cho mình.

So với miền xuôi thì chưa cao nhưng ở miền núi rẻo cao này mà thu nhập như gia đình chị Hồ Thị Thanh và nhiều gia đình khác là đáng ghi nhận. Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, lồng ghép các chương trình phát triển chăn nuôi, trồng trọt…xã Trọng Hóa đang đẩy mạnh trồng và bảo vệ rừng, giao đất, giao rừng cho bà con không chỉ nâng độ che phủ mà đời sống bà con từng bước được cải thiện một phần nhờ nguồn thu từ rừng trồng.

“Chị Hồ Thị Thanh là điển hình không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là người phụ nữ đảm đang, tháo vát, đầu tàu, gương mẫu trong mọi công việc của địa phương và có ý thức giúp đỡ mọi người, chị Thanh xứng đáng là tấm gương cho bà con Bru Vân Kiều học tập”.

Những lời nhận xét của ông Đinh Xuân Tiến, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa- huyện Minh Hóa về chị Hồ Thị Thanh tại trụ sở UBND xã càng làm cho chúng tôi khâm phục và kính trọng chị hơn bởi chị không chỉ là gương sáng của người phụ nữ dân tộc, mà chị thật xứng đáng là “bông hoa núi rừng” để bà con Bru Vân Kiều tỉnh Quảng Bình noi theo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật