Chất lượng đào tạo - Yếu tố sống còn

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau gần 3 năm được nâng cấp lên đại học, Trường Đại học Trần Đại Nghĩa đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng và trở thành một trong những trường đại học kỹ thuật có “thương hiệu“ tại khu vực phía Nam.
Chất lượng đào tạo - Yếu tố sống còn
Đại tá Trần Viết Triền

Nhân kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống nhà trường (27-5), phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn Đại tá Trần Viết Triền, Chính ủy Trường Đại học Trần Đại Nghĩa về những vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, nhà trường đã phải đối mặt với những khó khăn gì khi nâng cấp từ bậc cao đẳng lên đại học?

Đại tá Trần Viết Triền: Trở thành trường đại học (theo Quyết định số 345 ngày 23-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ) là kết quả của quá trình phấn đấu, đánh dấu sự phát triển về chất của nhà trường, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức. Trước tiên là việc phải thay đổi tư duy của cán bộ, giáo viên nhà trường để đáp ứng yêu cầu cao hơn trong đào tạo bậc đại học. Đội ngũ giáo viên còn thiếu so với biên chế, tổ chức và yêu cầu nhiệm vụ mới. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phải bổ sung nhiều...

PV: Vậy nhà trường đã làm gì để vượt qua những khó khăn trên, thưa đồng chí?

Đại tá Trần Viết Triền: Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy nhà trường đã xây dựng lộ trình, đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ mới và ra Nghị quyết chuyên đề "Xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đến năm 2015 và định hướng tới năm 2020", thực hiện nhiều biện pháp như: Đưa cán bộ, giáo viên đi đào tạo ở trong và ngoài nước; bồi dưỡng tại chức, nâng cao trình độ ngoại ngữ, sư phạm; đề ra chính sách tuyển dụng, thu hút nhân tài… Nhà trường thực hiện quyết liệt khâu đột phá về "đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo"; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Hiện tại, Trường Đại học Trần Đại Nghĩa đi tiên phong về số hóa quy trình quản lý, giảng dạy. Các phòng học chuyên dụng đều sử dụng công nghệ trình chiếu, mô phỏng, công nghệ 3D được ứng dụng phổ biến trong giảng dạy kỹ thuật.

PV: Từ những cố gắng nêu trên, vậy nhà trường đã đạt được những kết quả cụ thể như thế nào trong giáo dục, đào tạo, thưa đồng chí?

Đại tá Trần Viết Triền: Gần ba năm qua là một bước chuyển mình của Trường Đại học Trần Đại Nghĩa. Ý thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên có sự chuyển biến rõ rệt. Đến nay, 43% giảng viên của nhà trường có trình độ sau đại học, trong đó có 9,2% là tiến sĩ. Nền nếp, tác phong công tác của cán bộ, giáo viên thực sự có nhiều đổi mới; chất lượng giáo dục-đào tạo được nâng lên. Năm 2012, 100% học viên quân sự tốt nghiệp với tỷ lệ khá, giỏi đạt 43,9%. Đặc biệt, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào trường ngày càng tăng. Nếu như năm 2011, chỉ có 366 thí sinh đăng ký thi vào hệ quân sự, thì năm 2012 con số này là 932 và năm nay lên tới 2.109 thí sinh. Vừa qua, trường đạt giải nhất khối các trường thuộc LLVT tại Cuộc thi Olympic toán học toàn quốc năm 2013. Đội Robocon của trường cũng lọt vào vòng Chung kết toàn quốc tại Đà Nẵng.

PV: Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn tới thành công trong công tác tuyển sinh, trong khi tại TP Hồ Chí Minh có rất nhiều trường đại học kỹ thuật?

Đại tá Trần Viết Triền: Chúng tôi có truyền thống 35 năm xây dựng và trưởng thành. Nhà trường đã khẳng định được vị trí, uy tín của mình trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Yếu tố sống còn của một trường đại học chính là chất lượng giáo dục, đào tạo. Những năm qua nhà trường đã giải quyết hài hòa, đồng bộ cả ba khâu: Chất lượng đầu vào, quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra. Sự cạnh tranh ở đây là tạo ra môi trường đào tạo tốt nhất, xây dựng "thương hiệu" để thu hút được nguồn đầu vào chất lượng cao. So với các trường đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Trần Đại Nghĩa là một trường công lập, chính quy với đội ngũ giảng viên có trình độ, cán bộ quản lý tận tình; quá trình đào tạo được tổ chức bài bản, chất lượng; cơ sở vật chất và trang bị kỹ thuật bảo đảm tốt. Học viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

PV: Thưa đồng chí, trong thời gian tới nhà trường sẽ làm gì để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo?

Đại tá Trần Viết Triền: Đó là xây dựng nhà trường trở thành trung tâm đào tạo cán bộ kỹ thuật và nghiên cứu khoa học mạnh của quân đội ở khu vực phía Nam. Để làm được điều này, nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường là phải nâng cao chất lượng đào tạo. Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đổi mới đồng bộ trên các mặt, từng bước thực hiện "chuẩn hóa", "hiện đại hóa" các yếu tố của quá trình đào tạo, trong đó tập trung các nội dung cơ bản: Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học; nâng cao chất lượng tự học tập, nghiên cứu của học viên; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học; phát huy dân chủ, chống bệnh thành tích và các biểu hiện tiêu cực trong giáo dục, đào tạo. Phấn đấu đến năm 2015, nhà trường có đủ số lượng nhà giáo theo biên chế, trong đó 70% có trình độ thạc sĩ trở lên (20% tiến sĩ). Ngoài ra, nhà trường sẽ đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm đến năm 2015 nhà trường sẽ khang trang, hiện đại hơn.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật