Số người mắc AIDS có thẻ bảo hiểm y tế còn thấp

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo “Khảo sát về số lượng bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế đang được quản lý tại các cơ sở điều trị ngoại trú“ của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (tháng 4 - 5/2012) cho thấy số bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế chiếm 15% tổng số người bệnh nhiễm HIV/AIDS.
Số người mắc AIDS có thẻ bảo hiểm y tế còn thấp
Nhân viên y tế tư vấn, giám sát điều trị cho người có HIV.

Trong đó, 51,9% thuộc nhóm đối tượng nghèo; 18,9% thuộc nhóm cận nghèo và 29,2% là các nhóm đối tượng khác. 

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo góp ý dự thảo "Đề án thực hiện bảo hiểm y tế đối với dịch vụ điều trị HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015 và đến năm 2020" do Bộ Y tế tổ chức ngày 17/5. 

Theo Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế - Bộ Y tế, Tống Thị Song Hương, các quy định về quyền lợi trong khám, chữa bệnh về HIV/AIDS đối với người tham gia bảo hiểm y tế được quy định tại Luật Phòng, chống HIV/AIDS (năm 2005) và Luật Bảo hiểm y tế (năm 2008). 

Theo Điều 40 Luật Phòng, chống HIV/AIDS, "Người tham gia bảo hiểm y tế bị nhiễm HIV được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh" và Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã có "Quy định danh mục thuốc kháng HIV do bảo hiểm y tế chi trả." Như vậy, Luật Bảo hiểm y tế quy định về quyền lợi bảo hiểm y tế không phân biệt người bị nhiễm HIV/AIDS với người mắc các bệnh khác, trừ một số trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này. 

Thạc sỹ Tống Thị Song Hương cũng cho biết: "Đề án thực hiện bảo hiểm y tế đối với dịch vụ điều trị HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015 và đến năm 2020" được triển khai nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu và chất lượng chăm sóc và điều trị HIV/AIDS của người bị nhiễm HIV/AIDS, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và công tác phòng chống HIV/AIDS. 

Mục tiêu của đề án là đến năm 2015 có trên 70% và đến năm 2020 có trên 80% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế được tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh theo tuyến chuyên môn kỹ thuật trong điều trị HIV/AIDS do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí trong phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế; phấn đấu đến năm 2015 có 50% số người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế và đạt 80% vào năm 2020. Đề án tập trung vào các giải pháp tăng cường nguồn lực tài chính từ Quỹ bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ HIV/AIDS của người tham gia bảo hiểm y tế , bao gồm sử dụng thuốc ARV và các dịch vụ chẩn đoán, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. 

Tính đến tháng 5/2012, trên phạm vi toàn quốc có 279 cơ sở điều trị ngoại trú điều trị HIV/AIDS, trong đó có 5 cơ sở tuyến trung ương, 117 cơ sở tuyến tỉnh và 157 cơ sở tuyến huyện. Công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hiện đang được triển khai trên toàn quốc. 

Hiện nay, cả nước có 226 điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; trong đó có 2 điểm tuyến trung ương, 92 điểm tuyến tỉnh, còn lại là tuyến huyện với132 điểm. Tuy nhiên, hiện chỉ có trên 133 cơ sở cung cấp dịch vụ này toàn diện và cũng chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố có dự án tài trợ... 

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận tập trung vào các vấn đề như gói dịch vụ cung cấp cho đối tượng nhiễm HIV/AIDS; cung ứng thuốc điều trị dự phòng; tăng cường năng lực cho hoạt động cung ứng thuốc; chăm sóc, tư vấn, quản lý tại nhà đối với các đối tượng này..

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật